Địa phương tạo cơ chế, ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn

- Thứ Hai, 13/09/2021, 06:52 - Chia sẻ
Đó là cách đã đưa Lâm Đồng trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) - nông nghiệp sạch. Theo đó, Lâm Đồng đã tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng trong phát triển nông nghiệp của địa phương, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại; tạo cơ sở để nông dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng không ngừng tăng lên trong mấy năm vừa qua Ảnh: VH
Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng không ngừng tăng lên trong mấy năm vừa qua
Ảnh: VH

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Lâm Đồng hiện có khoảng 300.000 héc ta đất sản xuất nông nghiệp với 3 vùng sinh thái rõ rệt, gồm vùng có độ cao dưới 500m, vùng có độ cao từ 500 - 800m và vùng có độ cao từ 800 - 1.500m. Đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, nguồn nước dồi dào… và điều kiện về nhân lực rất phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với các loại cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Riêng lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng là địa phương dẫn đầu cả nước. Hiện, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt khoảng 62.000 héc ta, với giá trị sản xuất bình quân 180 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, các diện tích rau ứng dụng công nghệ cao từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, sản xuất hoa đạt 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm; cá biệt có những hộ đạt 5 tỷ đồng/ha/năm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu, chủ trương phát triển và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai từ lâu. Qua triển khai, giá trị hàng hóa của các mô hình hoa, rau công nghệ cao tăng gấp 2 - 3 lần so với cách làm truyền thống. Đồng thời, bảo vệ được môi trường, tăng giá trị sử dụng đất. Thành công bước đầu của các mô hình đã lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và giúp người nông dân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 103 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 533,29 triệu USD. Trong đó, có 77 doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 267 triệu USD. Ngoài ra, địa phương hiện có khoảng 1.425 doanh nghiệp, cơ sở trong nước đầu tư vào nông nghiệp, 327 doanh nghiệp đang đầu tư 393 dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích khoảng trên 56.000 héc ta.

Ngoài các hoạt động thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Lâm Đồng cũng chú trọng phát triển doanh nghiệp tại chỗ theo hướng khuyến khích các trang trại, hộ gia đình, tổ chức nông dân có đủ năng lực, điều kiện hình thành doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp nông nghiệp này đi lên từ sản xuất nên am hiểu sâu sắc về đặc thù sản xuất của tỉnh, có mối quan hệ chặt chẽ với nông dân, có sẵn nguồn lực, điều kiện đất đai để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

“Đối với các đối tượng này, chúng tôi tập trung hỗ trợ về đào tạo năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ mới để có thể đứng vững và ngày càng phát triển. Đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn” - ông Nguyễn Văn Châu cho biết.

Agribank - chủ lực trong đầu tư

Bám sát chủ trương phát triển của tỉnh, Agribank Lâm Đồng đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tính đến thời điểm hiện tại, Agribank Lâm Đồng có tổng nguồn vốn huy động đạt 12.800 tỷ đồng (tăng trưởng hơn 11% so với đầu năm), dư nợ cho vay đạt 17.300 tỷ đồng (tốc độ tăng khoảng 6%). Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch của chi nhánh đạt hơn 3.000 tỷ đồng, với hơn 6.700 khách hàng; chiếm hơn 47% tổng dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch của các ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Bên cạnh tăng trưởng quy mô, chất lượng hoạt động của Agribank Lâm Đồng cũng được giữ vững; nợ xấu được kiểm soát tốt, luôn thấp hơn bình quân chung toàn hệ thống. Đặc biệt, trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Agribank Lâm Đồng luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu giao dịch, thanh toán của người dân và nền kinh tế của địa phương. Agribank Lâm Đồng lần thứ 5 đã giảm tiếp 10% lãi suất cho vay, áp dụng đối với tất cả các khách hàng, kể cả khách hàng còn dư nợ cũ cũng như khách hàng vay mới. Đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đơn vị đã triển khai gói tín dụng cho vay ưu đãi với lãi suất cho vay giảm đến 2,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường và đã giải ngân được khoảng 1.200 tỷ đồng cho đối tượng này; thực hiện miễn, giảm lãi vay, kéo giãn thời gian hoàn trả nợ vay cho các khách hàng.

Cùng với đó, hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi lãi suất khác cũng đang được Agribank Lâm Đồng triển khai như cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay doanh nghiệp FDI, cho vay hỗ trợ xuất nhập khẩu, cho vay chuỗi liên kết, cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - nông nghiệp sạch - phát triển đàn bò sữa, cho vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Ngoài ra, Agribank Lâm Đồng cũng đã triển khai nhiều chính sách miễn, giảm phí dịch vụ rất lớn cho khách hàng, như miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong hệ thống, miễn 100% phí thanh toán tại ATM và trên các kênh ngân hàng điện tử, miễn 100% phí chuyển đổi thẻ cho khách hàng…

“Với tất cả các chính sách trên, ước tính đến cuối năm 2021, Agribank Lâm Đồng sẽ giảm hơn 100 tỷ đồng để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng” - Phó Giám đốc Agribank Lâm Đồng Nguyễn Quang Tùng chia sẻ.

Đức Kiên