Vụ vỡ bia đá cổ tại di tích chùa Thổ Hà (Bắc Giang)

Di dời sai quy trình, không đúng kỹ thuật

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 06:50 - Chia sẻ
​​​​​​​Vừa qua, trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích chùa Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang, khối bia đá cổ từ thế kỷ XVII bị tự ý di dời với cách thức không phù hợp, đã bị vỡ thành nhiều mảnh. Điều này tiếp tục đặt ra vấn đề chuyên môn và việc tuân thủ các quy định khi trùng tu di tích để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc, không thể khôi phục.

Tự ý di dời bia đá để nâng cốt nền di tích

Theo các nhà nghiên cứu, tấm bia đá tại di tích chùa Thổ Hà thuộc loại bia tứ diện, tạo bằng chất liệu đá xanh, niên hiệu Vịnh Trị năm thứ 4 (1679), với hoa văn đẹp ở chân và xung quanh văn bia. Trán bia cao 78cm; thân bia cao 115cm, rộng 75cm; đế bia cao 5cm, rộng 93cm. Nội dung bia ghi tên những người công đức và quá trình xây dựng gác chuông chùa Thổ Hà (Đoan Minh tự).

Về vụ việc vỡ bia đá trong quá trình tu bổ chùa Thổ Hà (do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Việt Yên làm chủ đầu tư và giám sát công trình, Công ty CP Bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt là đơn vị thi công), theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang: Chiều 8.9, đơn vị thi công tổ chức dịch chuyển bia đá (tại vị trí sân phía trước tòa Tam Bảo) ra vị trí bảo quản, nhằm tạo mặt bằng cho việc nâng cốt nền khuôn viên chùa Thổ Hà. Để dịch chuyển bia đá, đơn vị thi công đã đào móng xung quanh bia, dùng dây vải buộc vào phần thân bia, sử dụng xe cẩu để nâng (nhằm luồn dây qua phần đế bia để buộc bó toàn bộ bia, trước khi dịch chuyển). Tuy nhiên, khi tiến hành nâng bia thì thân bia bị tách rời thành nhiều mảnh. Sau khi xảy ra sự việc, đơn vị thi công đã cho tạm dừng công việc dịch chuyển và báo cáo cơ quan chức năng.

Điều đáng nói là trong hồ sơ thỏa thuận tu bổ chùa Thổ Hà với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có hạng mục di chuyển bia đá cổ tại vị trí sân phía trước tòa Tam Bảo, nhưng do nền thấp, cần nâng cốt nền, nên địa phương đã tự ý nhờ nhà thầu di dời bia.

Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cũng cho biết: Trước đây, bia được đặt trong gác chuông. Năm 1954, dân quân du kích địa phương đã đốt gác chuông để lấy chuông đúc súng đạn phục vụ kháng chiến. Do tác động của nhiệt do đốt, bia đá bị rạn nứt nhiều vị trí... Việc dịch chuyển bia đá phục vụ cho thi công tôn nền khuôn viên chùa là cần thiết, được chủ đầu tư, đơn vị thi công và Ban giám sát cộng đồng địa phương thống nhất. Tuy nhiên, các bên đã không đánh giá hết hiện trạng của bia, nên đã để xảy ra sự việc.

Rà soát toàn bộ quá trình tu bổ chùa Thổ Hà

Nguồn: Fanpage Làng Cổ Thổ Hà 

Rà soát toàn bộ quá trình tu bổ chùa Thổ Hà

Tiếc nuối tấm bia đã tồn tại cùng chùa Thổ Hà 342 năm qua, nhiều chuyên gia cho rằng, việc di dời bia đá không theo quy trình, không đúng kỹ thuật và vi phạm Luật Di sản văn hóa, đã làm hỏng bia cổ. 

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng: Đáng lẽ, việc di dời bia đá cổ phải được tính toán, thống nhất từ trước, được các cơ quan chức năng có thẩm quyền đồng ý, cho phép. Trong quá trình tu bổ, tôn tạo chùa, tự ý di chuyển, nâng lên là sai quy trình, chưa đúng các quy định bảo vệ di sản. Hơn nữa, đây là bia đá hình trụ, lại có tuổi đời hàng trăm năm, cần có biện pháp bảo vệ, gia cố chắc chắn để bảo đảm an toàn, không thể áp dụng cách thức như với một tấm bê tông hay một khối đá mới...

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bia đá lâu năm, có nhiều vết rạn nứt nhưng chỉ được buộc dây xung quanh rồi cẩu lên là giải pháp thi công không phù hợp, do đó, việc gãy, vỡ là khó tránh khỏi. Qua cách làm trên cho thấy, đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát quá non yếu, thiếu kinh nghiệm chuyên môn nên đã thực hiện cách ứng xử thô bạo, rất ẩu với hiện vật cổ.

Sau khi xem xét, Cục Di sản văn hóa cho biết vừa có văn bản đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang chỉ đạo chủ đầu tư bảo vệ tại chỗ bia đá. Khẩn trương thực hiện việc xây dựng bệ đặt bia tại vị trí cũ. Lựa chọn tổ chức tư vấn đủ điều kiện, năng lực và kinh nghiệm đề xuất phương án tu bổ, gắn chắp bia bảo đảm khoa học và chất lượng, báo cáo UBND tỉnh Bắc Giang và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận trước khi thi công; đánh giá tình trạng bia khi tu bổ so với thời điểm trước khi bị vỡ để xác định mức độ ảnh hưởng của vụ việc.

Bên cạnh đó, đối với công tác tu bổ, tôn tạo di tích chùa Thổ Hà, Cục Di sản Văn hóa cũng đề nghị rà soát toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án để bảo đảm dự án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Kiểm tra công tác hạ giải, xem xét quá trình đánh giá, phân loại để tái sử dụng tối đa cấu kiện gỗ cổ, gỗ cũ, gia cố tu bổ đối với các cấu kiện gỗ hư hỏng một phần, chỉ thay thế mới khi cấu kiện gỗ đã hư hỏng hoàn toàn.

Những sự cố trong trùng tu, tu bổ di tích không phải chuyện hiếm gặp gần đây. Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc trùng tu, bảo tồn cần có các đơn vị đủ năng lực chuyên môn thực hiện, tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật và quy định của Luật Di sản văn hóa để tránh hủy hoại, làm hỏng di sản.

Thảo Nguyên