Trong công cuộc đổi mới của đất nước, hành trình 45 năm phát triển của Khoa Pháp luật Kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của Trường Đại học Luật Hà Nội. Tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của Khoa đã và đang tiếp tục nỗ lực rèn luyện, phấn đấu vì một Khoa Pháp luật Kinh tế không ngừng đổi mới và phát triển, một địa chỉ đào tạo được xã hội tin cậy, luôn là niềm tự hào, yêu mến của các thế hệ sinh viên, giảng viên đã từng học tập, công tác.
Từ những khó khăn ban đầu
Ra đời cách đây 45 năm, Khoa Pháp luật Kinh tế là một trong 4 khoa (bao gồm Khoa Hành chính - Nhà nước, Khoa Tư pháp, Khoa Pháp luật Kinh tế, Khoa Luật Quốc tế) đầu tiên của Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (nay là Trường Đại học Luật Hà Nội); được thành lập theo Quyết định số 405/CP ngày 10.11.1979 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ).
Thủa ban đầu mới thành lập, Khoa đảm nhiệm công việc giảng dạy 4 môn học (bao gồm Luật Kinh tế; Luật Đất đai, rừng, mỏ nước; Luật Lao động và Luật Hợp tác xã) thuộc chuyên ngành luật kinh tế, được ghi nhận trong Đề án thành lập Trường Đại học Pháp lý Hà Nội; quản lý các sinh viên chuyên ngành Luật Kinh tế của các khóa 1, 2, 3 và một lớp khóa 4.
Khi mới thành lập, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa chủ yếu là các thầy, cô giáo được đào tạo cử nhân luật ở các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) như Liên Xô (cũ), CHDC Đức và một số sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Pháp lý Hà Nội được giữ lại làm giảng viên với số lượng khoảng 17 cán bộ, giảng viên và người lao động.
Trong năm học đầu tiên (năm 1979 - năm 1980), do mới thành lập, khoa gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiện toàn Ban Chủ nhiệm khoa. Đây là khó khăn chung của nhà trường lúc bấy giờ, bởi Trường cũng chỉ có 67 biên chế. Trong đó, Khoa Pháp luật Kinh tế có 17 giáo viên, nên Ban Chủ nhiệm khoa là giáo viên kiêm nhiệm. Mỗi thầy trong Ban Giám hiệu phụ trách một hoặc một số khoa. Thầy giáo Phó Hiệu trưởng PGS.TS. Nguyễn Niên được giao phụ trách Khoa Pháp luật Kinh tế và Khoa Hành chính - Nhà nước.
Để giảm tải công việc quản lý cho các thầy trong Ban Giám hiệu, Trường Đại học Pháp lý bỏ cơ chế phụ trách khoa, thay vào đó mỗi khoa có một thầy được giao trọng trách Trưởng khoa. Đối với Khoa Pháp luật kinh tế, người được giao trọng trách trưởng khoa đầu tiên là thầy giáo Lưu Văn Đạt - Chuyên viên cao cấp của Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công Thương). Đến năm 1982, cùng với việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các bộ phận trong trường khi sáp nhập Trường Cán bộ tòa án với Trường Đại học Pháp lý Hà Nội, đội ngũ Trưởng các khoa được bổ nhiệm lại.
Đối với Khoa Pháp luật kinh tế, thầy giáo GS.TS. Lê Hồng Hạnh được bổ nhiệm Trưởng khoa (năm 1982). Sau đó, lần lượt PGS.TS. Dương Đăng Huệ, TS. Võ Gia Phúc, PGS.TS. Trần Ngọc Dũng, TS. Bùi Ngọc Cường, PGS.TS. Nguyễn Viết Tý, PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí đảm nhiệm chức vụ trưởng khoa. Hiện nay, Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế là PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến.
45 năm qua, cán bộ, giảng viên của Khoa Pháp luật Kinh tế đã tham gia 3 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Nhà nước, hàng chục đề tài NCKH cấp Bộ và tương đương, hàng trăm đề tài NCKH cấp Trường, công bố hơn 700 bài viết đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành luật có uy tín ở trong và ngoài nước (trong đó có hơn 45 bài viết đăng trên tạp chí nước ngoài); tham gia viết hàng trăm bài nghiên cứu, báo cáo khoa học cho các hội thảo khoa học cấp Quốc gia, cấp Bộ, cấp Trường, cấp Bộ môn; biên soạn 24 đầu sách giáo trình; 18 đầu sách hướng dẫn học tập, hàng chục cuốn sách chuyên khảo, tham khảo, nhiều sách do Trung ương đặt hàng.
Đặc biệt, kỷ niệm 45 năm thành lập Khoa Pháp luật Kinh tế, tập thể các nhà khoa học, giảng viên của Khoa, cựu nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh và các cộng tác viên đã xuất bản cuốn sách “Những vấn đề hiện đại của pháp luật kinh tế”, 1 số chuyên đề về áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp)...
Cần thêm những công trình nghiên cứu khoa học chiến lược
Bên cạnh những thành tích đạt được rất đáng tự hào trong 45 năm qua, đứng trước đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao cũng như mục tiêu của Quyết định số 1156/QĐ-TTg đang đặt ra những yêu cầu, thách thức cho Khoa Pháp luật Kinh tế.
Trước hết, năng lực hội nhập quốc tế của đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa trong quá trình hội nhập quốc tế về đào tạo luật còn đang là một thách thức. Khoa cần thiết tăng số giảng viên đủ trình độ giảng dạy pháp luật bằng tiếng Anh. Trong năm 2024, Khoa có 4 giảng viên bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ ở nước ngoài đã trở về tiếp tục đảm nhiệm công tác giảng dạy. Số lượng bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành luật của nước ngoài thuộc danh mục ISI và SCOPUS cũng tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, so với nhu cầu đào tạo, kết quả này vẫn đang còn hạn chế.
Cùng với đó, chất lượng các công trình NCKH của cán bộ, giảng viên của khoa cần được tiếp tục được cải thiện theo hướng tập trung hơn vào các đề tài NCKH cấp bộ, đề tài NCKH cấp Nhà nước, bên cạnh các đề tài NCKH cấp trường. Khoa cũng cần có thêm những công trình nghiên cứu khoa học mang tính chiến lược về khoa học pháp lý, tổng kết lý luận 40 năm đổi mới trong xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và hội nhập quốc tế, cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước giải quyết những vấn đề thực tiễn pháp lý của đất nước đang đặt ra. Mặt khác, các giảng viên, các nhà khoa học của khoa cũng cần nỗ lực đóng góp vào sự hình thành rõ nét các chủ thuyết, trường phái học thuật trong lĩnh vực luật học nói chung và trong lĩnh vực pháp luật kinh tế nói riêng.
Công tác đào tạo đội ngũ giảng viên kế cận cũng là một thách thức. Hiện nay, số giảng viên trẻ (dưới 35 tuổi) của khoa là 34/74 người, chiếm hơn 45,94%. Bên cạnh sự nhiệt huyết, nhạy bén với những thành tựu khoa học, công nghệ mới, hiện đại, độ dày trong tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn pháp lý và nghiên cứu khoa học còn tiếp tục được tôi rèn. Khoa coi việc đào tạo đội ngũ giảng viên kế cận là một thách thức, theo đó cần chú trọng tăng cường bồi dưỡng, phát triển cùng với năng lực nội sinh tự phấn đấu, học tập của các giảng viên trẻ, khuyến khích học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài, nhằm bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của khoa trong tương lai.
Khoa Pháp luật Kinh tế hướng tới mục tiêu đổi mới chương trình, nội dung giảng dạy: Vững về lý thuyết và thành thạo về kỹ năng ứng dụng thực tiễn. Chính vì thế, bên cạnh những môn học cơ bản có tính chất truyền thống trong đào tạo luật, Khoa đã xây dựng, bổ sung nhiều môn học mới, phù hợp với nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao như: các môn Kỹ năng đàm phán, soạn thảo hợp đồng trong thương mại; Kỹ năng tư vấn pháp luật lao động trong doanh nghiệp; Kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực bất động sản; Kỹ năng tư vấn pháp luật thuế; Kỹ năng soạn thảo văn bản hành chính thông dụng; Kỹ năng diễn án giả tưởng trong lĩnh vực pháp luật thương mại quốc tế (Moot Court Competition in International Trade and Business Law); Kỹ năng lập luận và viết dành cho nghề luật (Legal reasoning and legal writing for legal professionals), Kỹ năng tranh tụng nghề luật (Lawyers’ presentation skills in adversariality context), Kỹ năng khởi kiện và tham gia tranh tụng vụ án lao động…
Đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ pháp lý chất lượng cao
Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy, căn cứ vào các mục tiêu, định hướng và giải pháp của Quyết định số 1156/QĐ-TTg; chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội đến năm 2030 trở thành trường định hướng nghiên cứu … để cải tiến, bổ sung nội dung, chương trình giảng dạy các môn học của Khoa Pháp luật Kinh tế, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ pháp lý chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Bên cạnh mã ngành Luật Kinh tế, mã ngành Luật Kinh tế chất lượng cao, Khoa cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình ngành Luật Kinh tế chuyên ngành luật tài chính - ngân hàng; ngành Luật Kinh tế chuyên ngành luật kinh doanh bất động sản để trình Hội đồng Khoa học và Đào tạo xem xét thông qua; trình Hiệu trưởng ký ban hành để áp dụng thực hiện tuyển sinh sinh viên Khóa 50 vào năm 2025.
Cùng với đó, gắn công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của khoa với việc xây dựng, cung cấp các luận cứ khoa học góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn phát triển đất nước đặt ra trong lĩnh vực kinh tế; đồng thời, chú trọng nghiên cứu, tổng kết lý luận về 40 năm thực hiện đổi mới trong lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Đổi mới công tác quản trị đại học, công tác quản lý của khoa trên cơ sở bám sát các quan điểm, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản giáo dục đại học, tự chủ đại học; Luật Giáo dục đại học sửa đổi và các văn bản pháp luật khác liên quan. Nâng cao năng lực hội nhập cho đội ngũ cán bộ, giảng viên (đặc biệt là các giảng viên trẻ) để có thể giảng dạy pháp luật kinh tế cho các lớp chất lượng cao, cử nhân tài năng bằng tiếng Anh và trao đổi học thuật với các đồng nghiệp nước ngoài; công bố các công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành luật thuộc danh mục ISI và SCOPUS.
Một yêu cầu quan trọng nữa là tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học; đề xuất với nhà trường xây dựng và thực hiện cơ chế dịch vụ khoa học, đấu thầu các đề tài NCKH bên ngoài trường; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực pháp luật kinh tế…