Sổ tay

Dẹp loạn quảng cáo thực phẩm chức năng

- Thứ Tư, 26/08/2020, 08:34 - Chia sẻ
Thời gian qua Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm trong quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng. Song, vẫn còn nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật với công dụng trị bách bệnh vẫn tái diễn...

Thực phẩm chức năng xuất hiện ở nước ta từ năm 2000, cho đến nay đã có khoảng trên dưới 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cùng với sự phát triển này, số doanh nghiệp bị xử phạt do sai phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh, nhất là quảng cáo vi phạm, không đúng công dụng so với hồ sơ công bố... cũng ngày càng tăng. Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chỉ trong trong nửa đầu năm 2020 cho thấy, cơ quan này đã kiểm tra hàng trăm đơn vị sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng trên thị trường Việt Nam có biểu hiện vi phạm quảng cáo, bán sản phẩm trên môi trường mạng.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết hiện nay, một số website, mạng xã hội đăng tải thông tin quảng cáo các loại thực phẩm chức năng vi phạm quy định về quảng cáo, nội dung quảng cáo công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tuy nhiên, khi được Cục An toàn thực phẩm mời lên làm việc thì các doanh nghiệp đều không thừa nhận nội dung quảng cáo trên các website đó là của mình. Đơn cử như trường hợp, các trang website: dongychinhhang.net; chuyengiatuvan247.com quảng cáo sản phẩm Kim Thạch Đan đã gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm; quảng cáo có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh... Sản phẩm nêu trên do Công ty TNHH Thương mại Vinpharco (địa chỉ tại số 92 tổ 60 phố Nguyễn Lân, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Tuy vậy, quá trình hậu kiểm, công ty TNHH Thương mại Vinpharco không thừa nhận website nêu trên của mình và không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kim Thạch Đan trên trang mạng.

Theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, ngày 4.9.2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì ngoài phạt tiền, các lực lượng chức năng còn được áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, thu hồi sản phẩm vi phạm; công bố công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực tiễn cho thấy, hình thức xử phạt này đã phần nào có tác dụng răn đe hơn. Song do lợi nhuận, nhiều đơn vị phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng vẫn bất chấp quy định, cố tình vi phạm trong khâu quảng cáo, họ thường lập ra nhiều trang thông tin điện tử liên quan đến sản phẩm và bệnh tình mà sản phẩm đó sẽ hỗ trợ điều trị. Đặc biệt, thay vì quảng cáo thực phẩm đúng nội dung như hồ sơ công bố, các trang thông tin này thường quảng cáo mập mờ, thậm chí mượn hình ảnh, uy tín của các bệnh viện, bác sĩ... khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về sản phẩm như là thuốc chữa bệnh.... Hệ quả là người tiêu dùng bị lừa, nhiều người tiền mất, bệnh vẫn mang mà không biết kêu ai.

Để dẹp loạn quảng cáo thực phẩm chức năng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành thông tin và truyền thông, y tế, công thương, công an tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng... Thời gian qua Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng thường xuyên đăng những cảnh báo các trang thông tin sản phẩm vi phạm quảng cáo lên trang web của Cục. Qua đó khuyến cáo người dân không nên mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y, bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh... Tuy vậy, để không tái diễn vi phạm, thiết nghĩ các ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đối với các vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, ảnh hưởng lợi ích người tiêu dùng. 

Hải Thanh