“Di sản sống” của nghệ thuật kịch hát dân tộc
Với tâm hồn nghệ sĩ bậc thầy và tư duy bác học về nghệ thuật dân tộc, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã dành cả cuộc đời tâm huyết tìm lại và bảo lưu những gì thuộc về di sản nghệ thuật truyền thống của dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật tuồng. Ở tuổi 100, ông được coi như di sản sống của nghệ thuật kịch hát dân tộc.
Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo 100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức ngày 27.1, nhằm vinh danh sự nghiệp nghiên cứu nghệ thuật và sáng tác kịch bản tuồng của ông.
Mở đường cho nghệ thuật học truyền thống
Trong đại gia đình sân khấu và nghệ thuật truyền thống dân tộc, có lẽ nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang là người cao niên nhất còn trụ lại với đời. Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Thái: “Trong cả cuộc đời dài, đã đến bách niên của Mịch Quang, thời gian dành cho sự nghiệp nghiên cứu nghệ thuật dân tộc và sáng tác kịch bản tuồng có lẽ gần như chiếm trọn số tuổi đời của ông, từ tuổi thơ cho đến tuổi già hôm nay...”.
Sinh ra trên quê hương Bình Định, mảnh đất địa linh nhân kiệt nơi phát tích của vị anh hùng áo vải Quang Trung và danh nhân văn hóa Đào Tấn, ông đã sớm tiếp thu những tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương. Trong cuộc đời của mình, với những lao động sáng tạo không mệt mỏi, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã có nhiều đóng góp có giá trị trên hai lĩnh vực nghiên cứu và soạn giả sân khấu, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
![]() | |
Hội thảo 100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang nhằm vinh danh sự nghiệp nghiên cứu nghệ thuật và sáng tác kịch bản Tuồng của ông | |
Ảnh: Th. Nguyên |
Trong lĩnh vực sáng tác, ông là một tác giả có những đóng góp quý báu trong hơn nửa thế kỷ qua cho nghệ thuật sân khấu tuồng cách mạng Việt Nam. Từ vở Đường về Lam Sơn năm 1951, ông đã sáng tác đa dạng ở các đề tài từ lịch sử, dã sử đến hiện đại, được các đơn vị nghệ thuật tuồng trên cả nước dàn dựng và biểu diễn. Trong đó phải kể đến các vở: Má Tám, Hộp truyền đơn, Vua Hùng kén rể, Quang Trung, Phất cờ nương tử, Giấc mộng hồ hoa, Nỗi lòng người mẹ... được đánh giá cao tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, trên sóng phát thanh truyền hình và được khán giả hâm mộ nghệ thuật Tuồng cả nước yêu thích. Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ: “Soạn giả Mịch Quang sáng tác không nhiều, nhưng những sáng tác của ông là minh chứng cho những vấn đề mà ông dành thời gian nghiên cứu về đặc trưng, về cấu trúc, mỹ học... của nghệ thuật sân khấu truyền thống. Vì vậy, những kịch bản của ông sáng tác từ ngôn ngữ, đến cấu trúc, hình tượng nhân vật được đầu tư công phu, đặc biệt là nhân vật phụ nữ. Điểm mạnh của tác giả là đã biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa những mảng miếng, trò diễn của tuồng truyền thống để nâng lên làm bà đỡ cho những lớp trò trong kịch bản của ông”.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, với các công trình: Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng (1963), Đặc trưng nghệ thuật Tuồng (1988), Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc (1995), Khơi nguồn mỹ học dân tộc (2003)... ông là một trong những người mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên và đạt được thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng lý luận sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống; một số nghiên cứu của ông được giới nghệ thuật học quốc tế quan tâm.
Nỗi lo phai màu dân tộc
Khi nói về “Lão tướng” Mịch Quang - tiền bối duy nhất còn lại của thế hệ đầu tiên Đoàn Tuồng Liên khu V một thời, NSND Đàm Liên chia sẻ: “Mỗi lần có dịp gặp lại ông, tôi bồi hồi nhớ lại những năm tháng chiến tranh, cuộc sống ở nơi sơ tán thiếu thốn trăm bề, nhưng ông lúc nào cũng thư thái, ung dung tự tại, tay trái là quyển sách, tay phải là chiếc quạt. Thỉnh thoảng lại thấy ông đi dạo quanh làng dáng vẻ thư thái nhàn hạ, nhưng những ai đã quen ông thì biết rằng, ông đang gặp phải vấn đề học thuật nan giải. Chính những năm tháng đó, tôi có dịp được nghe ông nói chuyện về nghệ thuật tuồng rất nhiều. Ông là một trong những người đã rung chuông mở màn nhiều trang lý luận cho nền nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật tuồng để mọi người đều biết được cái hay, cái đẹp của bộ môn nghệ thuật này”.
![]() | |
Những nghiên cứu lý luận của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang giúp mọi người biết được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng | |
Ảnh: ITN |
“Cho đến nay, nhiều phát hiện và tổng kết về nghệ thuật truyền thống của Mịch Quang đã đi vào đời sống nghệ thuật dân tộc, trở thành tài sản chung của giới nghệ thuật học dân tộc như “hiện thực tả ý”, “phương pháp mô hình hóa”, “sân khấu tổng thể tích hợp”, “cấu trúc động mở”... Rất nhiều người đã sử dụng chúng hàng chục năm nay mà không biết đó chính là những luận điểm do ông phát hiện, tổng kết”. GS. Hoàng Chương Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc |
Một số vấn đề nghiên cứu của ông được giới sân khấu tuồng hết sức quan tâm và đánh giá cao. Bàn về đặc trưng của nghệ thuật tuồng đã được đặt ra từ lâu, đặc biệt những năm 1980, không ít nhà nghiên cứu cho rằng loại hình nghệ thuật tuồng là con đẻ của kinh kịch Trung Quốc, chỉ cần tìm hiểu đặc trưng của nghệ thuật Kinh kịch thì sẽ ra đặc trưng nghệ thuật Tuồng. Trong khi đó, nghệ thuật Kinh kịch mới hình thành và phát triển 200 năm, còn nghệ thuật tuồng Việt Nam đã ra đời từ thế kỷ XIII - XIV. Trong cuốn Đặc trưng nghệ thuật Tuồng của Mịch Quang xuất bản đã phần nào làm sáng tỏ hơn nguồn gốc xuất xứ của nghệ thuật tuồng truyền thống Việt Nam. Soạn giả Mịch Quang từng nói: “Hý khúc Trung Hoa hay còn gọi là kinh kịch Trung Quốc và tuồng Việt Nam, nếu nhìn bên ngoài thì rất giống nhau, nhưng đi sâu vào nghiên cứu thì chúng khác nhau nhiều lắm đấy. Xem tuồng của Việt Nam là xem hát, nói, diễn, múa... còn xem kinh kịch Trung Quốc là xem hát, niệm, diễn, đánh. Tuồng Việt Nam hướng về nội tâm, cách diễn, câu hát, câu nói đều từ nội tâm của nhân vật mà ra, vì thế mới có hơi gan, hơi ruột, láy rúc, láy hầm... Vốn kết hợp ngữ khí, ngữ điệu và ngữ nghĩa nên từ tinh và thục mà diễn viên tạo ra thần khí của nhân vật. Kinh kịch Trung Quốc lại nặng về hình thức bên ngoài với cách diễn và đánh luôn kết hợp nhau...”. Những lời nói ấy được ông Nguyễn Sỹ Chức, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa ghi nhớ hơn ba chục năm qua và coi đó như bài học lớn trong bước đường học và sáng tác kịch bản Tuồng.
Có lẽ, không một công trình nghiên cứu nào của ông lại không bắt đầu từ mối lo mất mát hoặc phai màu dân tộc trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Hơn 20 năm trước, Mịch Quang đã buồn và lo lắng vì sự thưa vắng của kịch hát dân tộc trong đời sống, sự thưa vắng của khán giả với sân khấu. Và ở tuổi 100, ông vẫn minh mẫn chỉ với một ước mơ: Kịch hát dân tộc sẽ được chấn hưng và rạng rỡ trong di sản văn hóa Việt Nam. NSND Lê Tiến Thọ cho rằng: “Thực tiễn nghiên cứu sáng tác và biểu diễn nghệ thuật dân tộc hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề trong bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật của cha ông để lại. Trong tình hình đó, những công trình khoa học của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang càng thêm có ý nghĩa và giữ nguyên giá trị thời sự, bổ ích với những người hoạt động nghệ thuật dân tộc”.