E-Magazine

"DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN"

- Thứ Tư, 13/10/2021, 14:55 - Chia sẻ

Dịch bệnh COVID-19 là hiện tượng bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được như triết lý mà Bác Hồ đã nói "dĩ bất biến, ứng vạn biến”- PGS.TS Vũ Sĩ Cường, Học viện Tài chính  kiến nghị tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế- xã hội vào tháng 9 vừa qua. Tọa đàm thực sự là bước khởi động về khoa học, thực tiễn trước kỳ họp của Quốc hội, chuyển tải dữ liệu phục vụ cho ĐBQH nghiên cứu, xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng về phục hồi kinh tế và an sinh xã hội tại Kỳ họp thứ Hai tới.

Tọa đàm gồm 12 tham luận, 12 chủ đề hệ thống, sắc bén, gắn bó chặt chẽ lý luận và thực tiễn trên lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội. Qua đây các chuyên gia hàng đầu hiến kế giải pháp vượt qua khó khăn đại dịch. (xem các tham luận dưới đây):

KINH TẾ VIỆT NAM 2021-2022

Bối cảnh kinh tế thế giới 

Kể từ đầu năm 2021 trở lại đây kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Các tổ chức quốc tế đã có những đánh giá lạc quan, dù còn khá thận trọng về đà phục hồi kinh tế trong năm 2021. Các nghiên cứu và thảo luận chính sách đều nhận định đà phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng của ba nhóm rủi ro chính:

Thứ nhất, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, kể cả ở những quốc gia đã làm chủ công nghệ vaccine, tham gia chuỗi cung ứng vaccine hay có tỷ lệ tiêm vaccine cao (như Mỹ, Ấn Độ, Anh v.v.).

Thứ hai, cạnh tranh địa chính trị diễn ra rất phức tạp. Ngay cả ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các động thái cạnh tranh diễn ra khá sâu rộng từ những lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ, hạ tầng, chuỗi giá trị cho tới các lĩnh vực an ninh phi truyền thống (nguồn gốc dịch COVID-19 và ngoại giao vaccine, v.v.).

Thứ ba, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát và rủi ro nợ. Dự báo của Economist Intelligence Unit cập nhật vào ngày 14.9.2021 cho thấy giá hầu hết các nhóm mặt hàng có thể tăng từ 17,0-61,9% trên thị trường thế giới năm 2021. ( Trích nhận định của TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương).

Nền tảng vĩ mô đến 2020 ổn định

Bảng số liệu của TS Vũ Thành Tự Anh cho thấy những con số căn bản ổn định nền tảng vĩ mô như: về tăng trưởng, lạm phát, cán cân thương mại, tỷ lệ nợ công, tỷ lệ mất giá VND... giai đoạn 2011-2020. 

2011-2015 2016-2020
Lạm phát bình quân 7,82% 3,15%
Tăng trưởng tín dụng bình quân 12,86% 13,80%
Tỷ lệ mất giá VND sv. USD trong 5 năm 8,26% 2,61%
Cán cân thương mại hàng hóa (%GDP) -1,5% 3,2%
Tỷ lệ nợ công (%GDP) 63,7% 50,8%

(Trích số liệu từ TS Vũ Thành Tự Anh, giảng viên cao cấp Đại học Fullbright Việt Nam.)

Yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam năm 2022

Qua tham vấn sâu rộng với các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp thì triển vọng kinh tế Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng của 5 yếu tố sau:

Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022- TS.Trần Thị Hồng Minh
CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA 2021 VÀ 2022
Những khó khăn của khủng hoảng COVID -19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế năm 2021 nói chung và cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) nói riêng. Nhìn lại những bài học từ cuộc khủng hoảng là rất cần thiết cho việc thực hiện NSNN năm 2022 và những năm tiếp theo. Chúng ta có thể tham khảo những số liệu chính về tổng quan ngân sách và chính sách tài khóa đối phó Covid-19. (PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính)
Tổng quan ngân sách nhà nước năm 2020-2021
Tỷ lệ thực hiện thu ngân sách so với dự toán (%) năm 2006-2021
Nguồn: tính toán từ số liệu Bộ Tài chính, năm 2020 là ước thực hiện lần 2, năm 2021 là số ước tính của tác giả từ số liệu 8 tháng

Chính sách tài khóa của Việt Nam đối phó Covid-19

Số tiền theo quy định Thực hiện (1)
Tỉ đồng % của GDP(2) Tỉ đồng % của kế hoạch % của GDP(2)
Các biện pháp có tác động đến ngân sách 291,7 3,7 117 40,1 1,5
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp
Thuế VAT, CIT và hoãn tiền thuê đất 174 2,2 65,9 37,9 0,8
Hoãn thuế đối với ô tô sản xuất trong nước 18 0,2 9,8 54,4 0,1
Miễn, giảm các loại thuế, phí và lệ phí khác 40,2 0,5 22,8 56,7 0,3
Giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp cho DNNVV 23 0,3 N/A N/A N/A
Hỗ trợ cho hộ gia đình
Hoãn thuế cho kinh doanh hộ gia đình 6 0,1 0,8 13,3 0
Chuyển tiền mặt 36 0,5 12,7 35,3 0,2
Tăng giảm thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế và người phụ thuộc 10,8 0,1 N/A N/A N/A
Chi tiêu bổ sung cho y tế 6,7 0,1 0,8 75,8 0,1
Các biện pháp không có tác động đến ngân sách 38 0,5 9,6 25,4 0,1
Hoãn đóng góp quỹ an sinh xã hội 9,5 0,2 0,4 3,8 0
Cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng 16,2 0,2 0,01 0,1 0
Cắt giảm giá điện 12 0,2 9,2 76,7 0,2

(Số liệu tính toán đến tháng 11.2020)

Năm 2022 và vấn đề đặt ra 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những thay đổi khó lường và gần như hết hy vọng về chính sách Zero covid, sống chung với dịch bệnh trở thành lựa chọn của nhiều quốc gia. Xây dựng chính sách tài khóa sẽ phải lưu ý đến 6 vấn đề sau đây:

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính nêu kiến nghị: Năm 2022 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Dịch bệnh Covid-19 là hiện tượng bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được như triết lý mà Bác Hồ đã từng viết: "dĩ bất biến, ứng vạn biến” .

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

Thời gian vàng trong những tháng cuối năm 2021 để chúng ta đưa ra các giải pháp kịp thời, mạnh mẽ, sâu rộng phục hồi kinh tế, ổn định đời sống xã hội trong "tình trạng bình thường mới”; thúc đẩy chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam và các doanh nghiệp nhanh chóng quay lại sản xuất, nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, chúng ta tham khảo ý kiến của Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân  :

Thứ nhất, thay đổi quan điểm chống dịch và kế hoạch chống dịch phải đồng bộ nhất quán mới có thể mở cửa trở lại.

Thứ hai, đẩy nhanh tiêm vaccine đặc biệt cho cả ngư dân, nông dân và cho phép sử dụng lao động an toàn, tạo nguồn lao động xanh để doanh nghiệp và các hộ nông ngư nghiệp được quyền thuê lao động đảm bảo hạt động trở lại khi đủ điều kiện.

Thứ ba, dịch bệnh là quy luật tất yếu của cuộc sống, cần có chính sách từ đầu, kể cả đào tạo đội ngũ y tế cộng đồng đủ mạnh, có nhiều kịch bản phản ứng nhanh và có nguyên tắc, chỉ tiêu và quy trình chuyển đổi từ trạng thái từ “phòng bệnh” sang “chữa bệnh”.

Thứ tư, mở cửa cũng cần có chính sách đồng bộ, kế hoạch thống nhất, có bộ tiêu chí đánh giá đủ điều kiện và mở cửa từng bước. Linh hoạt trong phản ứng với dịch bệnh.

Thứ năm, Chính phủ và chính quyền các địa phương phải rà soát lại toàn bộ các chính sách và biện pháp trong thời gian qua trong quản lý và điều hành nền kinh tế để sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, biện pháp cho phù hợp bối cảnh mới như chính sách thu hút lao động về trở lại sản xuất, chính an sinh xã hội đối với người lao động,

Thứ sáu, Chính phủ, các cơ quan ban ngành, địa phương và thành phố cần có sự tham gia xây dựng và phản biện chính sách của các bên liên quan, phổ biến và nhân rộng chính sách hiệu quả nhanh chóng.

Hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?

Chính sách chủ yếu cần tập trung hỗ trợ sản xuất kinh doanh;  Ổn định vĩ mô; đồng thời tận dụng đại dịch Covid-19 để đẩy nhanh phát triển kinh tế số và chuyển đổi số, PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng:

LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM
 

 Tình hình việc làm tại ASEAN

- Số lượng lao động năm 2020 thấp hơn 11 triệu người so với dự báo cho kịch bản không có đại dịch; khoảng cách chênh lệch này được dự báo vẫn sẽ duy trì ở mức khoảng 9 triệu người (2021) và 4 triệu người (2022);

- Đại dịch gây nên mức tổn thất việc làm trong năm 2020 của phụ nữ cao hơn nam giới (lần lượt là 4% và 3%) và của thanh niên cao hơn người trưởng thành (lần lượt là 6% và 3%);

- Số lượng việc làm đã giảm khoảng 7 triệu trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2020; Con số này bao gồm mức thất nghiệp cao hơn (2 triệu) và rời khỏi lực lượng lao động (5 triệu);

- Tổn thất trong thu nhập từ lao động do mất việc làm và giảm thời giờ làm việc có thể vào khoảng 8% trong năm 2020 (100 triệu đô la Mỹ, hay 3% GDP khu vực năm 2019); thu nhập từ lao động có thể còn tiếp tục giảm do khủng hoảng còn kéo dài.

 Tình hình việc làm Việt Nam (Quý II.2021)*

- 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực (tăng 3,7 triệu); Tỷ lệ thất nghiệp tăng 2,62% (2,42% trong quý I);

- Gần 2 triệu thanh niên trong độ tuổi 15 đến 24 (chiếm 16,7%) không có việc làm mà cũng không được tham gia học tập hay đào tạo;

- Số lượng lao động được tuyển dụng phi chính thức là 20,9 triệu người (57,4%), tăng 251,4 nghìn người so với quý trước và tăng 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước;

- Thu nhập trung bình hàng tháng của người lao động trong quý 2 giảm;

Tính đến tháng 7 năm 2021, 40.300 doanh nghiệp đã phải tạm ngừng kinh doanh; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể và 11.400 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể. (*) Tình hình còn xấu hơn trong quý III.2021

Theo báo cáo tình hình lao động - việc làm của Tổng cục Thống kê (2021), lực lượng lao động trong Quý II.2021 giảm so với quý IV.2020 và tăng không đáng kể so với quý I.2021 trong quý II.2021. (Tham khảo biểu đồ dưới đây)

Lực lượng lao động các quý, 2019-2021 /Đơn vị tính: Triệu người . (Nguồn: Tổng cục Thống kê .2021a)

Báo cáo tình hình lao động - việc làm của Tổng cục Thống kê (2021) cũng chỉ ra rằng có tới 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Đặc biệt, làn sóng đại dịch lần thứ 4 đã tác động nghiêm trọng hơn tới người lao động: 0,5 triệu người mất việc làm; 4,1 triệu người tạm nghỉ/tạm dừng sản xuất kinh doanh; 4,3 triệu người giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và có 8,5 triệu người bị giảm thu nhập. Tỷ lệ lao động phi chính thức trong quý II/2021 là 57,4%, cao nhất trong ba năm gần đây.

Về tỷ lệ lao động phí chính thức trong quý II.2021 là 57,4%, cao nhất trong ba năm gần đây. (Tham khảo biểu đồ dưới đây)

Tỷ lệ lao động phi chính thức các quý, 2019-2021/ Đơn vị tính: % . (Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021a)

Tỷ lệ thất nghiệp của quý II.2021 là 2,6%, trong đó tới 48% người thất nghiệp là do tác động của đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên (15-24 tuổi) là gần 7,5% và tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia đào tạo lên tới 16,7%. (Nhóm nghiên cứu, trường Đại học Kinh tế Quốc dân).

CON NGƯỜI LÀ TRUNG TÂM 

1.Nhận định và khuyến nghị

Từ phân tích tình hình việc làm toàn cầu; tình hình lao động và việc làm tại Việt Nam; những vấn đề nội cộm; triển vọng thị trường lao động toàn cầu dưới tác động của Covid-19, Tổ chức lao động Quốc tế ILO đưa ra  4 khuyến nghị:

Khuyến nghị 1: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng và tạo việc làm năng suất

- Đảm bảo đủ không gian tài khóa nhằm giải quyết khoảng trống hiện hữu trong cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội;

- Hỗ trợ đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh và tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới, tăng năng suất và doanh nghiệp bền vững;

- Đầu tư mang tính chiến lược vào các lĩnh vực có thể đóng vai trò nguồn tạo việc làm thỏa đáng và đầu tư để chuyển đổi các lĩnh vực hiện có để tạo ra nhiều cơ hội làm việc tốt hơn.

Khuyến nghị 2: Hỗ trợ thu nhập hộ gia đình và chuyển dịch thị trường lao động, đặc biệt là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng

- Đầu tư vào những chính sách thị trường lao động chủ động, dịch vụ việc làm công được cung cấp cho toàn dân;

- Xây dựng và thực hiện các cách tiếp cận toàn diện, đổi mới và tích hợp để kiểm soát tình trạng phi chính thức lan rộng và thúc đẩy sự chuyển dịch sang nền kinh tế chính thức;

- Tạo điều kiện cho người lao động tham gia thị trường lao động, cải thiện triển vọng thị trường của họ bằng cách bồi dưỡng trình độ kỹ năng cao hơn.

Khuyến nghị 3: Củng cố những nền tảng thiết chế cần thiết cho tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn diện, bền vững

-Tăng cường các hệ thống an sinh xã hội với nguồn tài chính công bằng và bền vững;

- Củng cố các biện pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe nghề nghiệp thông qua hợp tác với các thiết chế công, các doanh nghiệp tư nhân, người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức đại diện của họ.

Khuyến nghị 4: Tham gia đối thoại xã hội nhằm xây dựng và đảm bảo thực hiện hiệu quả các chiến lược phục hồi lấy con người làm trung tâm

- Chiến lược hiệu quả hơn khi đó là thành quả của đối thoại và thương lượng giữa các chính phủ và các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động;

- Thúc đẩy và triển khai “Nghị quyết liên quan đến lời kêu gọi hành động toàn cầu thúc đẩy phục hồi từ khủng hoảng Covid-19 lấy con người làm trung tâm mang tính bao trùm, bền vững và có sức chống chịu tốt” đã được các quốc gia thành viên của ILO thông qua tại Phiên họp thứ 109 của Hội nghị Lao động Quốc tế năm 2021.

2. Giải pháp cấp bách

Nhận định một số vấn đề cấp bách trong thực hiện các quy định giãn cách và tác động đến người lao động; thực hiện chính sách an sinh xã hội,  nhóm nghiên cứu Đại học kinh tế Quốc dân đưa ra khuyến khị một số giải pháp cần thực hiện ngay, theo đó:

Trong bối cảnh hiện nay và từ kinh nghiệm và hậu quả thấy rõ từ đợt dịch thứ tư, mục tiêu “Zero Covid-19” đã chuyển sang “sống chung với Covid-19” và vì thế mà các chính sách, trong đó có chính sách an sinh cho người lao động và những nhóm yếu thế, cần phải có sự thay đổi . (Nhóm nghiên cứu, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân).

Thứ nhất, Chính phủ cần yêu cầu các địa phương khi thành lập Tổ tư vấn phục hồi kinh tế hoặc Tổ chống đại dịch thì phải có sự tham gia đại diện của các doanh nghiệp chủ chốt trên địa bàn để có thể có thông tin chính xác, kịp thời về các hoạt động/khả năng đáp ứng của doanh nghiệp để từ đó điều chỉnh chính sách kịp thời với tình hình thực tế.

Thứ hai, xem xét nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2021), mức hỗ trợ trung bình của mỗi đối tượng hỗ trợ (chuẩn hóa theo GDP bình quân đầu người) ở Việt Nam cao hơn so với tất cả các quốc gia khác trong khu vực (trừ Mông Cổ và Thái Lan) nhưng các khoản trợ giúp xã hội cho lao động mất việc làm và trợ cấp tiền lương còn khiêm tốn so với mức thu nhập của họ.

Thứ ba, cần xem xét tiếp tục hỗ trợ các nhóm đối tượng trợ giúp xã hội vì phạm vi hỗ trợ trong gói thứ hai không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội (mà chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em).

Thứ tư, việc xác định lao động tự do bị mất việc là đối tượng hỗ trợ là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, đây là đối tượng rất khó xác định hoặc thiếu căn cứ để xác định nên nhiều người không tiếp cận được với chính sách, dẫn đến xác định nhầm hoặc bỏ sót.

Thứ năm, các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đã được mở rộng (như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh… Để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp cũng như vẫn đảm bảo quyền an sinh của người lao động, cần cân nhắc giảm mức đóng hơn là tạm dừng hoặc đóng chậm vì việc phục hồi sản xuất cần có thời gian trong khi gánh nặng đóng vẫn như cũ nếu chỉ tạm dừng hoặc đóng chậm.

Thứ sáu, tăng cường việc chăm lo sức khỏe tinh thần và theo dõi sức khỏe thể chất cho người lao động.

Thứ bảy, sử dụng quyền mà Quốc hội trao cho Chính phủ trong xử lý tình trạng khẩn cấp để tạm thời sử dụng các quỹ an sinh xã hội đang kết dư (như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ khám, chữa bệnh…) để hỗ trợ các đối tượng cần.

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ SỐ

1. Bắt kịp cơ hội

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries trong tham luận "Bắt kịp những cơ hội từ nền kinh tế số" đã đưa ra những nhận xét:

- Sự xuất hiện và tăng trưởng của nền kinh tế số là một xu hướng quan trọng - một xu hướng mà chúng tôi và các quốc gia thành viên đang rất coi trọng và Việt Nam rất quan tâm.

- Công nghệ kỹ thuật số mang lại cho các cá nhân và hộ gia đình sự thuận tiện hơn và nhiều lựa chọn hơn. Đối với nền kinh tế số, nó có thể kích hoạt những thay đổi trong hành vi mua hàng và tiêu dùng, từ đó sẽ ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số và phi kỹ thuật số.

- Nền tảng kỹ thuật số đã giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (hay còn gọi là MSME) tiến hành hoạt động kinh doanh trực tuyến và giúp họ tiếp cận thị trường toàn cầu. Nhiều nền tảng như vậy đơn giản hóa hoạt động hậu cần và thậm chí thường tích hợp chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị xuyên biên giới biến chúng thành phương tiện cho thương mại quốc tế.

- Những hiểu biết sâu sắc và hiệu quả mà việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số mang lại thường làm giảm giá thành và thách thức các doanh nghiệp truyền thống. Bí quyết và kỹ năng hiện có của họ có thể không đủ để bắt đầu và vận hành các giải pháp kỹ thuật số mà đòi hỏi phải thay đổi lực lượng lao động.

- Các MSME tạo ra một số lượng lớn việc làm ở Việt Nam nên điều quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và khả năng cạnh tranh tổng thể của Việt Nam là hỗ trợ việc áp dụng công nghệ của Chính phủ và các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô.

- Khi những nền tảng kỹ thuật số tạo ra các hệ sinh thái mới, nơi các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ, người lao động và người tiêu dùng tương tác với các kênh phân phối mới, các tác động ngoại cảnh của mạng khổng lồ được tạo ra có thể phá vỡ các thị trường truyền thống và có khả năng chiếm ưu thế trên thị trường.

- Các chính sách và quy định phù hợp là cần thiết để quản lý mọi lợi thế quá mức và những gián đoạn không công bằng có thể tạo ra do sự xuất hiện của các nền tảng kỹ thuật số.

RÀO CẢN TĂNG TRƯỞNG

2. Các yếu tố tác động

Nhân tài 
Là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của lĩnh vực internet, vốn là cốt lõi của nền kinh tế số. Nhu cầu và cơ hội để đào tạo lại và nâng cao trình độ lao động cho lĩnh vực tăng trưởng này đã trở thành ưu tiên hàng đầu.
Kết nối kỹ thuật số
Là một trong những rào cản đã có những tiến bộ đáng kể. Khi hàng triệu người dùng mới đã có quyền truy cập vào Internet, chúng ta không được bỏ qua rằng đối với nhiều người, khả năng chi trả và khả năng hiểu biết kỹ thuật số vẫn là một thách thức.
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật số
Phải tăng lên đáng kể để hỗ trợ sự mở rộng của lĩnh vực kỹ thuật số
Quy trình thương mại và cơ sở hạ tầng hậu cần
Giải quyết các rào cản hiện có… Những người tham gia thị trường từ phía cung và cầu cần có các hệ thống, công nghệ đáng tin cậy và quy định mạnh mẽ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính và bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp và tăng cường an ninh mạng.
Công ty khởi nghiệp công nghệ
Là động lực thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật số, cần được các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách quan tâm đúng mức.
Hệ sinh thái khởi nghiệp
Công nghệ tạo ra các công ty khởi nghiệp khả thi thường hiển thị một tập hợp các yếu tố cốt lõi (tức là doanh nhân, tài năng công nghệ, ý tưởng và giải pháp) và một loạt các yếu tố hỗ trợ. Điều này bao gồm các nhà tài trợ.
Ưu tiên chính sách và đầu tư 
Có thể tạo ra sự khác biệt thực sự cho quỹ đạo số hóa ở Việt Nam.
KẾT THÚC

Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế- xã hội là bước đột phá trong công tác chuẩn bị kỳ họp và thông tin khoa học, thực tiễn về những nội dung chính kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV xem xét quyết định về phục hồi kinh tế và an sinh xã hội. Đây là trí tuệ, trăn trở của các chuyên gia gửi tới ĐBQH. Đánh giá về cuộc tọa đàm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong rằng tiếp tục nhận được sự đóng góp, chung sức, đồng lòng của các chuyên gia, các nhà quản lý, các tổ chức quốc tế, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, người lao động… Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, những khó khăn hiện nay chỉ là trước mắt, tạm thời. Chúng ta vẫn có những nền tảng tốt để có thể sớm trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch. Với sự chung sức đồng lòng, chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn đặc biệt này.

DANH MỤC THAM LUẬN

1. Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022 – Ts. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

2. Covid-19: Kinh tế Việt Nam lấy lại ánh hào quang - Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam.

3. Thực trạng chuỗi cung ứng và khuyến nghị phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 - Nhóm nghiên cứu, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

4. Một số ý kiến về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong làn sóng dịch lần thứ 4 ở Việt Nam - PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

5. Kinh tế vĩ mô Việt Nam trong và sau đại dịch Covid-19 - TS Vũ Thành Tự Anh, giảng viên cao cấp Đại học Fullbright Việt Nam.

6. Diễn biến và triển vọng Kinh tế toàn cầu, những khuyến nghị chính sách cho Việt Nam - Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam.

7. Kinh nghiệm quốc tế về triển khai các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ và kiến nghị đối với Việt Nam - Ts. Cấn văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.

8. Lao động và việc làm trong thời kỳ đại dịch Covid-19 - Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam.

9. Một số đánh giá về chính sách tài khóa năm 2021 và các vấn đề với năm 2022 của Việt Nam nhằm vượt qua khủng hoảng Covid-19 - PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính.

10. Bắt kịp những cơ hội từ nền kinh tế số - Ngân hàng Châu Á (ADB) tại Việt Nam.

11. Một số vấn đề và kiến nghị liên quan tới lao động và an sinh xã hội trong phòng dịch Covid-19 - Nhóm nghiên cứu, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

12. Cập nhật những diễn biến mới nhất của kinh tế thế giới và tác động đến Việt Nam trong năm 2022 và các năm tiếp theo - Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Chỉ đạo: Minh Khuê
Thực hiện: Thanh Hà
Kỹ thuật đồ họa: Xuân Tùng; Duy Thông