Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức, sông Sài Gòn đoạn chạy qua địa phận huyện Củ Chi có chiều dài khoảng 57km, từ cầu Bến Súc - xã Phú Mỹ Hưng đến cầu Rạch Tra, xã Bình Mỹ. Trên địa bàn huyện Củ Chi không có quy hoạch mỏ khoáng sản, không có đơn vị khai thác khoáng sản được cấp phép theo quy định. Tình hình khai thác khoáng sản (cát) trái phép trên sông Sài Gòn diễn biến phức tạp, dọc theo tuyến sông Sài Gòn từ xã Hòa Phú đến Khu di tích Bến Dược, xã Phú Mỹ Hưng, tập trung bơm hút cát nhiều nhất tại các xã An Phú, Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, Phú Hòa Đông, Trung An.
Hàng năm, UBND huyện đều ban hành Kế hoạch chỉ đạo và đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát và khai thác cát sỏi sông Sài Gòn, địa bàn huyện Củ Chi; đồng thời, chỉ đạo các ngành, UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền vận động, kiểm tra xử lý. Hạn chế triệt để tình trạng bơm hút cát ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy, sạt lở bờ sông ảnh hưởng các công trình đê bao sông Sài Gòn, làm mất đất và cây trồng của nhân dân dọc bờ sông Sài Gòn.
Công an huyện Củ Chi cũng chỉ đạo Công an các xã dọc tuyến sông Sài Gòn tổ chức họp dân phổ biến số điện thoại của Trưởng Công an xã, Chủ tịch UBND xã, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện để người dân cung cấp thông tin diễn biến hoạt động khai thác cát. Mặt khác, tổ chức tuyên truyền các quy định pháp luật, không kinh doanh mua bán cát không rõ nguồn gốc, tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về xử phạt hành chính trong khai thác cát trái phép đến từng người dân và kịp thời kiểm tra xử lý các trường hợp kinh doanh khai thác cát trái phép trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, vận động, tuyên truyền các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng dọc sông Sài Gòn ký cam kết không mua bán cát không rõ nguồn gốc; tuyên truyền đến các hộ có phương tiện vận chuyển đường thủy cam kết không khai thác cát trái phép. Qua đó, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân tố giác hành vi khai thác cát, tuyên truyền gia đình và người thân không tham gia khai thác cát, mua bán cát không rõ nguồn gốc và tuyên truyền mức xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh, mua bán, khai thác cát theo quy định pháp luật.
Đặc biệt, vận động những người dân sống dọc sông Sài Gòn không khai thác khoáng sản trái pháp luật và cung cấp các thông tin về những đối tượng có những nghi vấn hoạt động khai thác cát trái phép cho cơ quan chức năng để kiểm tra xử lý. Công an các xã dọc sông Sài Gòn tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống khai thác cát trái phép qua hệ thống loa phát thanh không dây dọc sông Sài Gòn, vận động người dân có phương tiện khai thác cát chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ vốn chăn nuôi sản xuất ổn định đời sống, góp phần giảm tình trạng người dân địa phương tham gia vào hoạt động khai thác cát trái phép.
Phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát
Song song với hoạt động tuyên truyền, vận động; công tác phối hợp kiểm tra kinh doanh cát, khai thác cát trái phép trên địa bàn giáp ranh luôn được huyện Củ Chi đặc biệt chú trọng.
Theo thống kê của UBND huyện Củ Chi, từ năm 2019 đến nay, hoạt động khai thác cát trái phép trên tuyến sông Sài Gòn thuộc địa phận huyện Củ Chi giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2019 là 2 vụ, năm 2020 là 2 vụ, năm 2021 là 2 vụ vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, năm 2022 giảm còn 1 vụ; tình trạng người dân địa phương tham gia vào hoạt động khai thác cát trái phép đã giảm rõ rệt.
Theo đó, trong năm 2022, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện do Công an huyện chủ trì đã phối hợp với Trạm Cảnh sát đường thủy Rạch Tra - Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC08B) đã kiểm tra 10 đợt về tình hình khai thác cát trái phép dọc sông Sài Gòn; tổ chức tuần tra hàng đêm trên tuyến dọc sông Sài Gòn thuộc địa phận huyện Củ Chi nhằm chủ động phòng ngừa hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn. Qua đó, trong năm 2022 đã phát hiện, tạm giữ 1 ghe gỗ gắn thiết bị bơm hút cát và 15m3 cát, xử phạt vi phạm hành chính 1 ghe chở, với số tiền phạt 5.500.000 đồng.
Bên cạnh đó, huyện Củ Chi cũng chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với Công an các xã dọc sông Sài Gòn và tuyến kênh Xáng - Rạch Tra tổ chức làm việc, cho viết cam kết đối với các cơ sở, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng (cát, đá) dọc sông Sài Gòn, cam kết không tham gia hoạt động khai thác cát trái phép, không kinh doanh mua bán cát không rõ nguồn gốc. Qua đó, chưa phát hiện trường hợp cơ sở, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng vi phạm.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đình Đức cũng cho biết, do đặc điểm địa hình hoạt động trên môi trường sông nước, kiểm tra vào ban đêm, nên công tác trinh sát nắm tình hình khó khăn; không dễ bố trí lực lượng tiếp cận, theo dõi. Các đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động, sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng.
Việc sử dụng phương tiện canô của Công an huyện dễ bị lộ do các đối tượng khai thác cử người cảnh giác quanh địa điểm neo đậu canô và dọc sông Sài Gòn. Cùng với đó, nguồn kinh phí phục vụ công tác định giá tang vật (ghe gỗ) vi phạm về hoạt động khai thác cát trái phép còn hạn chế nên còn nhiều vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền ra quyết định tịch thu tang vật…