Di tích đặc biệt gắn với truyền thuyết Thánh Gióng

Phạm Văn Mầu 21/03/2010 00:00

Khu di tích lịch sử, văn hóa đền, chùa Giỗ thuộc 2 thôn Hà Hương và Hà Lỗ, xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội, thờ 2 vị thánh Vũ Dực Công và Vũ Minh Công, người có công lớn chữa bệnh dập dịch cứu dân, dẹp tan giặc Xích Tỵ, cùng với Đức Thánh Gióng đánh tan giặc Ân.

04-Di-tich-8010-300A1.jpg

Văn võ toàn tài

Lược qua bản thần tích do Hàn lâm viện Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính, đời vua Lê Anh Tông (1556-1573) phụng soạn vào năm 1572 kể rằng: Vào đời Hùng Vương thứ 6 (Hùng Huy Vương) có ông Vũ Diệu Công lấy vợ dòng dõi nhà vua, làm quan với chức Tư Tào Phán Sự, gia truyền nghề thuốc trị bệnh cứu người. Hồi đó, nhân dân khu Hương và khu Đông, thuộc trang Hà Lỗ (tức hai thôn Hà Hương, Hà Lỗ ngày nay) mời ông về lập đền, chùa và chữa bệnh. Ông nhận lời rồi cáo quan về ở với dân. Năm ông gần 70 tuổi, người vợ thứ hai đã hơn 40 tuổi mới lần lượt sinh được 2 người con trai vào các năm Mậu Ngọ và Canh Thân. Trước lúc thụ thai ông bà đều thấy hào quang điềm trời linh báo và bà đều mang thai tới 13 tháng. Người anh được đặt tên là Vũ Dực, người em là Vũ Minh, cả hai đều có dung mạo tuấn tú, tư chất thông minh, càng lớn học hành càng giỏi, văn võ toàn tài, ít ai bì kịp. Đến tuổi thành niên, hai ông theo cha mẹ về quê gốc ở trang Bạch Tuyền, huyện Cảm Hóa, phủ Thống Hóa (tỉnh Thái Nguyên ngày nay). Khi cha mẹ lần lượt qua đời, hai ông đã thờ cha kính mẹ vô cùng hiếu nghĩa, ai ai cũng kính phục...

Vài năm sau, tại trang Hà Lỗ và nhiều nơi khác trong vùng bị dịch bệnh tràn lan, người và súc vật chết hại rất nhiều. Được dân mời về chữa bệnh, Vũ Dực và Vũ Minh đã đưa hết sức lực và tài năng nghề thuốc gia truyền dập tan dịch bệnh cứu dân. Bản quan sở tại dâng biểu tâu vua về công trạng của hai ông. Vua cho hai ông về triều kiến, thấy dung mạo khác thường, tâu bày mọi lẽ đều trôi chảy, liền ban chiếu phong cho Dực Công làm Khâm Thiên Nguyên Súy đại tướng quân, Minh Công làm Minh Nghị Triều Chính, ban cho tuấn mã và sai đi tuần thú khắp nơi trong nước chữa bệnh cho nhân dân, lại cấp cho tiền của để xây dựng cung dinh tại khu Hương, khu Đông, trang Hà Lỗ, nơi chôn nhau cắt rốn của hai ông.

Hồi ấy có giặc Xích Tỵ (mũi đỏ) từ phương Bắc tràn xuống cướp phá nước Văn Lang. Chúng chiếm mất 8 châu, giết hại rất nhiều dân lành. Vua phong cho Dực Công làm Tiết Chế đại tướng quân, Minh Công làm Tham Tán Mưu Sự đại tướng quân, cấp cho một vạn tinh binh chia làm hai ngả đi chặn giặc. Nhờ tài của hai ông và được nhân dân ủng hộ, sau nhiều trận giao tranh ác liệt, giặc Xích Tỵ đã bị đánh tan. Nhà vua liền phong cho Dực Công tước Thiên Uy Quận Công, Minh Công là Minh Uy Hầu; cử Dực Công đi trị nhậm Châu Hoan, Minh Công trị nhậm Hải Dương, sau lần lượt đổi sang Lạc Long và Hải Nam, trước sau đều giữ chức Chủ bộ. Trải qua 8 năm thiên hạ thái bình, nhân dân no ấm yên vui, vua lại phong cho Dực Công làm Tổng Binh Quốc Sự thượng tướng quân, Minh Công làm Thái Bảo đại tướng quân.

04-Di-tich-8010-300A2.jpg

Hợp sức cùng Phù Đổng Thiên Vương

Vài năm sau, nhà Ân cho Thạch Linh thần tướng đem 30 vạn quân xâm lược nước Văn Lang, chúng đã chiếm quá nửa đất nước. Vua quan lo sợ liền cử Dực Công và Minh Công đem 10 vạn quân đánh giặc. Hai ông lập tức vâng mệnh vua dẫn quân đi cự địch. Qua 2 năm giao chiến vài chục trận vô cùng ác liệt mà thế giặc ngày càng nguy hiểm, dân chúng chìm trong binh lửa lầm than. Đang lúc nguy cấp thì sứ giả do nhà vua phái đi tìm người tài giỏi ra cầm quân cứu nước, đã gặp được cậu bé lên 3 tuổi người làng Gióng tên là Dương Thiết Xung (tức Thánh Gióng) xin ra đánh giặc. Nhà vua cả mừng bèn sai Dực Công và Minh Công hợp quân cùng Dương Thiết Xung dẹp giặc. Nhờ có tài năng thần thánh của Dương Thiết Xung, cùng với sự trợ giúp của Dực Công và Minh Công mà giặc Ân đã bị đánh tan. Dẹp xong giặc nước, từ núi Sóc Sơn, Dương Thiết Xung đã bay về trời; Vũ Minh Công phi ngựa về phía Thống Hóa (Thái Nguyên) rồi hóa tại núi Xô Tôn; Vũ Dực Công trên đường đi tìm em đến núi Thiên Đài Nham (thuộc tỉnh Tuyên Quang ngày nay) cũng hóa tại đó.

Nhà vua vô cùng thương nhớ và cảm phục công lao của các ông, đã phong cho Dương Thiết Xung là Phù Đổng Thiên Vương; Vũ Dực Công là Thiên Uy Đại Vương, Vũ Minh Công là Minh Uy Đại Vương; đồng thời sắc phong cho hai ông là Thượng Đẳng Phúc Phần. Triều đình còn cấp tiền của, đất đai cho dân khu Hương và khu Đông trang Hà Lỗ sửa cung dinh, làm cung Hội Đồng để đời đời làm quốc lê,î tế vào 2 mùa xuân-thu, lấy ngày 12.3 âm lịch hàng năm là ngày đại khánh. Đến đời nhà Lê cho làm cầu Ngự Giá và ban cờ tiết Lê Triều Quốc Tế, cử quan Bộ lễ thay mặt nhà vua về cùng với quan dân địa phương hành lễ hàng năm... Từ năm 1948-1992, do chiến tranh và những nguyên nhân khác, lễ hội đền, chùa Giỗ phải tạm ngừng. Từ năm 1992 đến nay lễ hội đã được chính quyền và nhân dân địa phương khôi phục, tổ chức hai năm một lần vào năm chẵn.

 Hiện khu di tích đền, chùa Giỗ còn lưu giữ 55 bản sắc phong của các triều vua. Do thời gian và giặc đã phá hủy nên các bản sắc phong từ đời nhà Trần về trước không còn. Trong 55 đạo sắc phong hiện giữ, bản cổ nhất là từ năm 1629 đời Vua Lê Thần Tông (1619-1643), đạo sắc phong của vua Quang Trung năm 1792 và đạo sắc phong gần nhất là của vua Khải Định năm 1924... Ngoài đền, chùa Giỗ, Thiên Uy Đại Vương, Minh Uy Đại Vương hiện còn được thờ tại 42 nơi, tượng của các Ngài cũng được phối thờ với Đức Phù Đổng Thiên Vương tại đền Phù Đổng, Gia Lâm và đền Sóc, Sóc Sơn, Hà Nội.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Di tích đặc biệt gắn với truyền thuyết Thánh Gióng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO