Đất tiếp giáp mặt tiền đường lớn hệ số K thấp hơn đất trong hẻm
Theo phản ánh của các hộ dân, giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi bởi dự án đường Vành đai 3 đoạn TP. Hồ Chí Minh trên địa bàn TP Thủ Đức được thực hiện theo văn bản số 314/CSBT-HĐBT ngày 26.4.2023 của UBND TP Thủ Đức. Trong đó, hệ số K của đất ở tại đô thị, đất trồng cây lâu năm nằm ngay mặt tiền đường lớn lại có hệ số K thấp hơn so với đất nằm trong hẻm, đất không tiếp giáp đường.
Ông Bùi Thanh Tuấn (có 841m2 đất trồng cây lâu năm nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh) trình bày: "Theo văn bản trên, đơn giá bồi thường đất trồng cây lâu năm đối với gia đình tôi là 7,6 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường đang giao dịch ở mức 40-50 triệu đồng/m2, chênh lệch gấp 10 lần. Theo văn bản số số 314/CSBT-HĐBT ngày 26.4.2023 của UBND TP Thủ Đức, hệ số K của đất trồng cây lâu năm tại vị trí 1 (tiếp giáp đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh, Tam Đa) hơn 17,04 thấp hơn các vị trí 2 (không đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh, Tam Đa) hệ số K 19,3; Thấp hơn vị trí 3 (không đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh, Tam Đa) hệ số K 22.1528.
Việc áp dụng hệ số K như trên là không hợp lý. Bởi đất trồng cây lâu năm nằm tiếp giáp với mặt tiền đường lớn lại có hệ số K thấp hơn đất nằm sâu bên trong, đất không tiếp giáp với các tuyền đường. Điều này cho thấy đất nằm tiếp giáp mặt tiền đường lớn bị giảm giá trị”.
Tương tự, ông Lê Minh Thắng (hộ dân có đất bị thu hồi nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Xiển) cũng ý kiến tương tự: "Chúng tôi không hiểu vì sao đất mặt tiền đường lớn lại có hệ số K thấp hơn đất nằm sâu bên trong, đã vậy nhưng đơn giá bồi thường quá thấp. Thấp ở đây không chỉ thấp so với giá thị trường mà còn thấp hơn so với mức giá bồi thường của tỉnh Bình Dương. Đơn giá bồi thường đất trồng cây lâu năm chỉ hơn 7,6 triệu đồng/m2, trong khi chúng tôi thuê đơn vị thẩm định thì có giá hơn 33 triệu đồng/m2. Còn ở tỉnh Bình Dương, cũng trên tuyến đường Nguyễn Xiển, giá đền bù đối với đất nông nghiệp là hơn 16,7 triệu đồng/m2".
Ban bồi thường áp dụng hệ số K thế nào?
Liên quan đến các phản ánh của người dân, PV Báo Đại biểu Nhân dân đã có buổi trao đổi với ông Trần Đình Na, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ 3 – Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức.
Ông Na cho biết, theo quy định thì UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quyết định về giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn địa phương mình quản lý. Nên việc người dân so sánh như vậy là khập khiễng.
Về mức giá chênh lệch giữa TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, ông Na lý giải: "Đất nông nghiệp trên địa bàn Bình Dương bị thu hồi bởi dự án Vành đai 3 là đất có diện tích nhỏ, nằm trong những khu dân cư… nên mới có giá như vậy. Còn đất nông nghiệp ở TP Thủ Đức là đất nông nghiệp thuần, có diện tích lớn".
Đối với vấn đề hệ số K đất nông nghiệp tiếp giáp mặt tiền đường lớn thấp hơn đất nằm trong hẻm, đất không tiếp giáp đường, ông Na cho biết TP Thủ Đức thuê và giao cho một đơn vị tư vấn độc lập (Công ty Cổ phần Đầu tư tư vấn và thẩm định giá Đông Dương – PV) chịu trách nhiệm tư vấn, thẩm định giá đất theo giá thị trường. Đơn vị tư vấn đã tiến hành khảo sát giá chung cho các khu vực. Thời điểm khảo sát cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Ông Na thông tin: "Họ lấy giá thị trường đã khảo sát chia lại đơn giá đất theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16.1.2020 của UBND TP. Hồ Chí Minh thì ra hệ số K".
“Ở đây chúng ta hiểu nhầm rằng lấy hệ số K (bao nhiêu đó) nhân với giá đất hàng năm theo quy định của Thành phố thì ra giá bồi thường là không phải. Quyết định số 28/2022/QĐ-UBND ngày 16.1.2020 của UBND TP. Hồ Chí Minh quy định hệ số K đất nông nghiệp tại TP Thủ Đức từ 15-25, thì hệ số K của đất nông nghiệp tại TP Thủ Đức nằm trong khung đó, không thấp hơn và cao hơn; Lấy giá thẩm định chia cho đơn giá đất hàng năm, làm sao thì làm miễn nằm trong khu hệ số K từ 15-25 là được”, ông Na giải thích.
Trước thông tin người dân thuê đơn vị thẩm định giá thì giá đất nông nghiệp tại các vị trí mặt tiền là hơn 33 triệu đồng/m2 nhưng đơn vị thẩm định của Nhà nước thuê thì chỉ có giá đền bù là 7,6 triệu đồng/m2, ông Na cho rằng: "Để ra được đơn giá này gian nan lắm! Đi từ địa phương đi lên rồi có cả một hội đồng thẩm định giá có Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính…, họp nhiều lần để thống nhất rồi UBND Thành phố mới quyết định giá đó. Chúng tôi là đơn vị thực hiện chính sách bồi thường, đền bù, tái định cư nên chúng tôi chỉ thực hiện chứ chúng tôi không quyết định được giá bồi thường".
*Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức đến bạn đọc và cử tri cả nước.