Thực hiện Chương trình OCOP Hà Nội

Hoài Đức nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP

- Thứ Bảy, 27/05/2023, 06:12 - Chia sẻ

Với 52/54 làng có nghề, những năm qua, để thúc đẩy làng nghề phát triển, huyện Hoài Đức đã tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là hướng đi nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo hướng phường, quận.

Huy động các nguồn lực xã hội 

Hiện nay, toàn huyện Hoài Đức có 52/54 làng có nghề, trong đó có 12 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận. Nhận diện, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh để sản xuất các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế để đạt tiêu chuẩn OCOP, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, huyện Hoài Đức đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đến nay, huyện có 95 sản phẩm OCOP của 36 doanh nghiệp và hợp tác xã, cơ sở sản xuất tại 14/20 xã, thị trấn trên địa bàn được công nhận. Trong đó, sản phẩm thực phẩm chiếm 90%, đây là các sản phẩm đặc sắc đến từ các làng nghề truyền thống của huyện.

Điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Hoài Đức (Ảnh bài chính)
Điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Hoài Đức

Để những sản phẩm OCOP đã được công nhận phát huy hết giá trị thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu, huyện cũng tích cực hỗ trợ các sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng do các sở, ngành tổ chức để đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.  Đơn cử như sản phẩm OCOP của Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương - đơn vị đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh nông sản thực phẩm của huyện Hoài Đức là một ví dụ điển hình.

Được biết, cuối năm 2019, Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP TP. Hà Nội với 6 sản phẩm thì có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao của Hà Nội. Trong đó: miến Dong, miến Khoai Lang, Điền Bảo miến khoai tây, mộc nhĩ và Mifoco - miến Dong sợi rút và đặc biệt sản phẩm Bún gạo Minh Dương của Công ty là một trong 6 sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội đạt đủ tiêu chí trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao. Các sản phẩm của công ty bảo đảm nghiêm ngặt về quy trình sản xuất, mẫu mã bao bì đa dạng, được khách hàng yêu quý và tin dùng. Năm 2020, Công ty tiếp tục tham gia chương trình với 2 sản phẩm: Điền Bảo miến Khoai Lang và Điền Bảo miến Dong sợi rút đều đạt OCOP 4 sao của Hà Nội.

Theo đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương, thời gian tới, Công ty không chỉ hoàn thành sứ mệnh trở thành công ty thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng hàng đầu Việt Nam, mà còn muốn vươn xa ra thị trường quốc tế. Đó là mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP nâng tầm chất lượng, phát triển sản phẩm theo chu trình OCOP "sản phẩm chuyên nghiệp".

Có thể nói, Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương là minh chứng cho những nỗ lực của huyện trong hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Thông qua chương trình, nhiều sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Có sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương cũng như thành phố, qua đó tạo nên nhiều sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền:
Phấn đấu có thêm 400 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên

Trong năm 2023, TP. Hà Nội sẽ thực hiện, hoàn thành các mục tiêu đề ra của Chương trình OCOP đến năm 2025 của thành phố và Trung ương; tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp thành phố theo đúng quy định, phấn đấu có khoảng 400 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên và 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia. Đồng thời, phát triển tối thiểu 30 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; triển khai tối thiểu 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.

Hoài Đức nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP -0

Để hoàn thành tốt các mục tiêu này, UBND thành phố sẽ triển khai một số nội dung trọng tâm. Cụ thể, trong công tác phát triển, nâng cấp sản phẩm OCOP, thành phố sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm mới (sản phẩm từ ý tưởng), sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống và kinh nghiệm sản xuất của địa phương; thúc đẩy, khuyến khích các phong trào phụ nữ, thanh niên, trí thức trẻ, các chủ thể đã có sản phẩm tích cực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới đặc thù gắn với địa phương tham gia chương trình OCOP.

Cùng với đó, triển khai một số mô hình bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với Chương trình OCOP thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố cũng hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn; phân tích chất lượng sản phẩm (nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược), tham gia liên chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng sản phẩm OCOP làm quà tặng để giới thiệu với khách hàng trong nước, quốc tế và bán tại các điểm du lịch.

95 sản phẩm OCOP được công nhận

Có thể nói, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP" đã tạo ra "sân chơi" bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, phát huy những giá trị tiềm năng của các làng nghề, đặc sản vùng miền. Thông qua đó, đưa được nhiều sản phẩm chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, góp phần thiết thực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tại Hoài Đức, trong 3 năm (2019 - 2021), các xã đã có 68 sản phẩm OCOP (7 sản phẩm 3 sao, 60 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao); 62 sản phẩm (chiếm 91,2%) thuộc nhóm thực phẩm, 6 sản phẩm (chiếm 8,8%) thuộc nhóm đồ lưu niệm - nội thất - trang trí; đã có 25 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó 16% là các HTX, 28% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 56% là cơ sở/hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết.

Tuy nhiên, để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế, Chương trình OCOP sẽ được huyện đẩy mạnh hơn nữa về chất lượng và số lượng sản phẩm trên địa bàn; đợt 1, huyện đã được đánh giá, phân hạng 17 sản phẩm với 6 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 3 sao; đợt 2, hội đồng huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng thêm 10 sản phẩm trình hội đồng thành phố xem xét. Luỹ kế đến nay, huyện đã có 95 sản phẩm OCOP của 36 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất ở 14/20 xã, thị trấn trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, để các sản phẩm OCOP được nhiều người tiêu dùng biết đến, huyện đã và đang tích cực hỗ trợ để sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, do các sở, ngành thành phố tổ chức, nhằm đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ. Năm 2022, huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội tổ chức 2 hội chợ (gắn với sự kiện) gồm: hội chợ giống - vật tư, thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề trên địa bàn thành phố với 100 gian hàng (huyện Hoài Đức có 10 gian hàng tham gia).

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận chia sẻ: trong năm vừa qua, việc ra mắt điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thứ 3 (tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương, Cụm công nghiệp Di Trạch, xã Di Trạch), với nhiều sản phẩm làng nghề (thực phẩm chế biến sẵn, hoa quả, rau xanh…), nhằm quảng bá và phát huy giá trị sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống của huyện; tạo cơ hội xúc tiến thương mại, giúp người dân biết, ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, sản phẩm an toàn. 

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội)

Khánh Duy