90% doanh nghiệp lớn ở Cà Mau có giao dịch thương mại điện tử
Theo đánh giá của Sở Công thương Cà Mau, thời gian qua, cùng với cả nước, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, việc thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều nhóm mục tiêu chính.
Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho thấy, đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau đạt được nhiều nhóm mục tiêu chính. Trong đó, nổi bật là có 90% doanh nghiệp có quy mô lớn tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình “DN với DN” B2B. Có 50% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa biết đến tiện ích của thương mại điện tử và tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình “Doanh nghiệp với người tiêu dùng” B2C, hoặc “DN với DN” B2B. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã biết tới và đánh giá cao những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại. Phần lớn doanh nghiệp đã tích cực triển khai ứng dụng thương mại điện tử ở các mức độ khác nhau.
Sàn thương mại điện tử tỉnh Cà Mau (madeincamau.com) đi vào hoạt động đã thu hút được 60 tài khoản kênh người bán với 316 sản phẩm được trưng bày. Các sàn giao dịch thương mại điện tử của các doing nghiệp bưu chính có chi nhánh trên địa bàn tỉnh: voso.vn (Viettel), postmart.vn (Bưu điện) hiện nay có 132 gian hàng với 450 sản phẩm của tỉnh được giới thiệu trưng bày.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Dương Vũ Nam, để đảm bảo nguồn lực phát triển thương mại điện tử bền vững và hiệu quả, công tác đào tạo nguồn nhân lực luôn được quan tâm, chú trọng. Hàng năm, Sở Công thương Cà Mau phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công thương thường xuyên tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng về thương mại điện tử cho nhiều đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh với hàng trăm lượt người tham dự. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng các công nghệ số, thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, như ứng dụng việc truy xuất nguồn gốc vào sản phẩm, hỗ trợ ứng dụng phần mềm Nhật ký sản xuất (FaceFarm), phần mềm Hạch toán chi phí sản xuất - Kế toán (WACA)…
Ðể tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển thương mại điện tử, Sở Công thương Cà Mau đề xuất Bộ Công thương cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các văn bản nhằm đảm bảo toàn bộ hệ thống pháp luật được định hướng theo chuẩn mực chung là hỗ trợ cho giao dịch thương mại điện tử, phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết hội nhập của Việt Nam. Trong đó, cần tập trung vào hoàn thiện các loại văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết giá trị pháp lý của chứng từ điện tử, ngành nghề kinh doanh thương mại điện tử, ưu đãi thuế cho giao dịch thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử. Cùng với đó, cần quan tâm hơn nữa việc đầu tư bảo đảm an toàn an ninh cho các ứng dụng thương mại điện tử và cho hệ thống thông tin của doanh nghiệp mình. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý việc xây dựng và thực thi các quy chế liên quan tới việc sử dụng hệ thống thông tin của cơ quan, đầu tư mua sắm thiết bị và phần mềm bảo mật phù hợp, hướng dẫn người sử dụng thiết bị công nghệ thông tin tuân thủ các quy tắc an toàn an ninh thông tin.