Thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS:

Khánh Hòa không để tồn tại “vùng lõm” về dân cư trên các địa bàn

- Thứ Bảy, 10/12/2022, 15:24 - Chia sẻ

Để không tồn tại “vùng lõm”, có khoảng cách giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các thành phần dân cư khác trên các địa bàn, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Khánh Hòa Khóa VII, các đại biểu cho rằng: tới đây UBND tỉnh cần nghiên cứu, rà soát xây dựng chính sách hỗ trợ đối với các các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các địa phương không còn thuộc danh sách các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; rà soát lại các chính sách hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang triển khai để có điều chỉnh cho phù hợp.

Nguy cơ tái nghèo ở nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hiện nay tỉnh Khánh Hòa đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, theo Nghị quyết số 16/NQ- HĐND  ngày 15.1.2021 và Quyết định số 2341/QĐ-UBND ngày 23.8.2022 của UBND tỉnh. Theo đó, tất cả người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đều được thụ hưởng các chế độ chính sách của Chương trình theo đúng quy định.

Khánh Hòa không để tồn tại “vùng lõm” về dân cư trên các địa bàn  -0
Đại biểu Lê Thị Mai Liên chất vấn những vấn đề về thực hiện chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi

Tuy nhiên, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thường kỳ cuối năm 2022, đại biểu Lê Thị Mai Liên – Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Khánh Hòa có 28 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 20 xã khu vực III, 3 xã khu vực II và 5 xã khu vực I; có 66 thôn đặc biệt khó khăn. So với giai đoạn trước, giai đoạn 2021 – 2025 đã giảm 23 xã thuộc đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng 1 thôn đặc biệt khó khăn.

“Điều này đồng nghĩa với việc, 23 xã đưa ra khỏi danh sách sẽ không còn được thụ hưởng các chính sách ưu tiên về dân tộc và miền núi; người dân cũng không được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Và thực tế ở 23 xã này, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nguy cơ tái nghèo cao”.

Từ thực tế trên,  đại biểu Lê Thị Mai Liên đặt câu hỏi dành cho đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa: tỉnh đã quan tâm và đưa ra giải pháp gì để hỗ trợ địa phương cũng như những người dân nơi đây chưa?

 Rà soát lại các chính sách hỗ trợ

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Mai Liên về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thiệu khẳng định: việc chăm lo, giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đối với 23 xã đưa khỏi danh sách các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 là do tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ địa phương dưới 15%.

Khánh Hòa không để tồn tại “vùng lõm” về dân cư trên các địa bàn  -0
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thiệu trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 về thực hiện chính sách đối với vùng DTTS

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách  các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025: tỉnh Khánh Hòa có 28 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 20 xã khu vực III, 3 xã khu vực II và 5 xã khu vực I, có 66 thôn đặc biệt khó khăn.

Theo đó, giải pháp trong thời gian tới về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương quan tâm ưu tiên đưa các xã trên vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Qua đó, người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại các xã này sẽ thụ hưởng một số chính sách như: Hỗ trợ phát triển sản xuất để phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho người lao động…

Đối với các địa phương có các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Cam Ranh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Vạn Ninh): Các địa phương chủ động báo cáo cấp ủy đảng và các cơ quan đoàn thể, chính trị xã hội của địa phương xem xét, sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp (ngân sách, mặt trận, đoàn thể, cộng đồng dân cư, vốn huy động..) để hỗ trợ cho các đối tượng đảm bảo sớm giải quyết vấn đề nhà cho người dân…

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Mạnh Dũng nhấn mạnh: Hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị tỉnh. Trong thời gian tới, UBND tỉnh cần nghiên cứu, rà soát có xây dựng chính sách hỗ trợ đối với các các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các địa phương không còn thuộc danh sách các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; rà soát lại các chính sách hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang triển khai để có điều chỉnh cho phù hợp; không để tồn tại “vùng lõm”, có khoảng cách giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các thành phần dân cư khác trên các địa bàn.

Liên quan đến việc đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trả lời chất vấn của đại biểu Mấu Văn Phi – Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh về việc tỉnh có tiếp thực hiện Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào DTTS (dự án CRIEM) hay không, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân khẳng định: Dự án CRIEM là dự án vay vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á, UBND tỉnh tiếp tục đeo đuổi dự này để có thêm nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng cho 2 huyện miền núi. Bên cạnh đó, hiện tình đang tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm tập trung nguồn lực đầu tư cho Khánh Sơn, Khánh Vĩnh phát triển nhanh và bền vững. Ngoài ra, 2 huyện miền núi còn có thêm nguồn lực từ nguồn ngân sách các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có điều kiện tốt hơn hỗ trợ theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội để đầu tư phát triển…

Minh Quân
#