Bảo tồn văn hóa làng
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngành văn hóa tỉnh đã tích cực phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM, Mặt trận Tổ quốc và các ngành, các cấp trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện thành công các tiêu chí văn hóa.
Bên cạnh đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện, sử dụng, khai thác xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở bảo đảm các điều kiện sinh hoạt văn hóa, hội họp, học tập, vui chơi giải trí của trẻ em và người cao tuổi; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; xây dựng những chuẩn mực ứng xử trong gia đình, cộng đồng, xã hội, thực hiện nếp sống văn minh; nhất là việc duy trì hoạt động thường xuyên các lễ hội truyền thống gắn với việc xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch cộng đồng đã và đang được tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện.
Tại tỉnh Quảng Nam, các ngôi làng của đồng bào vùng cao, cồng chiêng được các đồng bào gìn giữ và bảo tồn khá nguyên vẹn. Điển hình có thể kể đến xã Atiêng (huyện Tây Giang). Ngoài bảo tồn văn hóa cồng chiêng ngay tại cộng đồng làng, nhiều năm nay, chính quyền các huyện miền núi tại Quảng Nam đã đưa cồng chiêng vào trường học. Hằng năm, tỉnh còn tổ chức ngày hội cồng chiêng để đồng bào các dân tộc có thể giới thiệu những bài chiêng tiêu biểu nhất của đồng bào mình.
Không chỉ chú trọng bảo tồn văn hóa cồng chiêng, những năm gần đây, tỉnh cũng chú trọng gìn giữ, bảo tồn các làng nghề truyền thống. Tháng 5.2023, tại xã A Xan (huyện Tây Giang) Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tây Giang đã cho ra mắt mô hình dệt thổ cẩm cho các hội viên phụ nữ có tâm huyết và tay nghề giỏi, nhằm tập trung tạo ra các sản phẩm mẫu mã đẹp, có sự kế thừa truyền thống và sáng tạo riêng phù hợp nhu cầu cuộc sống hiện nay.
Việc ra mắt mô hình dệt thổ cẩm tại xã A Xan nhằm tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu; đồng thời tạo việc làm cho phụ nữ trong thời gian nông nhàn, giúp tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Đây là mô hình dệt thổ cẩm thứ 3 được thành lập và huyện phấn đấu đến cuối năm 2023, mỗi xã trong huyện sẽ chọn một thôn ra mắt và phát triển mô hình này.
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM
Du lịch cộng đồng tại Quảng Nam bắt đầu hình thành từ năm 2009 và phát triển mạnh từ năm 2013. Nếu năm 2013, chỉ có 6 điểm du lịch cộng đồng hoạt động thì đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam đã có 19 điểm du lịch cộng đồng được đưa vào đón khách. Nhiều điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã nhận được giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN như điểm du lịch cộng đồng làng Triêm Tây (thị xã Điện Bàn) năm 2017; làng du lịch cộng đồng Cơ Tu (huyện Nam Giang) năm 2019; cộng đồng làng chài ven biển An Bàng (TP. Hội An)…
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia làm du lịch, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần xây dựng NTM, năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã xây dựng đề án hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Nam đến năm 2025. Theo đó dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển các điểm du lịch cộng đồng tại Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành, Tiên Phước, Nông Sơn, Nam Trà My, Tây Giang.
Năm 2022, tỉnh khai trương hàng loạt điểm du lịch cộng đồng như làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú - Gò Nổi (xã Điện Phong); điểm du lịch cộng đồng làng văn hóa du lịch làng cổ Lộc Yên xã Tiên Cảnh… Việc phát triển các điểm du lịch cộng đồng nhằm huy động cộng đồng dân cư cùng tham gia làm du lịch ở địa phương, phát huy bản sắc, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đây cũng là điều kiện để thúc đẩy việc phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.