XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU

Bài cuối: Hướng đến nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

- Thứ Năm, 12/05/2022, 08:06 - Chia sẻ

Một nông thôn mới, hiện đại với những vùng sản xuất lớn mang lại giá trị hàng hóa cao; một nông thôn mà ở đó, người nông dân được sống cuộc sống sung túc, yên bình trên chính đồng ruộng của mình… đã dần hiện hữu. Đâu đó, đã có những vùng bắt tay vào hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với sự trợ giúp đắc lực của Agribank.

Có ít nhất 1mô hình “Thôn thông minh”!

Đó là một trong những tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký tại Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 8.3.2022 quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mô hình “Thôn thông minh” do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể.

Quyết định nêu rõ, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020, phải tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người, áp dụng theo quy định đối với xã nông thôn mới nâng cao tại cùng thời điểm. Đạt tiêu chí quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu theo ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất (về sản xuất, về giáo dục, về văn hóa,về du lịch,về cảnh quanmôi trường,về an ninh trật tự, về chuyển đổi số…) mang giá trị đặc trưng của địa phương, do UBND cấp tỉnh ban hành.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025 để đánh giá, nhân rộng. Trong quá trình đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí nêu trên, nếu có vấn đề mới phát sinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan kịp thời nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện, tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung Bộ tiêu chí nêu trên, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện thực tế, đặc thù của địa phương, ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 theo lĩnh vực nổi trội nhất (về sản xuất,về giáo dục,về văn hóa,về du lịch,về cảnh quan môi trường, về an ninh trật tự, về chuyển đổi số…) mang giá trị đặc trưng của địa phương và tiêu chí thôn thông minh, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện trên địa bàn.

Bài cuối: Hướng đến nông thôn hiện đại, nông dân văn minh -0
Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở thôn Thông Tự, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh
Ảnh: Đức Tân (Báo Hà Tĩnh)

Khí thế mới tại các vùng nông thôn

Trở lại huyện Đan Phượng đúng lúc huyện đang triển khai việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao ngay sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Một lần nữa, Đan Phượng lại tiên phong về xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ðan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, hiện Đan Phượng đã quy hoạch được các vùng sản xuất chuyên canh lớn như vùng hoa, trồng cây ăn quả, chăn nuôi. “Đặc biệt, vấn đề nguồn lực huyện cũng không quá lo lắng,vì bên cạnh chúng tôi luôn có sự đồng hành của Agribank. Ngân hàng đã hỗ trợ, tạo việc làm cho lao động địa phương; giúp nâng cao đời sống người dân… Như vậy, chắc chắn con đường đạt nông thôn mới kiểu mới không còn xa" - Phó chủ tịch Nguyễn Thạc Hùng khẳng định.

Ông Nguyễn Thạc Hùng cũng chia sẻ thêm, trên địa bàn huyện Đan Phượng có rất nhiều ngân hàng thương mại. Nhưng người dân vẫn tin tưởng vào ngân hàng nông nghiệp của huyện. Khi cần vay vốn, bà con thường tìm đến Agribank Đan Phượng. Thêm nữa, các nguồn tiền nhàn rỗi cũng gửi Agribank. Điều đó thể hiện lòng tin của người dân vào Agribank trên địa bàn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Ðan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết.

Về với Lâm Đồng - lá cờ đầu của Tây Nguyên trong xây dựng nông thôn mới cũng vậy. Mọi hành trình của công cuộc xây dựng nông thôn mới đều có sự xuất hiện của Agribank. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng nguồn lực huy động cho chương trình giai đoạn 2010 - 2019 là 52.692 tỷ đồng. Trong đó,vốn ngân sách Nhà nước 7.236 tỷ đồng, chiếm 13,73%; vốn tín dụng (chủ yếu của Agribank Lâm Đồng) là 43.000 tỷ đồng, chiếm 81,6%; vốn các tổ chức, doanh nghiệp 701 tỷ đồng, chiếm 1,33%;vốn cộng đồng dân cư đóng góp 1.756 tỷ đồng, chiếm 3,34%. riêng năm 2021, tổng kinh phí đầu tư cho chương trình nông thôn mới tại Lâm Đồng là 150 tỷ đồng.

Nguồn lực đã giúp cho hầu hết các xã ở Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2021, đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Về cấp huyện, đã có 3 huyện trong tỉnh là Đơn Dương, Đức Trọng và Đạ Tẻh đạt chuẩn nông thôn mới; hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới; còn huyện Cát Tiên và Lâm Hà đã hoàn tất hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị công nhận huyện nông thôn mới theo qui định. Trong năm 2022, Lâm Đồng phấn đấu có thêm 2 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và thêm huyện Lạc Dương đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện.

Tại Nam Định cũng vậy, ngay sau khi trở thành tỉnh nông thôn mới, Nam Định đã tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bước đầu đạt kết quả tích cực, tạo tiền đề vững chắc. Đến nay, tỉnh Nam Định đã có 106/204 (52%)xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, vượt 4 năm so với mục tiêu đề ra). Đã có trên 600 thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó huyện Hải Hậu có 331 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đã có 255 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.

“Kết quả này có sự đồng hành của Agribank NamĐịnh. Tính riêng năm2021, tỷ trọng dư nợ cho vay của Chi nhánh chiếm hơn 47% tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh và chiếm 28% tổng dư nợ cho vay của toàn nền kinh tế tỉnh” - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng cho hay.

ĐỨC KIÊN