Đi dọc dòng sông Phật giáo

- Thứ Sáu, 24/05/2019, 08:12 - Chia sẻ
Dòng nước ra đi từ một cõi tuyết sơn vĩnh cửu và chấm dứt hành trình ở một cõi khác, tức biển cả mênh mông. Cả 6 quốc gia mà dòng Mekong chảy qua đều là xứ sở Phật giáo điển hình. Những nẻo đường đều dày đặc dấu tích lịch sử, kiến trúc, tín ngưỡng, nghệ thuật, truyền thuyết dân gian...

Mê kông ký sự - Chuyện chưa kể

Cách đây gần 20 năm, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh ấp ủ ý tưởng làm phim về nơi khởi nguồn của dòng Cửu Long và việc chuẩn bị bắt đầu từ năm 2000 bằng chuyến thăm dò đầu tiên trên đất Trung Hoa. Bộ phim tài liệu “Mê Kông ký sự” gồm 92 tập, mỗi tập 20 phút, làm mê hoặc hàng triệu khán giả trong và ngoài nước. Con sông hùng vĩ và huyền bí đã phần nào được hé lộ qua ống kính của đoàn làm phim.

May mắn tham gia trọn vẹn cả 15 chuyến đi được coi là “lịch sử” của đoàn làm phim, với nhà biên kịch của “Mê Kông ký sự” Trần Đức Tuấn, đó là hành trình có một không hai trong nghề, thậm chí trong đời. Để có được những thước phim quý giá ấy là sự dũng cảm đối đầu với trăm nghìn thử thách và niềm đam mê khám phá, chinh phục thiên nhiên. Rất nhiều chuyến đi, cho đến lúc trở về, các thành viên đoàn là phim mới biết mình còn sống. Hiểm nguy là những dốc cua tay áo, bên vách núi, bên vực thẳm, là những dư âm bom mìn của chiến tranh, cả vấn đề an ninh biên giới lãnh thổ của các quốc gia... Có lần đi vào cung đường hiểm trở, đến nỗi đoàn phải ngồi bàn với nhau có nên đi tiếp hay không. Có lần qua bãi chiến trường, người đi trước giẫm chân vào đâu thì người đi sau phải dẫm đúng chỗ đó. Lần khác đi cano trên sông, trúng dòng cuốn trục cầu, cano xoáy quăng người xuống sông, ở trên kịp bắt được bàn chân giữ lại một bên còn cả người xoáy tít dưới dòng nước, cái chết thật sự gần kề.


Bên những cung đường hùng vĩ, hiểm trở, dòng Mekong còn họa nên khung cảnh thiên nhiên nên thơ và đời sống xã hội phong phú

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn kể lại kỷ niệm qua Tachilek - thành phố biên thùy của Myanmar ở vùng Tam giác Vàng. Khu vực này được phân loại thành 3 vùng “trắng”, “nâu” và “đen”, tùy theo tình hình an ninh. Vùng trắng, cho phép người nước ngoài được đi lại tự do vì an ninh được bảo đảm. Vùng đen, cấm tuyệt đối người nước ngoài vì rất nguy hiểm. Vùng nâu, cho phép đi lại nhưng hạn chế và kiểm soát gắt gao. Lần trở về từ Tachilek lúc hoàng hôn nhập nhoạng, xe của đoàn đang lầm lũi trên con đường hẻm núi thì bị một toán thảo khấu (kẻ cướp) chặn đường. Không hiểu lái xe trao đổi bằng tiếng Shan thế nào mà vị thủ lĩnh vẫy tay cho đi. Đó là kỷ niệm “hú vía” trong cuộc đời làm phim...

Nhưng dọc dòng sông với bao hiểm nguy rùng rợn còn nhiều điều nên thơ. Những góc trời u tịch hẻo lánh, đỉnh đèo lơ lửng trong mây, đỉnh núi tuyết, cửa ải biên thùy, kinh thành cổ kính, những thác ghềnh trầm mặc trong tiếng chuông chùa, nhiều đền đài lăng tẩm, sa mạc mênh mông, thảo nguyên bất tận... Tất cả đều có nét riêng, đặc sắc, với đường nét văn hóa khác nhau, được kết nối bằng là sự chân thành và lòng sùng kính Phật giáo như dòng chảy tư tưởng êm đềm, lấp lánh.

Vang vọng tiếng chuông chùa

Hành trình dọc sông Mekong đã giúp nhà biên kịch Trần Đức Tuấn tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, nhiều sắc tộc và tôn giáo ngự trị trên các miền đất ven bờ và lưu vực mênh mông của nó. Trong bức họa thiên nhiên hùng vĩ và xã hội phong phú đó, văn hóa Phật giáo đã trở thành hệ thống huyết mạch làm cường tráng toàn bộ “cơ thể” của Mekong, hòa quyện với các bộ phận khác để trở thành một bản thể đặc sắc và độc đáo. Rõ ràng, bên cạnh dòng chảy của Mekong luôn tồn tại một dòng chảy của tinh thần Phật giáo. Hệ thống chùa chiền dày đặc, tráng lệ cùng âm thanh vang vọng của tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh, tạo cho Mekong sức sống thần kỳ...

Không đặt vấn đề nghiên cứu về tôn giáo nhưng rõ ràng văn hóa Phật giáo đã bước vào “Mê Kông ký sự” một cách tự nhiên. Đó là lý do, trong cuốn sách mới ra mắt kể về hành trình khám phá dòng sông này, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn lấy tên là “Đi dọc dòng sông Phật giáo”. Bởi Mekong sẽ không còn là nó nếu vắng bóng những ngôi chùa, thiếu hơi thở của đạo Phật lan tỏa khắp mặt nước mênh mông, khắp những xóm làng, đồng cỏ thanh bình. Men theo dòng sông ấy ra đến hạ nguồn, chùa chiền ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm rõ thêm một chân lý: Phật giáo là một phần hữu cơ không thể tách rời của lịch sử Việt Nam. Đình làng thờ thần hoàng bổn cảnh, miếu thờ thần linh và những người có công lớn với dân, với nước, cùng những ngôi chùa tạo nên hình ảnh rất đẹp trong thế giới tinh thần truyền thống của cư dân nơi đây.

Song sự kỳ vĩ, huyền ảo, sự hiểm trở, dữ dội, hay bao êm đềm mộng mơ trên dòng sông ấy đều đã hoặc đang có nguy cơ bị bàn tay của con người can thiệp, làm thay đổi dòng chảy vốn có. Những dâng hiến muôn đời cho vùng đất dòng sông đi qua cũng đang có đổi khác. “Mekong là một đại trường giang quốc tế nên việc khai thác cần có sự phối hợp hài hòa, thông cảm và hiểu biết lẫn nhau, một việc không hề đơn giản. Việc tìm hiểu những nền văn hóa ven sông, những lợi ích kinh tế, quá trình lịch sử, quá trình tác động của tự nhiên cũng đòi hỏi rất nhiều công sức và thiện chí. Công sức và thiện chí để nhận ra thiên nhiên lộng lẫy và đem lại giá trị hơn nhiều những gì chúng ta tưởng tượng”.

Hải Đường