Di sản vô giá

- Thứ Hai, 12/10/2020, 06:31 - Chia sẻ
Những bức họa và dòng chữ dẫn vào thế giới của không gian và thời gian, của ký ức và hoài niệm, của những hào hoa nhưng gần gũi, của giao thoa văn hóa Đông - Tây, và của cả biết bao đau thương mất mát một thời. Tất cả đã là một phần không thể tách rời của Hà Nội, một phần không thể phủ nhận của lịch sử: Những không gian kiến trúc và đô thị thời Pháp thuộc.

Duyên dáng cảnh sắc

“Hà Nội là thành phố Á Đông mang phong vị Tây phương độc đáo, một sự giao thoa hòa quyện văn hóa Đông Tây vô cùng tinh tế… Ngày nay, khu phố Pháp và các công trình thời Pháp đã trở thành một quỹ không gian và di sản vô giá của Hà Nội, là yếu tố tạo nên bản sắc độc đáo nơi đây và cũng là những gì người Hà Nội trân quý, tự hào, những gì luôn đọng trong ký ức họ mỗi khi rời xa thành phố”. PGS. TS. KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia nhận định như vậy về Hà Nội, dành riêng cho ấn tượng đối với những không gian kiến trúc và đô thị thời Pháp thuộc. Đó cũng chính là mở đầu cho cuốn sách “Ấn tượng Hà Nội - Ký họa từ những công trình thời Pháp”, của nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi).

90 Trần Hưng Đạo, ký họa của Phạm Anh Quân

“Ấn tượng Hà Nội - Ký họa từ những công trình thời Pháp” (NXB Kim Đồng) ra mắt ngày 10.10, đúng dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là cuốn sách thứ 3 của nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi), sau “Tập thể cũ Hà Nội Ký họa và Hồi ức” (Giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội 2019); “Phố cổ Hà Nội - ký họa và hồi ức” (Giải thưởng Quốc gia về Thông tin đối ngoại Toàn Quốc 2020).

“Quỹ không gian và di sản vô giá” ấy là điều đã không còn xa lạ với những ai yêu và gắn bó với Hà Nội. Nó gắn với tham vọng của người Pháp một thời khi muốn biến thành phố nhỏ bé của nước An Nam trở thành thủ phủ xứ Đông Dương. Câu chuyện bắt đầu khi chiếm được Hà Nội sau lần thứ hai đánh Hoàng Thành năm 1883, với ý đồ ở lại Việt Nam lâu dài, Pháp đã bắt đầu công cuộc xây dựng hai khu phố Pháp ở Hà Nội. Đó là khu phố Pháp ở phía Nam khu phố cổ truyền thống với vai trò là Thủ đô của Việt Nam, và khu phố Pháp thứ hai trên khu vực Hoàng Thành với tính chất là trung tâm hành chính, chính trị của Liên bang Đông Dương.

Theo PGS. TS. KTS Phạm Thúy Loan, cuối thế kỷ XIX, Hà Nội đã bước vào cuộc kiến tạo trong hơn nửa thế kỷ. Cuộc kiến tạo đó đã biến Hà Nội thành một đô thị kiểu Pháp với những con đường thẳng tắp, những đại lộ rộng lớn rợp bóng cây, những công trình công cộng uy nghi tráng lệ: Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Phủ Toàn quyền, tòa án, ngân hàng, trường đại học, trường trung học, bảo tàng, quảng trường, vườn hoa cùng vô vàn ngôi biệt thự kiểu Pháp với nhiều phong cách kiến trúc đa dạng ẩn mình duyên dáng sau những tán cây…

Đó là thành công của quy hoạch thời Pháp thuộc ở Hà Nội, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Như GS. TS. KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: “Khu phố Pháp, một dạng thành phố - vườn được thiết kế và xây dựng dựa trên mô hình quy hoạch phân vùng chức năng - một phương thức quy hoạch mới thời bấy giờ. Và khu phố Pháp, qua thời gian, mặc dù có hình thái kiến trúc đô thị và cảnh quan mới, hoàn toàn khác, lại hòa hợp rất hữu cơ với khu phố cổ 36 phố phường, tạo nên giá trị đặc trưng của khu trung tâm Hà Nội”.

Giao thoa thời gian

Cùng với 10 bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ, kiến trúc sư, nhà quản lý và quy hoạch đô thị, sách “Ấn tượng Hà Nội - Ký họa từ những công trình thời Pháp” có gần 200 bức ký họa các công trình thời Pháp được nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội vẽ suốt một năm qua. Đó là những góc đa diện mang tới cái nhìn sâu hơn, phong phú hơn về Hà Nội với không gian và kiến trúc đô thị thời Pháp thuộc. Nếu tách riêng lẻ sẽ thấy những ví dụ tiêu biểu về kiến trúc Pháp thời kỳ đỉnh cao, còn xét tổng thể, nó là ấn tượng về một Hà Nội đầy cá tính, đậm nét giao thoa.

Họa sĩ, KTS Trần Thị Thanh Thủy, phụ trách Nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội cho rằng, những công trình Pháp là một phần tất yếu của Hà Nội, là một phần ký ức không thể thiếu của mọi người về Hà Nội. “Tôi nghĩ những công trình thời Pháp ở Hà Nội là một trong những mảnh ghép lớn của giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của Hà Nội, tạo nên sự đặc biệt và đang sống cùng Hà Nội. Tất nhiên, trong quá trình phát triển, đô thị Hà Nội đang có sự giao thoa mạnh mẽ, giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại. Ấy là sự giao thoa của thời gian, mà nếu một Hà Nội toàn công trình cũ thì người ta không thấy sức sống mới, một Hà Nội toàn công trình mới thì người ta lại không thấy phần quá khứ. Có lẽ nhờ sự đan xen ấy ta mới có một Hà Nội rất đời, không hề bị bảo tàng hóa”.

Họa sĩ, KTS Trần Thị Thanh Thủy chia sẻ, số tranh được đưa vào cuốn sách chỉ là một phần rất nhỏ so với hàng chục nghìn bức tranh đã ra đời khi nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội rong ruổi trên các con phố, lan tỏa tình yêu, niềm trân quý các giá trị công trình thời Pháp. Trong đó, nhiều bức vẽ “phóng chiếu” chi tiết độc đáo, nhiều bức vẽ kịp lưu lại hình dáng cuối cùng trước khi nét đẹp kiến trúc ấy không còn nữa. Thực tế đáng tiếc, khi cuốn sách chưa kịp ra đời, có những công trình đã bị phá bỏ.

“Quan sát mới thấy, có những công trình nham nhở, không còn đẹp về tổng thể nữa. Có những mảng vữa in dấu hoa văn nhưng lơ lửng trên tường gạch, cứ nghĩ rằng nếu nó bong tróc ra, rơi xuống thì sẽ vĩnh viễn mất đi chi tiết mang tinh hoa kiến trúc một thời… Cùng với biến chuyển của thời gian, một ngày nào đó, những công trình kiến trúc Pháp cũ sẽ kết thúc sứ mệnh. Nhưng khi còn ở đó, khi được lưu giữ, chúng vẫn luôn mang những giá trị riêng, làm nên một Hà Nội khác biệt”, họa sĩ, KTS Trần Thị Thanh Thủy nói.

Hải Đường