Một trong những mô hình chăm sóc bảo vệ trẻ em được thực hiện khá hiệu quả phải kể đến là “Thí điểm kết nối dịch vụ chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em tại cộng đồng dựa trên đánh giá nhu cầu của trẻ” do Trung tâm Công tác xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh) thực hiện. Trung tâm duy trì Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình chăm sóc, nuôi dạy con tốt” tại huyện Ba Chẽ và thị xã Đông Triều; bảo đảm cho trẻ em đến đủ 8 tuổi được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội, được bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc theo độ tuổi và nhu cầu.
Trung tâm Công tác xã hội còn phối hợp với Cục Trẻ em triển khai thí điểm mô hình chăm sóc trẻ em đầu đời tại thị xã Đông Triều. Từ năm 2023 đến nay, đã có 3 chuyên đề chăm sóc trẻ em đầu đời được Trung tâm tổ chức cho 120 cha mẹ là thành viên CLB. Bên cạnh đó, thực hiện tốt mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh” với chức năng hỗ trợ khẩn cấp và chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại nhà tạm lánh đối với những người là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quy định của Chủ tịch UBND tỉnh…
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục nhân rộng xây dựng mô hình “Trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực gắn với phòng chống bạo lực giới” tại các cơ sở giáo dục với nhiều hoạt động phong phú. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh duy trì và hướng dẫn mô hình “Chăm sóc và giáo dục phát triển toàn diện trẻ thơ”, “Quản lý thanh thiếu niên có nguy cơ làm trái pháp luật”, CLB “Quyền trẻ em”, "Điểm chia sẻ chắp cánh ước mơ"…
Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp) đã trợ giúp 25 vụ việc; cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 25 trẻ em. Tổng đài miễn phí 18001769 tiếp nhận và tư vấn với tổng số 3.363 cuộc; trong đó, có 423 trường hợp liên quan đến trẻ em, vấn đề của trẻ. Trung tâm Công tác xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) thực hiện tư vấn trực tiếp cho 80 trường hợp, trong đó có 47 trẻ em…
Đặc biệt, từ năm 2023, UBND 13/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều thực hiện mô hình “Phòng chống tai nạn thương tích” cho trẻ em. Toàn tỉnh đã tổ chức 174 lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em với tổng kinh phí 2.092 triệu đồng. Trong đó, 146 lớp được triển khai từ nguồn ngân sách địa phương; 28 lớp từ nguồn vận động xã hội hóa.
Cũng trong năm 2023 vừa qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm nhận đỡ đầu hàng tháng gần 2.000 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 14 tỷ đồng. Tiêu biểu như: Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh với mô hình “Mẹ đỡ đầu”, triển khai từ năm 2020 đến nay đã vận động đỡ đầu hàng tháng 435 trẻ em (91 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và 344 trẻ em mồ côi); Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh vận động các cơ quan, doanh nghiệp đỡ đầu 270 trẻ; Tỉnh Đoàn phân công các cơ sở đoàn đỡ đầu 496 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh đỡ đầu 36 trẻ... Các huyện, thị xã, thành phố vận động đỡ đầu trên 300 trẻ, trong đó TP. Hạ Long đỡ đầu 120 trẻ với mức 1 triệu đồng/trẻ/tháng.
Sự chung tay, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và cả cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thời gian qua, đã góp phần quan trọng để tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả quan trọng về các phát triển của trẻ em, tiêu biểu là về chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng, giáo dục, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...