“Dệt” cuộc sống mới từ nghề trồng dâu, nuôi tằm
Từng là địa bàn lõi nghèo với tỷ lệ hộ nghèo lên đến gần 80%, đến nay, các xã Đam Rông 1, Đam Rông 2, Đam Rông 3 và Đam Rông 4 của tỉnh Lâm Đồng đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận. Trong hành trình ấy, cây dâu, con tằm đang lặng lẽ “dệt” nên câu chuyện thoát nghèo bền vững từ bàn tay người nông dân nơi vùng đất đầy nắng gió.
“Chìa khóa” giúp người dân thoát nghèo
Tại xã Đam Rông 3, con đường bê tông xuyên qua các thôn làng người dân tộc thiểu số giờ đây như một dấu nối hiện hữu cho sự thay đổi từng ngày nơi mảnh đất từng nhiều năm là "vùng lõi nghèo" của Lâm Đồng. Giữa không gian xanh mướt của những vườn dâu trải dài dưới nắng, tiếng cười nói, đôi tay thoăn thoắt hái lá, người dân nơi đây đang cần mẫn nuôi tằm, ươm cho mình một cuộc sống mới.
Chị Liêng Jrang K Brao (người dân xã Đam Rông 3), gói ghém ký ức nghèo đói qua những lứa tằm trắng muốt đang lớn từng ngày trong nhà mình. “Trước đây, gia đình tôi chỉ sống nhờ vài sào ngô, quanh năm vất vả mà vẫn thiếu thốn. Nhờ được hợp tác xã hỗ trợ, tôi học nghề trồng dâu nuôi tằm. Một lứa tằm 15 - 16 ngày cho thu hơn 10 triệu đồng. Việc nhẹ, lại phù hợp với phụ nữ, người già, ai cũng có thể làm được”, chị chia sẻ.
Nghề trồng dâu nuôi tằm được đưa về huyện Đam Rông (trước đây), nay là các xã xã Đam Rông 1, Đam Rông 2, Đam Rông 3 và Đam Rông 4 từ năm 2016. Hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu cho thấy, năng suất cao, chi phí đầu tư thấp, thu nhập ổn định đã khiến người dân bắt đầu tin và chuyển đổi từ các mô hình kém hiệu quả như trồng ngô, lúa.

Chị Ma Rương, cán bộ khuyến nông, hiện là Chủ nhiệm HTX Dâu tằm Đạ M’rông – người trực tiếp đồng hành với bà con suốt chặng đường đổi thay ấy. Từ vài hộ ban đầu, đến nay toàn xã có 227 hộ trồng dâu nuôi tằm, với tổng diện tích lên đến 118ha. Hợp tác xã do chị quản lý có 9 thành viên chính thức và 22 thành viên liên kết. Không chỉ hỗ trợ nhau về kỹ thuật mà còn các thành viên còn chia sẻ nguồn lá, nhân công, đầu ra ổn định.
“Trung bình mỗi ngày người nuôi chỉ mất 4 - 5 tiếng chăm sóc. Thu nhập bình quân từ trồng dâu nuôi tằm đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Các thành viên HTX có thu nhập 6 - 8 triệu đồng/tháng, gấp 3 lần so với làm rẫy truyền thống”, chị Ma Rương cho biết.
Không chỉ là một mô hình sản xuất, cây dâu – con tằm đang trở thành sinh kế bền vững, là chìa khóa giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống. Theo lãnh đạo xã, chính quyền đã tích cực lồng ghép các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất, đặc biệt với các đối tượng yếu thế như hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh mô hình nuôi dê, thì trồng dâu nuôi tằm đang được đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng.
Liên kết sản xuất, giải quyết đầu ra, ổn định giá cả
Từ một địa bàn với gần 80% hộ nghèo khi mới thành lập năm 2004, đến cuối năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn địa bàn huyện Đam Rông cũ (nay là các xã Đam Rông 1,2,3,4) chỉ còn 7%, tương ứng 1.033 hộ. Trong đó, hộ nghèo là 390 hộ, chiếm 2,64%, hộ cận nghèo là 643 hộ, chiếm 4,36%. Trước khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, mục tiêu của huyện Đam Rông cũ là đến cuối năm 2025, giảm thêm từ 1,5 - 2% số hộ nghèo đa chiều (tức từ 222 – 295 hộ). Dự kiến hộ nghèo sẽ giảm thêm từ 74 – 109 hộ.
Theo lãnh đạo xã Đam Rông 3, từ chỗ trồng trọt theo kiểu nhờ trời, sản xuất tự cung tự cấp, nay bà con đã biết tính toán đầu tư, vận dụng kỹ thuật, lựa chọn cây trồng vật nuôi cho giá trị cao. Thu nhập hộ nghèo được cải thiện, đời sống khấm khá hơn, hàng trăm hộ đã có sinh kế vững, có việc làm, tiếp cận tốt hơn với y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và văn hóa thông tin”.

Chính quyền địa phương cũng tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy canh tác, từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, tiếp cận thị trường. Việc tổ chức liên kết sản xuất thông qua hợp tác xã góp phần giải quyết bài toán đầu ra, ổn định giá thu mua kén tằm ở mức có lợi cho người dân.
Có thể thấy, giảm nghèo không phải là phép màu, mà là hành trình kiến tạo từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là từ tinh thần đổi thay, khát vọng vươn lên của chính người dân. Cây dâu, con tằm – vốn là mô hình nông nghiệp truyền thống – nay trở thành lời giải cho bài toán thoát nghèo vùng sâu. Và từ những kén tằm trắng muốt ấy, một tương lai no ấm đang được dệt nên, từng ngày.
Trồng dâu nuôi tằm tại các xã Đam Rông 1, Đam Rông 2, Đam Rông 3, Đam Rông 4 không chỉ là giải pháp giảm nghèo thuần túy mà đang dần khẳng định vai trò là ngành nghề nông nghiệp phù hợp với điều kiện vùng sâu, vùng xa. Sự chủ động vào cuộc của chính quyền địa phương, sự đồng hành của hợp tác xã và đặc biệt là tinh thần vươn lên của người dân là những yếu tố then chốt góp phần biến mô hình này thành một hướng đi hiệu quả, nhân văn và bền vững.