Ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng
Báo cáo kết quả kinh tế - xã hội Quý I, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, UBND Thành phố chủ động tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể ngay từ những ngày cuối năm 2022.
TP Thủ Đức và các quận, huyện đã chủ động xây dựng và kịp thời ban hành, triển khai các quyết định, chỉ thị, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, phân công cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ các nhiệm vụ của địa phương ngay từ những ngày đầu năm. UBND Thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả 33 Nghị quyết của HĐND Thành phố ban hành.
Ngoài ra, UBND Thành phố tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến và đạt một số kết quả tích cực, thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; trong đó 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng khá.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2023 ước đạt 360.622,1 tỷ đồng (theo giá hiện hành). GRDP tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Thu ngân sách nhà nước đạt 26,6% dự toán năm. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn trong quý I năm 2023 ước thực hiện 69.679,7 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ (tỷ trọng vốn đầu tư/GRDP đạt 19,3%).
Số lao động được giải quyết việc và số chỗ việc làm mới tăng nhẹ so với cùng kỳ. Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và số lượng khách. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được thực hiện nghiêm, giảm được thiệt hại do cháy nổ, tai nạn giao thông.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của TP trong Quý I cũng còn những hạn chế do tác động của kinh tế thế giới và trong nước; thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu nhiều ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục cắt giảm lao động và gặp khó khăn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh. Có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm; số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ.
Phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp
Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhận định, 3 năm nay, tình hình diễn biến theo đúng tinh thần dự báo của các chuyên gia, đó là biến động, bất định, phức tạp. Vì TP. Hồ Chí Minh hội nhập sâu, rộng nên các hoạt động bị ảnh hưởng ít nhiều bởi tình hình trong nước và thế giới.
Cuối năm 2022, Thành phố dự báo năm nay sẽ có nhiều khó khăn, thử thách. Do đó, TP. Hồ Chí Minh đã tập trung vào chủ đề năm với quyết tâm nâng cao chất lượng thúc đẩy các hoạt động, chuyển qua thích ứng, tận dụng mọi cơ hội vượt qua khó khăn, đặt ra chỉ tiêu thấp hơn năm trước.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, những ngày qua lãnh đạo Thành phố đã lắng nghe các ý kiến chia sẻ, phân tích và góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế - xã hội, nhà khoa học về tình hình kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy toàn xã hội rất quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố. "Do đó, chúng ta phải tự xem lại để nỗ lực hơn nữa", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đề nghị hội nghị tập trung phân tích, đánh giá nguyên nhân, tình hình "sức khỏe" nền kinh tế Thành phố sau tác động của đại dịch Covid-19 đã thực sự khỏe lại chưa và có "phác đồ điều trị" phù hợp hay chưa?
Trong đó, từng lĩnh vực, sở ngành, địa phương, cán bộ… phải xem lại những nỗ lực, giải pháp đề ra đã mang lại hiệu quả hay chưa? Qua đó, đề ra các giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh phát triển trong những quý còn lại của năm 2023 và những năm tiếp theo.