Theo Cục Di sản văn hóa, tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đang diễn ra tại Paraguay, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của An Giang đã công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một trong tổng số 66 đề xuất được xem xét trong kỳ họp này và là di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 22 - 27.4 Âm lịch, trong miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và khu vực bệ đá thờ Bà trên núi Sam, là các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật, biểu hiện niềm tin, sự biết ơn Mẹ Đất - Mẹ Xứ sở của cộng đồng các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa ở Châu Đốc, An Giang.
Bà Chúa Xứ là vị thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ nữ thần, luôn che chở, phù trợ cho dân chúng. Tục lễ Bà, tham gia lễ hội để thỏa mãn niềm tin và sự mong cầu về sức khỏe, bình an và tài lộc của cộng đồng Khmer, Chăm, Hoa, Việt ở Châu Đốc, An Giang cũng như cư dân vùng Tây Nam Bộ.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là sự kế thừa, tiếp thu, tích hợp và sáng tạo của cư dân Việt trong quá trình khẩn hoang và là sự tổng hòa của tín ngưỡng thờ Mẫu của các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa. Lễ hội nhằm tôn vinh Nữ thần bảo trợ, ban tài, lộc, sức khỏe, bình an cho người dân địa phương, đồng thời là môi trường giáo dục truyền thống đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở công lao dựng nước, giữ nước của cha ông, đề cao vai trò của người phụ nữ và thể hiện sự giao thoa trong sáng tạo, thực hành văn hóa và sự hòa hợp của các dân tộc cùng chung đức tin trong cùng một phạm vi lãnh thổ.
Theo Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đáp ứng Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với các tiêu chí:
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được cộng đồng người Kinh, Khmer, Chăm và Hoa tại thành phố Châu Đốc tổ chức. Di sản này bao gồm việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo và nghệ thuật diễn xướng dân gian để bày tỏ lòng biết ơn đối với Nữ thần Xứ sở.
Các nghi lễ, phong tục và kỹ năng thực hành nghi lễ liên quan đến di sản này được trao truyền trong gia đình và cộng đồng thông qua truyền miệng, thực hành trực tiếp và tham gia vào lễ hội.
Lễ hội thúc đẩy giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng và hòa hợp dân tộc, đồng thời là phương tiện để khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội và những đóng góp của cha ông trong việc xây dựng đất nước.
Di sản góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, phát triển kinh tế toàn diện, cũng như thúc đẩy hành động bảo vệ bền vững môi trường và khí hậu, bảo vệ hòa bình và gắn kết xã hội.
Cụ thể, di sản góp phần vào sự gắn kết xã hội của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam và thúc đẩy sự tôn trọng văn hóa thông qua việc thể hiện nguyện vọng chung của các cộng đồng tham gia lễ hội về một cuộc sống an khang, thịnh vượng và hòa bình. Di sản cũng khuyến khích sự tham gia của mọi người thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, không phân biệt địa vị xã hội, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã đề xuất các biện pháp bảo vệ, gồm các nỗ lực cùng với đại diện thành viên cộng đồng thực hành và trao truyền di sản, tận tâm truyền đạt kiến thức liên quan về lễ hội cho con cháu trong gia đình và các thành viên trong cộng đồng. Lễ hội đã được đưa vào tài liệu giảng dạy tại các trường trung học địa phương và những người phụ trách các Hội đoàn tích cực kết nối, vận động các thành viên cộng đồng cùng nghệ nhân tham gia tổ chức, thực hành lễ hội.
Các ấn phẩm, phim ảnh và các dự án nghiên cứu và tư liệu hóa tiếp tục quảng bá di sản này một cách rộng rãi đến công chúng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang đã hỗ trợ các cộng đồng tu bổ và tôn tạo các không gian thực hành di sản.
Hồ sơ đề cử đã thể hiện rõ vai trò của các cơ quan, nghệ nhân và đại diện cộng đồng trong quá trình xây dựng hồ sơ đề cử. Các cuộc họp được tổ chức với sự tham gia của đại diện từ các cộng đồng Kinh, Hoa, Khmer và Chăm. Các đại diện cộng đồng đã xây dựng kế hoạch bảo vệ, cung cấp dữ liệu về những đồ vật phục vụ nghi lễ, đề cử di sản và cung cấp các tài liệu bắt buộc khác gồm video, ảnh và thư đồng thuận. Hồ sơ đề cử đã cung cấp đầy đủ các thư đồng thuận và cam kết bảo vệ từ các cộng đồng liên quan khác nhau.
Di sản được đưa vào Danh mục quốc gia Di sản văn hóa phi vật thể và Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể của An Giang và của quốc gia trong Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể do Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Danh mục kiểm kê được cập nhật hàng năm với sự phối hợp của đại diện cộng đồng và nghệ nhân. Thông tin về quy trình kiểm kê dựa trên cộng đồng được đã đưa vào Báo cáo định kỳ quốc gia của Việt Nam.
Theo đó, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể quyết định đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việc UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc cùng tổ chức, quản lý và gìn giữ di sản chung, gắn kết cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam; từ đó, nâng cao sự tôn trọng văn hóa trong việc thể hiện niềm khát vọng chung về cuộc sống an lành, mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh.
Việc ghi danh của UNESCO cũng góp phần chia sẻ hình thức thực hành Lễ hội, khẳng định vai trò của các nghi lễ mang tính chất dung hợp văn hóa các cộng đồng nên phản ánh sự đa dạng văn hóa. Lễ hội được UNESCO ghi danh sẽ thúc đẩy sự hiểu biết, đối thoại giữa cộng đồng các dân tộc có tín ngưỡng thờ Nữ thần ở Việt Nam, tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, đề cao những sáng tạo văn hóa tâm linh của các dân tộc và góp phần nhận diện sự tương đồng về văn hóa giữa các dân tộc.