Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 18,11%; dịch vụ tăng 6,42%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,82%; thuế sản phẩm tăng 10,59%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng khá cao so với cùng kỳ, ước tăng 26,45%, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 315.145 tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch, tăng 28% so cùng kỳ.
Phân theo địa bàn, sản xuất công nghiệp tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố đều có tăng trưởng, trong đó một số địa phương tăng cao như: Việt Yên 27,23%, Yên Dũng 18,36%, Hiệp Hòa 17,27%, TP. Bắc Giang tăng 16,3%…
Năng suất các loại cây trồng cơ bản đều tăng, hiệu quả kinh tế được nâng lên. Các loại cây ăn quả tiếp tục phát triển đúng hướng; sản lượng vải thiều giảm so với năm 2023 song tiêu thụ thuận lợi, giá bán tăng cao so với cùng kỳ; các loại cây trồng khác sinh trưởng, phát triển tốt.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 154 xã đạt chuẩn, tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 17,8 tiêu chí/xã.
Bên cạnh những mặt nổi bật, tích cực sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm diễn ra trong điều kiện thời tiết có nhiều khó khăn, trong đó, năng suất, sản lượng vải thiều giảm so với cùng kỳ, đặc biệt là đối với trà vải chính vụ.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ đầu tư dự án... Một số dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với yêu cầu. Tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ 20, các đại biểu cũng đã thông qua Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp trong Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Thu hút đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu chậm lại, quỹ đất để thu hút đầu tư còn hạn chế. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm, trong khi số giải thể, tạm ngừng hoạt động lại tăng 12,7% so với cùng kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, đối với việc sáp nhập các xã, phường, thị trấn cơ bản đã xử lý xong bước ở cấp tỉnh; đang chờ các bước của Trung ương. Vì thế, các địa phương chủ động sắp xếp cán bộ theo chức trách nhiệm vụ được giao.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị các cấp, ngành, địa phương khắc phục bệnh sợ trách nhiệm; “đá bóng” trách nhiệm cho các đơn vị khác; đồng thời, tránh việc giải quyết công việc cứng nhắc mà cần dựa vào thực tiễn để xử lý, giải quyết công việc.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu, dự báo 6 tháng cuối năm 2024 tình hình chung vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; rủi ro của thị trường tài chính, ngân hàng, bất động sản…
Chính vì thế, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, các Tỉnh ủy viên, các ngành, địa phương phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các báo cáo.
Đặc biệt, cần hết sức lưu ý bám nắm Trung ương, đẩy nhanh tiến độ sửa Quy hoạch chung của tỉnh; trình cấp trên xin chủ trương việc điều chỉnh địa giới hành chính. Đôn đốc việc giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tích cực lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Tập trung giải quyết vấn đề tranh chấp đất lâm nghiệp; xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản…