Ông Đoàn Văn Hoàng (SN 1972), hộ dân có 42m2 đất thuộc thửa đất số 26, tờ bản đồ 36 tài liệu địa chính 2003 phường Trường Thạnh bị thu hồi phục vụ Dự án thành phần 2 đường Vành đai 3 trình bày: "Cách đây 13 năm, gia đình tôi từng bị giải tỏa tại Quận 2, sau đó mới về Quận 9 (nay là TP. Thủ Đức). Tôi mua được hơn 40m2 đất có nhà và ở ổn định từ đó đến nay để nuôi vợ con và cháu ngoại. Hiện, nhà, đất tôi trong diện bị thu hồi để làm đường Vành đai 3.
Theo phương án đền bù, giá đất nhà tôi chỉ 7,6 triệu đồng/1m2 khiến tôi rất lo lắng. Với mức đền bù này, gia đình tôi vỏn vẹn nhận được chưa tới 300 triệu đồng, như vậy tkhông thể mua được miếng đất hay căn nhà nào khác để làm nơi tá túc cho cả gia đình".
"Nhà nước có chính sách tái định cư và tôi được UBND phường Trường Thạnh vận động nên lấy 1 căn hộ tái định cư khoảng 55m2 với giá khoảng 22 triệu đồng/m2. Tuy nhiên hiện nay, tôi đang chạy ăn từng bữa, cả nhà sống nhờ vào đồng lương thợ hồ của tôi thì lấy đâu ra tiền để mua căn hộ giá cao ngất ngưởng như trên.
Trên hết gia đình tôi cần một mái nhà để ở vì sắp tới nhà tôi sẽ bị giải tỏa, chúng tôi chưa biết tá túc ở đâu. Vì thế chúng tôi mong các cơ quan liên quan xem xét lại chính sách bồi thường, hỗ trợ để làm sao cho chúng tôi có một căn nhà để vợ, con và cháu ngoại có chỗ che nắng, che mưa”, ông Hoàng chia sẻ.
Một hộ dân khác là bà Lê Thị Thanh Tú cũng đang kiến nghị các cơ quan chức năng, ban ngành xem xét lại giá đền bù, hỗ trợ. Bà Tú cho biết gia đình bà có hơn 5.700m2 đất trồng cây lâu năm bị thu hồi bởi dự án đường Vành đai 3 nhưng theo phương án đền bù thì giá đền chỉ hơn 7,6 triệu đồng/m2 là quá thấp, không sát giá thị trường.
Theo bà Tú, mức giá đền bù như trên chỉ bằng 15% mức giá trên thị trường, quá thiệt thòi cho người dân bị thu hồi đất. Trong khi đó, giá đền bù dự án Vành đai 3 ở địa phận tỉnh Bình Dương đối với đất nông nghiệp ở vị trí 1 có nơi lên đến hơn 22 triệu đồng/m2. So sánh về vị thế địa lý và kinh tế xã hội thì đất nông nghiệp tại vị trí 1 của đường Nguyễn Duy Trinh chỉ bằng 1/3 so với đất nông nghiệp vị trí 1 tại tỉnh Bình Dương.
“Việc áp dụng hệ số K mặt tiền đường lớn chỉ 17 lần, trong khi các con đường nhỏ, hẻm, đất không có lối vào bên trong vùng sâu lại nhân với giá từ 22-25 lần là không hợp lý. Bởi lẽ hệ số K phải áp dụng cho từng khu vực hoặc đường lớn phải cao, đường nhỏ thấp hơn mới phù hợp. Nhưng phương án bồi thường lại làm ngược lại khiến chúng tôi mất quyền lợi rất lớn. Chúng tôi đã gửi đơn trình bày, kiến nghị TP Thủ Đức xem xét lại giá đền bù, hỗ trợ nhưng đến nay người dân vẫn chờ đợi”, bà Tú cho hay.
Phương án đền bù, hỗ trợ cần tạo sự đồng thuận trong dân
Là một người dân có hơn 4.000m2 đất bị thu hồi bởi dự án đường Vành đai 3 và đã nhận xong tiền đến bù, ông Phan Đình Tâm chia sẻ: "Cá nhân tôi là một trong số những người đầu tiên nhận tiền đền bù, hỗ trợ do có đất bị thu hồi bởi dự án đường Vành đai 3. Giá đền bù đối với đất của tôi, tôi không có ý kiến gì. Tuy nhiên, đối với những hộ có đất tiếp giáp mặt tiền đường lớn nhưng Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, cơ quan chức năng cần xem xét lại giá đền bù, hỗ trợ vì với giá hiện tại đất trồng cây lâu năm hơn 7,6 triệu đồng/m2 là chưa sát thực tế so với thị trường".
"Tôi mong rằng các hộ dân có đất bị thu hồi bởi dự án Vành đai 3 sớm bàn giao mặt bằng để Nhà nước thi công dự án đúng tiến độ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Tôi nghĩ TP Thủ Đức và các cơ quan chức năng liên quan nên ngồi lại với các hộ dân đang có các kiến nghị về giá bồi thường, hỗ trợ để lắng nghe, tiếp thu ý kiến của họ. Từ đó, điều chỉnh đơn giá bồi thường, đưa ra phương án hỗ trợ một cách linh hoạt, hợp lý cho họ. Có như thế thì mới tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, người dân mới sớm bàn giao mặt bằng để thi công dự án theo tiến độ”, ông Tâm ý kiến.
Cũng theo ông Tâm, đối với những dự án liên vùng, liên tỉnh như đường Vành đai 3 thì Nhà nước cần có chính sách bồi thường tổng thể, tạo nên mặt bằng chung về bồi thường, để tránh sự so sánh về giá bồi thường giữa các địa phương. Bên cạnh giá bồi thường tổng thể thì các địa phương có chính sách riêng về hỗ trợ đền bù riêng cho dân có đất, nhà bị thu hồi.
Ví như dự án Vành đai 3, giá đền bù đất ở tại TP Thủ Đức cao hơn Bình Dương nhưng giá đền bù đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp lại thấp hơn Bình Dương là chưa phù hợp. Tối thiểu thì giá đền bù đất tại TP Thủ Đức phải bằng giá của tỉnh Bình Dương.
Liên quan đến đơn giá bồi thường và hệ số K, trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, ông Trần Đình Na, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ 3 – Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, cho biết: "Theo quy định thì UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quyết định về giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn địa phương mình quản lý. Hệ số K thấp hay cao như trong chính sách bồi thường là do lấy giá thị trường đã khảo sát chia lại đơn giá đất theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16.1.2020 của UBND TP. Hồ Chí Minh thì ra hệ số K".
"Quyết định số 28/2022/QĐ-UBND ngày 16.1.2020 của UBND TP. Hồ Chí Minh quy định hệ số K đất nông nghiệp tại TP Thủ Đức từ 15-25, thì hệ số K của đất nông nghiệp tại TP Thủ Đức nằm trong khung đó, không thấp hơn và cao hơn; Lấy giá thẩm định chia cho đơn giá đất hàng năm, làm sao thì làm miễn nằm trong khu hệ số K từ 15-25 là được”, ông Na giải thích.
*Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức đến bạn đọc và cử tri cả nước.