Hoàn thiện hạ tầng, xây dựng nông thôn hiện đại

- Thứ Tư, 12/06/2024, 07:08 - Chia sẻ

Mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững là bước đi cụ thể mà Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung đã định hướng nhằm hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Nông thôn mới vừa là động lực, vừa là giải pháp

Ông Ngô Đình Long - Phó Chánh Văn phòng NTM Hà Tĩnh cho biết, mục tiêu lớn nhất của tỉnh trong năm 2024 là phấn đấu cơ bản hoàn thành các yêu cầu về tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM quy định theo Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh có 9/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ NTM, chưa có huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (yêu cầu tối thiếu 20%, tương đương phải có 2 huyện), 60/181 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 33% (yêu cầu 40%); có 73% số km đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường (yêu cầu tối thiểu 70%)... Để hoàn thành mục tiêu lớn, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục xác định xây dựng NTM, đô thị văn minh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị; phải huy động được các nguồn lực của xã hội và sự vào cuộc chủ động, tích cực của người dân; mỗi cán bộ đảng viên và toàn thể Nhân dân phải nỗ lực, quyết tâm cao để tập trung thực hiện.

Hạ tầng giao thông nông thôn tại thôn Tam Đồng, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên Ảnh: Ngô Thắng
Hạ tầng giao thông nông thôn tại thôn Tam Đồng, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Ngô Thắng

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với 4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực tăng trưởng cũng nêu rõ, mục tiêu đến năm 2050 đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh. Giáo dục, đào tạo, y tế, sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu. Con người Hà Tĩnh phát triển hài hòa cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức, bản sắc văn hóa. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Nằm trong kế hoạch tăng trưởng chung, chương trình xây dựng tỉnh NTM là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài, toàn diện, tạo nền tảng bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; kết nối nông thôn với đô thị; nông nghiệp với công nghiệp, thương mại, dịch vụ; nông thôn với các hành lang và các vùng phát triển động lực của tỉnh. Ngoài ra, NTM sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, thay đổi tư duy của người lao động; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng, các hành lang kinh tế. Như vậy, NTM vừa là động lực vừa là giải pháp xây dựng nền tảng bền vững để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương.

Nông thôn khang trang, giàu bản sắc

Trước đó, lũy kế đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 509/639 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 79,66%), đã đánh giá công nhận, công nhận lại 141 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh lên 79,66%; cải tạo, xây mới 48 trạm y tế theo Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn vay ADB và hoàn thiện các hồ sơ nâng cấp, cải tạo 19 trạm y tế theo Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội; Tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp ước đạt trên 2,71%; tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt gần 14.000 tỷ đồng (tăng 3,2%),...; Toàn tỉnh có 2.579 THT, 1.025 HTX thuộc đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh tiếp tục phát huy hiệu quả.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí trong các khu dân cư được củng cố và nhân rộng, thu hút đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia. Cụ thể, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên đã trở thành điển hình trong xây dựng NTM kiểu mẫu về văn hóa, nhờ xây dựng đồng bộ hệ thống nhà văn hóa, khu thể thao thôn, ngôi nhà trí tuệ, nhà trưng bày dụng cụ sản xuất qua các thời kỳ ở 9 khu dân cư trên địa bàn. Hệ thống nhà văn hóa có tính gắn kết với các địa chỉ tâm linh như: đền Hàng Tổng, di tích lịch sử Trần Viết Thứ, Thành hoàng làng Đồng Bàu… Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao diễn ra thường xuyên, được người dân hưởng ứng, tham gia tích cực, sôi nổi thông qua các câu lạc bộ: bóng chuyền, cờ vua, dân vũ, dân ca ví dặm, sinh hoạt hè…

Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường cũng được đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện, nhất là việc phân loại rác tại hộ gia đình, xây dựng các điểm thu gom rác thải, mô hình xử lý nước thải sinh hoạt. Một số đơn vị đã xây dựng một số mô hình nổi bật về bảo vệ môi trường như tại xã Cẩm Vịnh huyện Cẩm Xuyên với tỉ lệ phân loại rác đạt tỷ lệ 99,1%, toàn xã xây dựng được 426 mô hình nhà sạch - vườn đẹp cho hiệu quả kinh tế cao… Không chỉ xây dựng mô hình xử lý rác hữu cơ trong hộ gia đình, ở các điểm công cộng như chợ dân sinh, xã Cẩm Vịnh cũng xây dựng điểm xử lý rác thải tập trung. Toàn xã hiện có 1 điểm xử lý rác hữu cơ tập trung, 7 điểm tập kết rác nguy hại, 1 điểm tập kết rác thải cứng.

Hơn thế nữa, các tổ chức chính trị xã hội trong toàn tỉnh cũng đã hình thành một số mô hình bảo vệ môi trường, tiêu biểu như “Cụm dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp do phụ nữ tự quản”, “Tổ nhà sạch, vườn đẹp”, “Chi hội, CLB gia đình 5 không 3 sạch”, “Tổ ươm mầm xanh, biến rác thành tiền”; mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu, thành lập các CLB giảm rác thải nhựa... của Hội Phụ nữ; các chương trình khác của Hội nông dân, Tỉnh đoàn thu hút được nhiều cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia chung tay bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của cộng đồng hướg đến lối sống xanh, thân thiện với môi trường.

Phong trào xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu cũng được các địa phương triển khai tích cực như: chỉnh trang, nâng cấp, làm mới nhà ở và công trình phụ trợ; cải tạo, chỉnh trang vườn hộ, chuồng trại chăn nuôi; mở rộng, nâng cấp nền đường; xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình; xây dựng mô hình camera an ninh... Nằm trong định hướng của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh sẽ tiếp tục rà soát, lên kế hoạch chỉ đạo các đơn vị thực hiện đến năm 2025 tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng biện pháp phù hợp, hiệu quả đạt tối thiểu 35%. Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; phấn đấu có 100% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh trong năm 2024.

Việt Anh
#