Chàng thanh niên theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ
Cuốn sổ bìa cứng màu xanh với dòng chữ Mazda, được bọc giấy bóng kính, kích thước chỉ to hơn bàn tay một chút, không có thông tin về đơn vị. Kẹp ngay ở bìa 2 là bức ảnh Bác Hồ cắt từ báo, với dòng chú thích phía sau “lượm được trong ngày Giáng sinh 1973” và “được kẹp trong cuốn tập của người cán binh miền Bắc đã chết trong khi bảo vệ cây đại liên phòng không 12mm8”.
Từ những ghi chép trong cuốn sổ cho biết, người lính tên Đào Anh Tuất, nhập ngũ ngày 11.4.1968, quê ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. “Tôi ra đi giữa mùa xuân chiến thắng, tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ. Tuy tuổi đời tôi còn ít ỏi nhưng tôi mang ý chí của người thanh niên, của đất nước anh hùng. Ra đi hẹn ngày thống nhất non sông, tôi trở về nhà khi quân giặc không còn trên đất nước ta” (trích trang đầu, viết ngày 30.12.1968).
Ông Đào Anh Tuất từng tham gia chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, mặt trận Đông Nam Bộ, trèo đèo, lội suối, vượt qua hàng nghìn cây số rừng sâu, nước độc; từng bị bắn bị thương ở bụng… “Sáu năm đã qua là một đoạn đường trong bão táp phong ba, mà có thể nói ghi vào lịch sử đời tôi... Đó là những ngày thiếu muối, thiếu cơm, áo quần rách nát…” (trích bài viết kỷ niệm 6 năm nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, xếp sách cất bút lên đường vào đời chinh chiến, cũng là ghi chép gần như cuối cùng). “Nhưng lòng tôi vẫn thấy vui vui vì tôi nghĩ đời chinh chiến rồi đây sẽ hết khi tiếng súng xâm lăng đã im bặt thì tôi sẽ trở về quê hương, tình yêu của người em sẽ được xây lại hạnh phúc”.
Cuốn sổ không được viết liên tục, cũng không phải dạng nhật ký theo dòng thời gian, mà lúc là tự sự, tâm tình, lúc ghi bài thơ tự sáng tác hoặc chép lại vài câu thơ của ai đó kèm chú thích rõ ràng; lúc thì chép lại một đoạn từ lá thư của chị gái, bạn gái… Có những trang còn ghi bảng bắn trực thăng phản lực, cách sử dụng súng, binh khí… Đúng như tâm sự của ông Tuất trong sổ: Đây không phải những bài văn tình tứ/Mà là dòng tâm sự của đời tôi/Của người con trai ra tiền tuyến xa xôi/Xa các bạn xa mái trường thân thuộc…
Qua các trang viết của ông Tuất toát lên lý tưởng cách mạng, một lòng theo Đảng, sẵn sàng vượt lên khó khăn, thử thách, tin tưởng, lạc quan về tương lai. Như ngày 1.7.1973, ông trích lời nhân vật Paven trong tác phẩm văn học Thép đã tôi thế đấy: “Cái quý nhất của con người là sống. Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao ra sống để khỏi ân hận về những năm sống hoài, sống phí, chỉ thấy cái sống ti tiện của đời mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng cao đẹp trên đời và sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Cuốn sổ dừng ở trang 49 (có lẽ sau ngày cuối cùng còn ghi lại 11.4.1974), trích câu hát trong bài “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”: Ta hát ngàn lời ca - Bao la hơn những cánh đồng - Mênh mông hơn mặt biển Đông - Êm đềm hơn những dòng sông. Ơ hò ơ...ơ… Trên cánh đồng miền Nam. Tình người như cánh hoa mai và đẹp như ánh ban mai - Vùng lên…
Mong tìm lại chủ nhân của cuốn sổ
Cuốn sổ được gia đình ông Vũ Đoàn Kết, cán bộ ngoại giao công tác nhiệm kỳ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, vô tình tìm thấy tại một hiệu sách cũ ở ngoại ô Paris tháng 9.2021, sau khi cách ly do bị Covid-19 ngay trước khi lên đường về nước. “Mẹ vợ tôi là họa sĩ, bà ấn tượng với cuốn sổ màu xanh này giữa những chồng sách cũ. Khi cầm lên thấy ghi chép bằng tiếng Việt, bà liền cho vào giỏ sách cũ bao gồm cả sách lịch sử Đông Dương, sách văn học Pháp mà gia đình mua hôm đó. Về nhà, tôi mở cuốn sổ ra xem và khi đọc đã rất cảm động vì những tâm sự của ông Tuất trong đó gần gũi với hình ảnh mà tôi đã được kể và trải nghiệm về người cậu ruột hy sinh trên chiến trường miền Nam tháng 5.1974. Nghĩ rằng, cuốn sổ sẽ rất ý nghĩa với người lính năm xưa hoặc người thân của ông, nên tôi đã gói lại cẩn thận và gửi theo hành lý về Việt Nam”.
3 năm qua, cuốn sổ nằm gọn gàng trên giá sách gia đình ông Kết tại Hà Nội, bên cạnh các tác phẩm kinh điển của văn học Pháp. Gần đây, trong khi tìm kiếm tài liệu phục vụ công việc, ông Kết lại thấy cuốn sổ và quyết định đi tìm chủ nhân của nó. “Thú thực, lúc đầu tôi không còn nhớ cụ thể nội dung cuốn sổ và mình có nó trong hoàn cảnh nào. Thế nhưng lắp ráp thông tin của mọi người trong gia đình, thì đó đúng là cuốn sổ chúng tôi đã tìm thấy trong hiệu sách cũ ấy. Chúng tôi cũng tò mò tự hỏi, tại sao cuốn sổ ghi chép của một người lính quân giải phóng miền Nam những năm 1968 - 1974 lại chu du sang tận Pháp?”.
Cơ duyên đã đưa cuốn sổ màu xanh đến tay ông Kết và giờ đây ông Kết hy vọng thông qua Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tìm ra chủ nhân của cuốn sổ ấy, để “trả món nợ” đã mang suốt 3 năm qua. Theo ông Kết, nếu người lính tên Đào Anh Tuất còn sống thì “quá tuyệt vời”; bằng không, cuốn sổ cũng sẽ là kỷ vật giúp người thân hiểu hơn về những năm tháng chiến đấu và cả suy nghĩ, lý tưởng… của ông.
Thiết nghĩ, việc tìm kiếm nhân vật trong cuốn sổ hoặc người thân của ông là một hành động thiết thực và ý nghĩa đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024). Vì vậy, Báo Đại biểu Nhân dân rất mong độc giả có thông tin về nhân vật hãy liên hệ với tòa soạn để đưa cuốn sổ trở về với chủ nhân của nó.