Di sản văn hóa - thiên nhiên trước tác động của biến đổi khí hậu
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đã, đang và sẽ là thách thức lớn đối với nhân loại thì tác động tiêu cực của nó không chỉ gói gọn trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường mà còn trở thành nỗi lo của công tác bảo tồn các di sản văn hóa – thiên nhiên.
Di sản văn hóa vốn rất nhạy cảm trước những tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội. Những biến đổi của thời tiết, thiên tai như mưa lũ, động đất dù kéo dài hay chớp nhoáng đều gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự tồn tại của di sản văn hóa khắp mọi nơi trên thế giới và ở Việt Nam cũng vậy. Mưa bão hàng năm cũng là căn nguyên khiến những bức tường thành cổ kính, rêu phong của kinh thành Huế bị sụt lún, nghiêng ngả; lăng ven sông Hương cũng vì thế mà ngập đầy bùn đất. Các công trình kiến trúc phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới thu hút hàng triệu khách du lịch cũng có lúc phải kêu cứu trong mưa lũ. Các Khu di chỉ khảo cổ học Óc Eo thuộc vùng núi Sập - Ba Thê, An Giang - nơi tiếp nhận hai nền văn minh tối cổ của Ấn Độ và Trung Hoa xưa, gồm các di tích cư trú, đền tháp và mộ táng bằng gỗ cũng không ngoại lệ… Không chỉ là những di sản văn hóa vật thể mà di sản thiên nhiên cũng chịu chung số phận. Những trận lụt đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống hang động ở Khu di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng; làm giảm thiểu độ bền của hang, nước xoáy, va đập gây xói lở lòng hang động và đục khoét lòng sông dẫn vào hang.
Một chuyên gia môi trường lý giải, các di sản, di tích thường có sự kết gắn chặt chẽ với môi trường đất, sẽ trở nên xốp hơn khi nước chảy từ mặt đất ngấm dần vào cấu trúc công trình. Khi độ ẩm đất tăng lên sẽ dẫn tới quá trình muối hóa làm phá hủy cấu trúc tinh thể trang trí trên bề mặt trong khi nhiều di sản văn hóa ở nước ta được làm bằng các vật liệu hữu cơ - những vật liệu dễ chịu tổn thất nặng nề. Các di sản trước tác động của BĐKH đang có nguy cơ bị biến dạng, mai một, thậm chí bị phá hủy.
Nhận thức rõ những tác động tiêu cực của BĐKH, Trung tâm Di sản Thế giới đã phối hợp các cơ quan tư vấn, các nước thành viên quan tâm tới vấn đề này nhằm đánh giá bản chất và quy mô hiểm họa đang ngày càng gia tăng, đề xuất một chiến lược về vấn đề thay đổi khí hậu đối với di sản. Trên cơ sở đó, các nước thành viên sẽ đưa các thông điệp thay đổi khí hậu vào các thông tin, giáo dục với những hoạt động truyền bá thích hợp để xây dựng nhận thức và kiến thức công cộng về thay đổi khí hậu, các tác động tiềm tàng của thay đổi khí hậu đối với di sản thế giới. Điều đáng nói là để triển khai việc nghiên cứu về tác động của thay đổi khí hậu đối với di sản hiện nay, nước ta đang đứng trước những thách thức không nhỏ như thiếu dữ liệu thích hợp để hiểu về các tác động của thay đổi khí hậu đối với di sản thế giới, đặc biệt là di sản văn hóa.
Điều quan trọng vẫn là thay đổi nhận thức, giúp cộng đồng thấy được những nguy cơ, hiểm họa từ BĐKH đối với các di sản văn hóa và chỉ rõ những thay đổi đó có ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế như thế nào. Đồng thời, chủ động tổ chức nghiên cứu các tác động của thay đổi khí hậu ở từng di sản và từng cụm di sản, từng vùng, miền trong cả nước. Các cơ quan quản lý di sản từ Trung ương đến địa phương, từ quản lý di sản thế giới đến các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh cần tìm ra những kinh nghiệm tốt cả trong dân gian truyền thống lẫn các kỹ thuật tiên tiến để phòng ngừa và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, việc kết nối hoạt động của các cơ quan liên quan nhằm bảo tồn sự toàn vẹn và tính nguyên gốc của giá trị di sản theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng là nhiệm vụ cấp bách đặt ra hiện nay.
Một cuộc điều tra của Trung tâm Di sản Thế giới để đánh giá mức độ tác động của BĐKH tới các di sản thế giới được thực hiện mới đây cho thấy, trong tổng số 110 ý kiến phản hồi từ 83 quốc gia thành viên thì 72% khẳng định rằng BĐKH có tác động tới các di sản thiên nhiên và văn hóa của mình, 46 quốc gia cho biết là họ đang tiến hành những hoạt động nhằm giám sát tác động của BĐKH, 39 quốc gia cho biết là đã có những nghiên cứu liên quan, 49 quốc gia cho biết là đã có những sự hỗ trợ của chính quyền, mặc dù chủ yếu mới là những hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng. |