Di sản đô thị - mở tầm nhìn vào lịch sử

Thảo Nguyên 23/03/2022 06:12

Trải qua lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, đến nay, TP. Hồ Chí Minh có quỹ di sản đô thị đa dạng và phong phú, phản ánh những đặc trưng của đô thị này. Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng trong quá trình hiện đại hóa đã và đang đặt ra vấn đề gìn giữ và bảo tồn di sản - nơi ẩn chứa nhiều dấu ấn và ký ức của thành phố.

Không chỉ có lịch sử 300 năm

Nhiều người vẫn thường nghĩ TP. Hồ Chí Minh là vùng đất mới với lịch sử hơn 300 năm, lấy dấu mốc năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập Phủ Gia Định, tên gọi đầu tiên chỉ chung cả vùng đất mới ở phương Nam được khai khẩn, trong đó Sài Gòn là sở lỵ. Tuy nhiên, tại tọa đàm về Di sản đô thị Sài Gòn cuối tháng 1 vừa qua, nhà nghiên cứu khảo cổ học, văn hóa học - TS. Nguyễn Thị Hậu cho rằng Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh đã có “tuổi” khá lớn, khoảng 3.000 năm, tính từ khi con người có mặt, để lại dấu tích về cuộc sống của họ. Căn cứ kết quả nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, ít nhất vùng đất này trải qua 4 thời kỳ: Tiền sơ sử cách đây 3.000 năm - 2.000 năm; văn hóa Óc Eo (từ thế kỷ I - VII), hậu Óc Eo (thế kỷ VIII - XVII); tới khi có đoàn di dân người Việt vào mạnh mẽ, thời kỳ khởi lập và phát triển đô thị, từ thế kỷ XVIII cho đến ngày nay. 

Thành phố Hồ Chí Minh có quỹ di sản đô thị đa dạng Nguồn: Du lịch Sài Gòn
Thành phố Hồ Chí Minh có quỹ di sản đô thị đa dạng
Nguồn: Du lịch Sài Gòn

Dù vậy, thời kỳ sơ sử của thành phố ít được biết tới, vì sau năm 1975, ngành khảo cổ học mới phát triển ở đây. Những năm 1990 - 2000, khảo cổ học đã mang lại những kết quả bất ngờ về nơi này. Theo TS. Nguyễn Thị Hậu, có thể chia thành phố thành 3 khu vực: Khu vực trung tâm có di sản đô thị từ thế kỷ XVIII - XX; huyện Cần Giờ có di tích khảo cổ học niên đại 2.500 - 2.000 năm; khu vực TP. Thủ Đức và quận 9 có các dấu tích của văn hóa Đồng Nai...

“Các di tích khảo cổ học ở TP. Hồ Chí Minh đã mở rộng tầm nhìn của chúng ta vào lịch sử, không chỉ 300 năm mà là 3.000 năm của vùng đất này. Điều đó cho thấy đây là vùng đất có con người sinh sống liên tục, không phải là vùng đất mới khai phá hơn 300 năm trước” - TS. Nguyễn Thị Hậu khẳng định.

Không chỉ di sản thời kỳ tiền sơ sử, TP. Hồ Chí Minh còn có những di sản đáng chú ý ở thời kỳ hình thành đô thị, tính từ khi Thành Gia Định được Chúa Nguyễn Ánh xây dựng năm 1790, theo kiến trúc hỗn hợp Đông - Tây, tạo hạt nhân của đô thị Sài Gòn. Từ nửa sau thế kỷ XIX, người Pháp quy hoạch đô thị này kiểu Phương Tây với 2 khu vực mà cho đến nay vẫn giữ được vai trò, chức năng: Khu hành chính, công sở, công xưởng, nhà máy... các công trình ở đây thường xây dựng trên các gò cao ven sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé - tuyến giao thông chính nối liền Gia Định với những nơi khác; và Chợ Lớn - khu thương mại, buôn bán, các làng nghề thủ công... phát triển dựa vào mạng lưới kênh rạch dày đặc làm đường giao thông chủ yếu. Đây cũng là thời kỳ bắt đầu xây dựng đô thị hiện đại, đồng thời bảo tồn các yếu tố văn hóa truyền thống, tạo dựng sự đa dạng và hòa hợp về văn hóa nhiều cộng đồng, tộc người...

Bảo tồn di sản trong phát triển đô thị

Theo các nhà nghiên cứu, di sản đô thị TP. Hồ Chí Minh gồm nhiều loại hình vật thể và phi vật thể: Di tích khảo cổ học, hình thái và cấu trúc đô thị (gồm cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân văn); các công trình kiến trúc tiêu biểu cho lịch sử phát triển và các hoạt động đời sống của đô thị; các loại hình văn hóa phi vật thể như lễ hội, lối sống nếp sống, ngôn ngữ, ẩm thực, địa danh, ký ức thị dân... 

Bảo tồn di sản đô thị trước hết là bảo tồn các khu vực và công trình lịch sử, di tích và di vật khảo cổ, cảnh quan thiên nhiên. Đó cũng chính là cơ sở để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của đô thị. Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu, giới khảo cổ học đã xác định được các loại hình di sản đô thị vật thể đó là: Di tích khảo cổ được khai quật dưới và trên mặt đất (hệ thống di tích thời tiền - sơ sử ở huyện Cần Giờ, Lò gốm cổ Hưng Lợi ở quận 8); loại hình cảnh quan đô thị; cảnh quan trên bến dưới thuyền; công trình kiến trúc nghệ thuật (như Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Dinh Độc Lập...); công trình tín ngưỡng, tôn giáo (đình, chùa, Thánh đường Hồi Giáo...); loại hình nhà truyền thống và biệt thự; di tích công trình hạ tầng công nghiệp (công xưởng Ba Son, hệ thống cảng, bến bãi); di tích mộ táng, lăng tẩm; di tích thành lũy và công trình quân sự; quần thể di tích của người Hoa ở Chợ Lớn (phố cổ Hải Thượng Lãn Ông, các đền, chùa, hội quán). 

Có thể thấy, thành phố vẫn còn nhiều công trình đa dạng phong cách kiến trúc, chức năng, tuổi đời, giá trị văn hóa - lịch sử khác nhau… hợp cùng tạo nên bản sắc riêng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng theo xu hướng hiện đại hóa đang tạo ra thách thức trong bảo tồn di sản. Nhiều công trình di sản đã bị hư hỏng, bị phá bỏ (như Thương xá Tax), từng bị lên kế hoạch phá bỏ (như Dinh Thượng Thơ), một số di tích từng bị lấn chiếm, xâm hại như Di tích cấp quốc gia Lò gốm cổ Hưng Lợi (quận 8)... Việc quy hoạch và xây dựng hiện nay cũng khiến nhiều di tích, di vật khảo cổ bị phá hủy. 

Lâu nay, bài toán giữa bảo tồn di sản và phát triển vẫn được đặt ra trong quy hoạch đô thị. TS. Nguyễn Thị Hậu cho rằng, trong Luật Di sản văn hóa chưa quy định rõ về loại hình di sản đô thị. Hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh có không ít công trình được xếp hạng di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp thành phố. Tuy nhiên, nói đến di sản đô thị phải nhìn ở góc độ tổng thể, không thể chỉ bảo tồn một công trình đơn lẻ. Điều này cần được nghiên cứu khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa thời gian tới. 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc bảo tồn di sản đô thị cần có sự lên tiếng của các nhà nghiên cứu, khẳng định giá trị của di sản để cộng đồng cùng hiểu biết và chung tay bảo vệ. Bên cạnh đó, chính quyền và nhà đầu tư có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định việc gìn giữ những công trình mang dấu ấn của thành phố. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Di sản đô thị - mở tầm nhìn vào lịch sử
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO