Chùa Một Cột (chùa Diên Hựu):
Tư liệu của Nguyễn Lang trong "Việt Nam Phật Giáo Sử Luận", NXB Văn học, Hà Nội - 2000, tr,196, ghi: "Năm 1049, vua Lý Thái Tông cho dựng chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột".
Đó là kiến trúc của thời kỳ nước nhà tự chủ, thịnh trị, biểu đạt ước muốn nền thịnh trị kéo dài. Hình ảnh một trụ cột lớn chống đỡ toàn thể ngôi chùa là hình ảnh biểu tượng của triết lý "nhất như" hay "nhất như luận" của Phật giáo. Triết lý hợp hiện hữu thành một với thực tại chân thực này còn có tên gọi là triết lý "bất nhị" (hay bất nhị pháp môn: Non - Dualism): có ý nghĩa là cá nhân và tha nhân, xã hội không phải là hai thực thể hoàn toàn độc lập, khác biệt; chủ thể và đối tượng, sáng và tối cũng thế. Nó vừa là tướng một, tướng hai, vừa vượt lên trên hai và một. Đây là nhận thức thâm trầm về thực tại của triết lý và tôn giáo phương Đông.
Cây đàn bầu (cây đàn một dây):
Nhiều nhà bác học âm nhạc thế giới giữa thế kỷ XX đã xếp loại cây đàn bầu là danh cầm đứng cùng hàng với cây Violon thời danh của Pháp. Nó là loại quý hiếm của đàn một dây mà phát ra muôn điệu: buồn, vui, réo rắt, ai oán, đoàn tụ, chia ly, thanh thản, trang nghiêm của thiên nhạc. Nó cũng đánh động đến triết lý sống "dĩ bất biến ứng vạn biến", " một là của tất cả, tất cả là của một", hay "mình vì mọi người, mọi người vì mình" rất Việt (transcendent).
"Dĩ bất biến ứng vạn biến":
Có nghĩa là nắm giữ lấy mục tiêu, lý tưởng, cái không thay đổi, mà hành xử thích nghi với hoàn cảnh sống của nhiều biến đổi.
Chuyện kể, trước ngày lên đường đàm phán với Pháp năm 1946, theo thỉnh thị của quyền Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Chủ tịch đã để lại lời chỉ đạo, như là cẩm nang của hành động, rằng: " dĩ bất biến ứng vạn biến". Tuyển tập Hồ Chí Minh thì ghi:
"Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh quyền Chủ tịch,... mà giải quyết được nhiều khó khăn, công việc kiến thiết cũng nhiều tiến bộ" (NXB Sự Thật, Hà Nội - 1980, tập I, tr.389)
Lời chỉ đạo trên hiện ra như một triết lý sống, hành động rất thoáng, rất thiện xảo, đầy trí tuệ Việt Nam và phương Đông, tương tự với triết lý hành động của một hành giả Phật giáo:"Tùy duyên nhi bất biến",hay nói ngắn là "triết lý tùy duyên".Theo triết lý này, hành giả giữ vững đạo tâm, lý tưởng giải thoát khổ , nương theo duyên (điều kiện sống) mà hành xử việc đạo, việc đời, không cố chấp, không câu nệ. Quả là một chỉ nam trí tuệ cho muôn thuở.
Đức Phật đã dạy trong kinh tạng Nikàya rằng: " Phật đến một hội chúng nào thì ứng xử theo cung cách , ngôn ngữ của hội chúng đó": Nói chuyện với bác tiều phu, đức Phật sử dụng ngôn ngữ thường nhật gần gũi với bác tiều phu. Không phải vì thế mà đức Phật đánh mất mình, đánh mất giá trị của mình. Sự thật hệt như một đấng trượng phu: ứng xử với vợ, con thì khác với bàng dân thiên hạ, khác với cung cách mô phạm khi đứng trên bục giảng, cũng khác với thái độ ứng xử với bạn bè, thượng cấp,...
Ca dao Việt Nam thì viết:
" Ru hời ru hỡi là ru,
Bên cạn thì chống, bên su thì chèo".
Mục tiêu là cần thuyền đi tới (ý nghĩa của bất biến), chống hay chèo thì tùy chỗ nước nông , sâu (ý nghĩa của ứng vạn biến hay tùy duyên).
Người đời nay cũng bảo : Mèo đen hay mèo trắng không nệ, miễn là bắt được chuột.
Bắt chuột là ý nghĩa của bất biến (hay mục tiêu), mèo đen hay trắng là ý nghĩa của "ứng vạn biến" (hay ứng biến hoặc tùy duyên).
Đấy là văn hóa! Đấy là sự thật chọn lựa của đời sống! Và đấy là ứng vạn biến!
Hồ Chủ Tịch đã sống triết lý ấy, mà không chỉ nói triết lý ấy. Người đã khi thì âu yếm bế các cháu thiếu nhi, khi thì quần xắn lấy nước vào ruộng, khi thì ân cần thăm hỏi các chiến sĩ , khi thì vui với ao cá , khi thì trang trọng đọc tuyên ngôn , khi thì chân tình trao đổi ý kiến với các chính khách lỗi lạc , khi thì thanh thản thảo các văn kiện, viết lịch sử Đảng,... tất cả đều biểu thị cùng một trí tuệ và tình yêu của một lãnh tụ vì nước, vì dân, vì nhân quần xã hội .
Triết lý vốn là nói về sự sống, nên sự sống được hiểu như một triết lý siêu đẳng. Thế nên, Hồ Chủ Tịch quả là nhà tư tưởng ở trên tư tưởng, nhà văn hóa ở trên tầm văn hóa của thời đại. Người là tác giả của triết lý "dĩ bất biến ứng vạn biến - khác hẳn với tinh thần không chịu thực hiện "đi đại lộ, về tiểu lộ" -; nhưng ở đây, bài viết này không nhằm ca tụng tác giả, mà chỉ nhằm giới thiệu một triết lý - bài học cũ như là một khuôn vàng thước ngọc của thời đại, rất Việt Nam.
ĐBQH, Hòa thượng Thích Chơn Thiện