Đi đến cùng đam mê

- Thứ Hai, 03/05/2021, 07:29 - Chia sẻ
Họ là những đạo diễn có tuổi đời rất trẻ, mới bước vào nghề, ôm giấc mơ khắc họa khoảng trời nghệ thuật không vàng son phô trương mà gần gũi đời thường. Bằng đam mê và bản lĩnh, họ tiếp cận điện ảnh một cách đầy cảm hứng từ chính các nhân vật của mình, rồi lan tỏa đến mọi người.
		Hậu trường của "Màu cỏ úa", bên trái là nhạc sĩ Trần Tiến, đằng sau là đạo diễn Lan Nguyên
Hậu trường của "Màu cỏ úa", bên trái là nhạc sĩ Trần Tiến, đằng sau là đạo diễn Lan Nguyên

Trái tim nhỏ và những giấc mơ lớn

2020 có thể coi là năm thành công của điện ảnh tài liệu độc lập Việt Nam. Hai bộ phim “Đoạn trường vinh hoa” của Lê Mỹ Cường và “Màu cỏ úa” của Lan Nguyên ra rạp đều gây tiếng vang lớn. Thành công nằm ngoài dự kiến của các đạo diễn trẻ. Bởi lẽ, từ lúc bắt đầu, cả hai không dám tin sẽ có nhiều người đồng điệu với cảm xúc của mình đến thế. Bởi lẽ, hành trình làm phim là con đường dài gập ghềnh, năng lượng xuất phát điểm duy nhất là sự "liều lĩnh" của tuổi trẻ, và cơ duyên đặc biệt…

Một ngày bất chợt nhìn thấy gánh hát ở vùng quê miền Tây Nam bộ, Lê Mỹ Cường bị cuốn hút bởi sân khấu lộng lẫy, nơi có ông hoàng bà chúa, nữ tướng hay kẻ phản nghịch trong tích cổ ẩn hiện chớp mắt khi bước qua bức màn nhung. “Phải tìm hiểu đằng sau bức màn nhung ấy là gì” - Sự tò mò của một người trẻ miền Bắc khiến Cường bật ra ý định, nung nấu quyết tâm từ Hà Nội vào miền Tây làm phim. Có lẽ, lúc đó, chàng trai sinh năm 1989 chưa hình dung nổi những khoảnh khắc sắp trải qua tác động đến mạch cảm xúc của bộ phim như thế nào.

Còn Lan Nguyên đã gói ghém giấc mơ đi tìm thần tượng của mình từ lâu. Người ấy, suốt những năm 1990, hay xuất hiện trên ti vi, ngồi và say sưa hát, trước khi hát, bao giờ cũng kể một câu chuyện. Người ấy đã tạo nên ký ức tuổi thơ cô, cho đến một ngày chiếc ti vi bé nhỏ không còn chỗ dành cho ông và thế hệ của ông nữa. “Tôi cần phải đi tìm ông” - Trong lòng Lan Nguyên dậy lên mong muốn làm phim về nhân vật này.

		"Đoạn trường vinh hoa" kể câu chuyện về những cuộc đời cháy hết mình với sân khấu truyền thống
"Đoạn trường vinh hoa" kể câu chuyện về những cuộc đời cháy hết mình với sân khấu truyền thống

Có điều, cả hai đều bị từ chối.

“Bà bầu” của gánh cải lương tuồng cổ Phương Ánh không cho Cường bấm máy. Bà không muốn nhìn những ánh mắt ái ngại, không muốn trả lời những câu hỏi đầy tội nghiệp mà báo chí hay xoáy vào. Bà bảo đời nghệ sĩ lang bạt kỳ hồ, gánh hát nghèo nhưng lòng tự trọng với Tổ nghề đâu cho người ta nhìn mình bằng ánh mắt thương hại. Đoạn trường giăng mắc âu cũng là nghiệp phận tằm trót vay phải trả, họ yêu và sống chết với nghề, không than vãn.

Mất bốn tháng trời, Lê Mỹ Cường bám theo gánh hát mà không dám sờ tới chiếc máy quay, cũng chẳng nói thêm lời nào về dự án của mình. “Đơn giản, tôi theo chân họ, vạ vật chiếu đình chõng chợ, sẵn sàng phụ giúp, mải miết đến có lúc ngỡ mình là một phần của gánh hát. Bù lại, tôi được chạm vào đời sống cầm ca tưởng như xa lạ, bí ẩn. Một ngày, cô Ba gật đầu cho bấm máy, vui đến ứa nước mắt, tay chân bỗng luống cuống khi quay thước hình đầu tiên”.

Không đồng ý thực hiện bộ phim, nhạc sĩ Trần Tiến chỉ cười từ chối, nhưng vẫn cho Lan Nguyên gặp mặt. Cũng chính lần đó, tình cờ ông nghe được bài “Tạm biệt chim én” của mình hay quá, hỏi người hát thì chính là cô gái Lan Nguyên trước mặt. Thế là nhạc sĩ gật đầu vì: “Hát được như vậy thì làm phim được”.

Cô gái mừng rỡ, tưởng tượng những khuôn hình như món quà dành cho thần tượng, nâng niu giấc mơ hằng ấp ủ trên đôi bàn tay chuẩn bị bắt đầu mọi thứ từ số 0 - không chuyên nghiệp, không tiền... “Như bác Trần Tiến - một người thế hệ 4X tự nhận mình là kẻ lãng mạn cuối cùng của thế kỷ, tại sao những đứa 9X như chúng tôi lại không được quyền mơ mộng, thậm chí có viển vông hay không thì phải đi đến cùng mới biết được”.

Không chỉ tử tế với cảm xúc của mình

Thuyết phục được nhân vật là khởi đầu, huy động nguồn lực để bắt tay làm phim mới thực khó khăn. Lê Mỹ Cường và Lan Nguyên chân ướt chân ráo bước vào nghề, cộng sự đều là anh em bạn hữu quen thân hoặc qua giới thiệu, người vì nể lòng nhiệt huyết của đạo diễn mà giúp đỡ, người tham gia vì được truyền cảm hứng từ các nhân vật trong phim.

	Ê kíp làm phim "Đoạn trường vinh hoa" cùng các thành viên, diễn viên trong đoàn tuồng cổ Phương Ánh, ngồi ngoài bên phải là đạo diễn Lê Mỹ Cường
Ê kíp làm phim "Đoạn trường vinh hoa" cùng các thành viên, diễn viên trong đoàn tuồng cổ Phương Ánh, ngồi ngoài bên phải là đạo diễn Lê Mỹ Cường

“Đoạn trường vinh hoa” được thực hiện hơn một năm. Đoàn làm phim cùng gánh hát cải lương rong ruổi trên những nẻo đường Nam bộ, ghi lại khoảnh khắc chân thực của các nghệ sĩ trong hai cuộc đời - trên sân khấu và sau cánh gà. Kết quả của hành trình là bộ phim dài 50 phút. Trong khi êkíp làm phim “Màu cỏ úa” theo chân Trần Tiến suốt 5 năm, kiên trì trên chuyến du ca cuối cùng của nhạc sĩ, trở lại những nơi ông từng gắn bó và là nguồn cảm hứng để sáng tác, những chốn như gốc bàng, vỉa hè Hà Nội, núi rừng Đăk Mi cao nguyên xa xôi… truyền tải nó trong 80 phút phim.

Đó là bản lĩnh, nếu không muốn nói là liều - Nhiều người nghĩ vậy nhưng Lê Mỹ Cường lý giải, nếu không phải tài liệu điện ảnh trực tiếp thì khó có đường dẫn nào tốt hơn diễn tả chân thật sự trần trụi và thô ráp của những chuyện được kể. Tuồng cổ là môn nghệ thuật với sinh lực ngày một yếu dần. Người diễn đã già, khán giả cũng ít. Đoàn tuồng Phương Ánh khó khăn mưu sinh chồng chất, thứ duy nhất giữ chân họ với công việc này là niềm đam mê cháy bỏng. Họ cứ như con thiêu thân bay về ánh sáng lập lòe sắp tắt của sân khấu tuồng cổ. “Đi tìm những giấc mơ vinh hoa, có điều chúng tôi đã không đoán định được, là cái giá của việc thấy những gì đằng sau lớp mặt nạ được tô vẽ tỉ mỉ kia là đồng nghĩa sẽ sống cùng xúc cảm của họ, sống trong câu chuyện của họ cho dù là sầu khổ, bi ai, dù là vinh hoa hay đoạn trường…”.

“Lợi thế của phim tài liệu là rất thật, rất đời”, vì vậy Lan Nguyên muốn tạo nên bộ phim gần nhất với tinh thần của nhân vật. Trong quá trình dựng phim, cô quyết định chuyển toàn bộ khuôn hình thành tông màu đen trắng, ngoại trừ những đoạn trích bản thu bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến, nhằm khắc phục độ chênh màu do phải sử dụng nhiều loại máy quay khác nhau, vừa toát lên tinh thần du ca đậm chất Trần Tiến. “Hai năm đầu quay xong, đoàn đứt mọi liên lạc với bác. Hiểu tính bác nên không ai gọi, trong hơn một năm ấy, thậm chí đã có lúc nghĩ muốn bỏ cuộc, rằng bộ phim sẽ không thể tiếp tục, nhưng rồi chúng tôi vẫn đợi…”.

Trong phim “Màu cỏ úa” có câu: Những người du ca là người tự do và dũng cảm nhất. Lan Nguyên cho rằng, tự do toát ra từ bản chất nhưng dũng cảm có được là sự bồi đắp. Hành trình chấp nhận thử thách, khó khăn, giữ vững tinh thần để làm phim là cách trưởng thành, có trách nhiệm với tác phẩm. “Với tôi, làm phim tài liệu là cuộc trở về, về với một thời được làm nên bởi thế hệ đi trước, về với tàn phai quá khứ nhưng còn nguyên giá trị được hun đúc bởi những cuộc đời. Tôi còn mộng mơ bộ phim rồi sẽ du chiếu, trên chiếc xe chở phòng chiếu nhỏ cho cả nước cùng xem. Ngây ngô đến thế nhưng để hiểu rằng làm phim không thể chỉ tử tế với cảm xúc của mình mà còn phải tử tế với cảm xúc của khán giả”.

Nối dài ký ức Việt Nam

Cả Lê Mỹ Cường và Lan Nguyên đều tự thấy phim của mình còn những nét vụng về của đạo diễn trẻ, song cảm xúc là thật. Cảm xúc ấy đến từ sự trân trọng quá khứ, mong mỏi đưa cuộc sống lên màn ảnh, để khán giả có thể chạm vào một phần thế giới ngoài kia, nơi có những con người đau đáu với đam mê, biết khó nhưng vẫn làm, biết khổ nhưng quyết không dừng lại, vẫn cống hiến nghệ thuật trọn vẹn tâm sức, trí lực và cả cuộc đời. Như “nỗi đau huy hoàng” mà các nhân vật trong đoàn cải lương Phương Ánh, hay “tinh thần du ca” mà nhạc sĩ Trần Tiến, và chính bản thân câu chuyện vừa liều lĩnh vừa quyết liệt của hai đạo diễn, truyền tới khán giả.

	"Màu cỏ úa" mang theo sắc màu du ca thấm đẫm chất Trần Tiến
"Màu cỏ úa" mang theo sắc màu du ca thấm đẫm chất Trần Tiến

Lê Mỹ Cường tâm sự: “Tôi làm phim để lắng nghe và bước vào thế giới của họ. Đúng hơn là để mọi người, trong đó có tôi được bước vào thế giới của nhau một cách chân thành, tự nhiên nhất”. Với Lan Nguyên, “Màu cỏ úa” như một dấu phẩy để kết nối thế hệ, với Lê Mỹ Cường, “Đoạn trường vinh hoa” là cây cầu bắc nhịp truyền thống, cùng nhằm níu giữ những giá trị đẹp đẽ đang tàn phai.

Đáng mừng là dù cả hai bộ phim ban đầu không hề hứa hẹn chiếu rạp, bán vé nhưng đều gặt hái thành công. “Khi màn chiếu khép lại, thấy mắt mọi người đỏ hoe, tôi biết phần nào đó chúng tôi đã chạm được đến cảm xúc của khán giả”, đạo diễn Lê Mỹ Cường chia sẻ.

Còn Lan Nguyên nhắc lại lời hát của nhạc sĩ Trần Tiến: Hạnh phúc quá đơn sơ, đời tôi đâu có ngờ. “Bước vào rạp, tôi nhìn ánh mắt long lanh của mọi người, thực sự hạnh phúc vì mình cảm được họ và họ cảm được phim. Đó là động lực để chúng tôi đi tiếp hành trình nối dài ký ức Việt Nam”.

Thái Minh