Là thành phần kinh tế quan trọng
Ngày 16.6.2022, Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết 20); Chương trình hành động số 20-CTr/TUngày 14.10.2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20; Quyết định số 3759/QĐ-UBND ngày 8.12.2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 20-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đã nêu rõ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, giải pháp, trong đó nhấn mạnh, “kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế Nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Tính hết năm 2022, toàn tỉnh có 168 HTX, (140 HTX đang hoạt động, 28 HTX ngưng hoạt động). Trong đó có 113 HTX nông nghiệp, chiếm 67% tổng số HTX trên địa bàn tỉnh, 2 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 30 HTX thương mại-dịch vụ, 16 HTX vận tải, 7 Quỹ tín dụng nhân dân). Tổng số thành viên HTX khoảng 11.872 thành viên với hơn 4.827 lao động. Tổng vốn điều lệ của các HTX là 510,339 tỷ đồng, vốn hoạt động khoảng 1.164 tỷ đồng.
Doanh thu bình quân của HTX ước đạt 3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân 1 hợp tác xã ước đạt 220 triệu đồng. Thu nhập bình quân của thành viên trong HTX khoảng 84 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân của lao động trong HTX từ 60-72 triệu đồng/người/năm. Trong số 140 HTX đang hoạt động có khoảng 51 HTX hoạt động hiệu quả, chiếm tỷ lệ 36%.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; 18 HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã. Theo kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu xác định mục tiêu trong 10 năm tới tập trung phát triển HTX đa dạng về lĩnh vực, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trên các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, trên mọi vùng lãnh thổ; các hình thức mở rộng quy mô thành viên; ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp; bảo đảm lợi ích thành viên...Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể về phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là cách để tỉnh từng bước trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục tư vấn, xây dựng các mô hình liên kết các HTX xây dựng và nhân rộng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Vận động các HTX tham gia các chương trình hội nghị, hội thảo, xúc tiến thương mại nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong HTX.
Phát huy hiệu quả, tạo cơ hội cho HTX kinh doanh sản xuất
Những chính sách hỗ trợ của tỉnh đã phát huy được hiệu quả rõ rệt, tạo cơ hội cho các HTX vững tin sản xuất, phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa thị trường. Nhiều HTX mới được thành lập, hoạt động đa dạng hóa về ngành nghề, lĩnh vực, một số liên hiệp HTX được thành lập để tạo liên kết và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, chuyên canh.
Các HTX trên địa bàn tỉnh đã phát huy được vai trò của mình, trong đó thể hiện sự thay đổi cách nghĩ, cách làm và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, bên cạnh đó còn giúp thành viên, các hộ gia đình và người dân, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm và tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân.
Đơn cử, HTX Bưởi da xanh Sông Xoài (xã Sông Xoài, thị Xã Phú Mỹ) được thành lập năm 2013, đến nay với 120 thành viên, có tổng diện tích canh tác là 135ha. HTX đã hướng dẫn các thành viên kỹ thuật, quy trình canh tác theo hướng VietGap cũng như bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Bên cạnh đó, HTX ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất và sản phẩm bưởi đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận nên giá trị và chất lượng sản phẩm được nâng cao. Từ đó tăng tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, giúp người nông dân sản xuất tăng thu nhập và ổn định đời sống. Hiện nay, HTX được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn lựa chọn làm HTX điển hình trong 66 HTX trên cả nước để xây dựng kế hoạch hỗ trợ mô hình HTX nông nghiệp điển hình giai đoạn 2022 - 2025.
Ngoài HTX trên còn có những HTX tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, qua đó, góp phần tăng diện tích canh tác, quy mô và chất lượng sản phẩm, thu nhập của thành viên tăng, điển hình như HTX nông nghiệp Quyết Thắng (nuôi tôm thẻ); HTX nông nghiệp - thương mại - du lịch Bầu Mây (sản phẩm tiêu, hoài sơn); HTX nông nghiệp Thái Dương (sản phẩm từ quả bơ); HTX nông nghiệp công nghệ cao Bà Rịa – Vũng Tàu (nấm đông trùng hạ thảo, tinh dầu). Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giúp HTX có được đầu ra sản phẩm ổn định, dần hình thành tác phong công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, đưa sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hàng hóa nông nghiệp tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giúp HTX có phương án sản xuất kinh doanh hợp lý, hạn chế rủi ro.
Theo báo cáo định hướng phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2030 của UBND tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu, kinh tế tập thể phấn đấu đóng góp khoảng 10% tổng sản phẩm trên địa bàn. Để đạt được mục tiêu này, định hướng xây dựng phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao sẽ là một trong những giải pháp trọng tâm của địa phương.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục tư vấn, xây dựng các mô hình liên kết các HTX xây dựng và nhân rộng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Vận động các HTX tham gia các chương trình hội nghị, hội thảo, xúc tiến thương mại nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong HTX.