Tỉnh đầu tiên tại Tây Nguyên có huyện nông thôn mới
Là tỉnh đầu tiên tại Tây Nguyên có huyện NTM, Lâm Đồng đang có nhiều thế mạnh, kinh nghiệm để thực hiện Chương mình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 107/111 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng đã có 5 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà và 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là TP. Đà Lạt và Bảo Lộc.
Đến nay, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã vận động nông dân hiến 40,7ha đất, đóng góp 244 tỷ đồng, gần 80.000 ngày công lao động, sửa chữa hơn 880km đường giao thông nông thôn để góp phần xây dựng NTM tại địa phương.
Ông Bùi Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động, phối hợp tuyên truyền vận động hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng quy ước, xây dựng thôn, xã văn hóa; thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu, với những việc làm thiết thực, hiệu quả như tham gia mô hình "Ngày Chủ nhật vì môi trường", "Vườn xanh, vườn sạch, vườn không rác", "Trồng và chăm sóc cây bóng mát đường quê", "Thu gom rác bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật"... Các cấp Hội Nông dân tỉnh xây dựng được 714 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn.
Nhận thức sâu sắc, đầy đủ vai trò “người dân là chủ thể, nòng cốt”
Là một huyện đang phấn đấu trở thành huyện NTM của tỉnh Lâm Đồng, người dân và cán bộ tại huyện Di Linh cũng rất tích cực tuyên truyền thực hiện chương trình xây dựng NTM. Bà Vũ Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh) cho hay, Hội Nông dân xã Tân Nghĩa có hơn 1.300 hội viên, sinh hoạt ở 10 chi hội là nguồn lực trung tâm nòng cốt trong phong trào xây dựng NTM.
Theo đó, các nội dung tuyên truyền đã giúp hội viên nông dân nhận thức được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó, thấy rõ cơ hội để nông dân cải thiện chất lượng cuộc sống, làm cho nông dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ vai trò "người dân là chủ thể, nòng cốt" trong xây dựng NTM, đô thị văn minh. Qua đó, người dân có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng thuận, đồng lòng đồng sức, quyết tâm xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Còn tại huyện Đơn Dương, năm 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định phê duyệt đề án thí điểm xây dựng huyện Đơn Dương đạt NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh. Chính vì vậy, cán bộ, hội viên nông dân của huyện là một trong những lực lượng tuyên truyền, thực hiện đề án một cách có hiệu quả nhất.
"Hội Nông dân huyện Đơn Dương có 106 chi hội, tổng số hội viên trên địa bàn huyện có 16.671 hội viên, đạt 95% so với hộ nông nghiệp. Đến nay, 10/10 cơ sở Hội đều thành lập Ban chỉ đạo Đề án 61 về "Nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020".
Theo đó, huyện chú trọng và xác định phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình xây dựng NTM. Vì vậy, các cấp trên địa bàn huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của cán bộ, nông dân trong lao động sản xuất, tích cực khai thác mọi nguồn lực, với quyết tâm đổi mới tư duy, quyết liệt, đột phá trong hành động, khẳng định vai trò của người dân là trung tâm, nòng cốt trong tham gia phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.
________
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)