Theo kế hoạch, năm 2024, thành phố công nhận 5 - 10 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Bên cạnh đó, thành phố đã phát triển được 105 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, Thủ đô hiện có 1.350 làng có nghề; hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh (QR code). Tính lũy kế từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng 2.711 sản phẩm OCOP. Trong đó, tính riêng giai đoạn 2021 - 2023 đánh giá 1.657 sản phẩm, đạt 82,9% mục tiêu của cả nhiệm kỳ (mục tiêu đặt ra tại Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Khóa XVII về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" là 2.000 sản phẩm). Với số lượng 1.657 sản phẩm OCOP đã đạt 82,9%, còn thiếu 343 sản phẩm để đạt mục tiêu 2.000 sản phẩm.
Năm 2024, các quận, huyện, thị xã đăng ký đánh giá, phân hạng 510 sản phẩm. Như vậy, đến hết năm 2024, số lượng sản phẩm OCOP sẽ đạt vượt mục tiêu chương trình đề ra trước một năm.
Ngoài ra, thành phố cũng quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP sản xuất kinh doanh đẩy mạnh sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với các loại hình thương mại, dịch vụ điện tử, văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, thành phố đã phát triển được 105 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Bên cạnh việc đánh giá, phân hạng mới, Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn hiệu lực (3 năm); hỗ trợ các chủ thể nâng sao cho những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng từ đó hỗ trợ phát triển, tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, huyện đã xây dựng 3 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các xã: Vân Từ, Sơn Hà, Tân Dân. Huyện cũng phối hợp tổ chức thường niên các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, phát triển các điểm bán hàng OCOP trên địa bàn và các địa phương lân cận. Các chủ thể OCOP thường xuyên tham gia các hoạt động trưng bày, quảng bá, xúc tiến thương mại tổ chức tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, từ năm 2019 đến nay, huyện đã bố trí kinh phí hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm; hỗ trợ các chủ thể dán tem truy xuất nguồn gốc, tham gia các hội chợ, hội thảo, xúc tiến thương mại… Đồng thời, huyện phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tổ chức các lớp tập huấn về Chương trình OCOP cho cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã và các chủ thể có sản phẩm tiềm năng.
Để triển khai hiệu quả Chương trình OCOP năm 2024, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thành phố tiếp tục tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo để phát triển dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, thành phố khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với các loại hình thương mại, dịch vụ điện tử.