XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ GIAI ĐOẠN MỚI

Đồng bộ giải pháp phát triển du lịch nông thôn

- Thứ Sáu, 20/05/2022, 07:03 - Chia sẻ

Hiện nay, diễn biến dịch Covid-19 trên cả nước cơ bản đã được kiểm soát, ngành du lịch mở cửa đón du khách trong và ngoài nước, đây cũng được xem cơ hội tốt để du lịch nông nghiệp nông thôn mở rộng, phát triển sau thời gian dài “đóng băng” các hoạt động vì dịch.

Hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn

Du lịch nông thôn là một trong những điểm đột phá của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) đang hoàn thiện dự thảo Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ du lịch nông thôn được lấy từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn cho biết, phát triển du lịch nông thôn đang là hướng mới ở nhiều địa phương. Từ đó phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời chuyển đổi mô hình kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa ngành, đa giá trị…

Theo Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương, Bộ NN - PTNT sẽ hướng dẫn triển khai một số nội dung về phát triển du lịch nông thôn để các địa phương thực hiện; qua đó, nâng cao đời sống, phát triển năng lực, tư duy nhận thức của người dân về vấn đề này, hướng tới hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua đã hình thành nhiều mô hình du lịch nông thôn như tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)…; nhiều trang trại, hợp tác xã cũng đã kết hợp sản xuất nông nghiệp với hoạt động đón khách tham quan trải nghiệm...

Theo ông Nguyễn Hải Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội), xã đã hoàn thiện xây dựng Khu trải nghiệm Sen Hồng thuộc quần thể chùa Khánh Vân; trùng tu, tôn tạo đình Cả; đang gấp rút hoàn thiện đầu tư khu Đảo hoa tiên - Xứ mây hồng, diện tích 2ha ở khu vực bãi sông Hồng - nơi gắn với truyền thuyết về Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung... Với mong muốn giữ chân du khách ở lại lâu hơn, xã Hồng Vân còn cải tạo trụ sở UBND xã cũ làm nơi lưu trú cho du khách. Địa phương cũng đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên và thành viên Ban quản lý Du lịch của xã về nghiệp vụ đón khách; hướng dẫn các nhà vườn đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bài 1 Làng cổ Đường lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội   Ảnh ITN.jpg
Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội
Nguồn: ITN

Còn nhiều rào cản

Có thể thấy, du lịch nông thôn vừa giảm áp lực cho điểm du lịch thành phố, vừa tăng cơ hội việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa, đồng thời tác động tích cực tới nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới, như thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ sở vật chất, môi trường cảnh quan nông thôn...

Để phát triển một cách đồng bộ và hiệu quả du lịch nông thôn cần có sự chỉ đạo thống nhất, hướng dẫn một cách cụ thể. Hệ thống cơ sở hạ tầng tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch, các chính sách hỗ trợ chưa thật sự cụ thể, nhiều hạn chế. Các hộ dân xây dựng mô hình phát triển du lịch nông thôn chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như vốn đầu tư của mỗi hộ gia đình không giống nhau, chính vì vậy chưa tạo được sự đồng bộ, thống nhất trong bức tranh tổng thể chung để mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn phát triển bền vững.

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn một cách bài bản, hiệu quả, thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND về “Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”. Thành phố sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

Cùng với đó, thành phố xây dựng các làng du lịch nông nghiệp, nông thôn thông minh tạo sự nối kết khơi dậy sức mạnh nội sinh của cộng đồng cư dân tại chỗ và liên kết bên ngoài; xây dựng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, quảng bá các sản phẩm du lịch và nông nghiệp (phần mềm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề, phần mềm quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng các website, chợ giao dịch điện tử...); xây dựng mô hình Làng du lịch thông minh, số hóa Trung tâm thông tin (điểm check-in, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin về điểm du lịch và cung ứng dịch vụ âm thực...) trong liên kết với các điểm du lịch lân cận theo tour, tuyến.

Để thực hiện phát triển du lịch nông thôn bền vững, thành phố Hà Nội sẽ rà soát, đánh giá lại một cách toàn diện về tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch nông thôn, trang trại nông nghiệp làm dịch vụ du lịch trên địa bàn và đề xuất các giải pháp quản lý, hỗ trợ phát triển trong thời gian tới. Cùng với đó, thành phố cần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển hạ tầng nông thôn tạo điều kiện để người dân, các trang trại, hợp tác xã, các địa phương khai thác lợi thế phát triển du lịch; góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Anh Lương