Cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế

- Thứ Tư, 23/11/2022, 06:25 - Chia sẻ

Các cơ chế, chính sách được Quốc hội thông qua có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công cụ hỗ trợ, khuyến khích, động viên, thúc đẩy tỉnh Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng KT - XH, bảo đảm cân đối hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; bảo đảm nguồn thu ngân sách bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

Một góc thành phố Huế
Một góc thành phố Huế. Nguồn: ITN

Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu: đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế

Các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng do nguồn cân đối từ ngân sách địa phương trong giai đoạn 2021 - 2030 chưa thể đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, để phát triển Thừa Thiên Huế lên tầm cao mới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và thực hiện tốt các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên các lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá; kinh tế biển là thiết yếu.

Trong các cơ chế, chính sách đặc thù có 2 nhóm về bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản. Đây được xem là nhóm cơ chế, chính sách đặc thù có tính chất lâu dài, bền vững nhằm phát triển ổn định, cân đối, hài hòa dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh được nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước; 100% phí tham quan nêu trên tỉnh được sử dụng để đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Theo quy định của Luật Phí và lệ phí, các khoản thu từ phí được để lại để chi trả cho các hoạt động liên quan đến việc thu phí, phần còn lại phải nộp ngân sách nhà nước, được tổng hợp chung vào cân đối ngân sách theo quy định để chi cho các nhiệm vụ khác nhau của Nhà nước. Tuy nhiên, khi thực hiện cơ chế này, tỉnh được Quốc hội, Chính phủ cho phép sử dụng toàn bộ 100% nguồn thu phí tham quan nộp ngân sách để chỉ sử dụng cho mục đích duy nhất là đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, sau khi áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù này, sẽ tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo đà phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế trong khi nguồn cân đối từ ngân sách địa phương hiện nay còn hạn chế, chưa thể đáp ứng yêu cầu. Cùng với nhiều việc tỉnh đang triển khai thực hiện kết hợp việc tận dụng các cơ chế chính sách đặc thù sẽ tạo tiền đề, một diện mạo mới để Huế đạt được mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với hạt nhân là thành phố Huế - thành phố Festival, thành phố Xanh Quốc gia, thành phố Văn hóa ASEAN.

Quyết liệt trong công tác chỉ đạo

Để  triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 38, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cho biết: tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp và vận động sự chung sức của người dân và doanh nghiệp đồng lòng, quyết tâm thực hiện Nghị quyết, cụ thể:

Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi phát triển kinh tế hậu Covid-19, trong đó chú trọng chuyển đổi số, phát triển đô thị có các dịch vụ thông minh và chính quyền điện tử lấy nhân dân làm trung tâm, đặc biệt trong thời kỳ Cách mạng 4.0 và bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất nhập khẩu, xây dựng và đẩy mạnh các gói kích cầu du lịch, tăng nguồn thu từ phí tham quan di tích, huy động vốn đóng góp vào Quỹ bảo tồn di sản để tận dụng tối đa nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng quan trọng, bảo tồn và giữ gìn di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cụ thể hóa định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế thông qua các quy hoạch; trong đó, hoàn thành Dự án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 trong năm 2022; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên nguồn lực để xây dựng đồng bộ, hiện đại các thiết chế đô thị như: thành phố Huế mở rộng đạt chuẩn đô thị loại I; xây dựng huyện Phong Điền đạt chuẩn đô thị loại IV, đô thị Chân Mây; nâng cấp đô thị thị xã Hương Trà, Hương Thủy; phát triển các đô thị mới và nâng cấp các xã định hướng thành phường. Ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm về phát triển đô thị như: tuyến đường bộ ven biển, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; đường vành đai 3, đường Mỹ An - Thuận An; đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2; mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài…

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng KKT, KCN, CCN. Ưu tiên đầu tư phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô; tăng tỷ lệ lấp đầy tại các KCN, CCN. Hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, định hướng phát triển thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Chi nhánh tại Thừa Thiên Huế và từng bước hình thành Khu công nghệ cao quốc gia tại Thừa Thiên Huế. 

Quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tham mưu ban hành chính sách thu hút đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt thu hút các đối tác chiến lược, các nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp tục giữ vững vị trí TOP đầu cả nước về các chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); chỉ số cải cách hành chính; chỉ số ứng dụng CNTT (ICT-index),....

Với những chương trình cụ thể và bước đi vững chắc, tin tưởng rằng các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, cả nước và hội nhập quốc tế; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh.

Anh Lương