Đến với thơ: Chuyện cắn trắt và nỗi lo

Phạm Thuận Thành 27/08/2014 08:37

Ngồi buồn cắn trắt
                         
Ngồi buồn cắn trắt… mà thương
Cha cày mẹ cấy nắng sương bã bời
Thảo thơm cái hạt nuôi người
Bỗng cơn lũ quét để rồi trắng tay
Bão giông em đổ vào xay
Hạt lửng hạt lép nhậm cay mắt người
Gánh gồng gom nhặt mồ hôi
Tiếc từng hạt rụng hạt rơi trên đồng
Cả đời những ước cùng mong
Chở thuyền vỏ trấu qua sông đói nghèo.

                                   TÂN QUẢNG

Cắn trắt là dùng răng cắn hạt thóc rang nhằn bỏ trấu, ăn nhân gạo. Thóc dùng để rang thường là loại nếp tươi mới đông sữa chưa được gặt, ăn vừa dẻo vừa thơm ngon. Nếu có nhiều đem giã, sàng sảy bỏ trấu thì thành cốm. Cắn trắt là thú vui thưởng thức sản phẩm nhà nông ăn cho đỡ buồn mồm lúc nông nhàn. Thú vui nho nhỏ tuy vậy lại khá hấp dẫn thực khách, chả thế mà dân gian có câu “ngủ ngày quen mắt, cắn trắt quen mồm”.

Tuy nhiên, cắn trắt còn là một cách làm no với những người có hoàn cảnh đói ăn hoặc vào những ngày giáp hạt đói lay đói lắt. Có chuyện kể một bà sinh con vào mùa giáp hạt phải lần cả chổi rơm lấy hạt thóc lửng cắn trắt. Thậm chí lần cả vách tường kiếm hạt thóc lẫn trong rạ rơm trát vách lẩy ra cắn trắt. Nên biết, trước khi làm chổi người ta đã dùng đôi đũa kẹp tuốt lại lấy thóc một lần rồi. Mới biết chuyện cắn trắt gắn liền với nỗi lo đói nghèo, và Tân Quảng đã khéo dùng sự việc này nâng thành cảm xúc thơ và bài thơ đã có sức ám ảnh lòng người.

Minh họa của Trung Dũng
Minh họa của Trung Dũng
Tác giả nhắc đến việc lao động làm ra hạt thóc rất vất vả cực nhọc qua hình ảnh “nắng sương bã bời”. Làm đến kiệt sức vậy mà đâu đã chắc ăn, nếu ông giời trêu ngươi cho một trận mưa to thì “trắng tay” là chuyện thường tình. Tác giả chia sẻ nỗi vất vả với người nông dân khi gọi hạt thóc là hạt “bão giông”. Hạt bão giông đem vào xay giã mà vẫn pha đầy hạt lửng hạt lép, kiếm cả tí đớn tí cám. Nhà thơ không trực tiếp làm cái việc xay giã giần sàng mà lại “cay mắt” vì người làm ra hạt thóc phải dùng cả loại hạt phế phẩm như vậy. Có thế mới thêm phần yêu quý hạt thóc hạt gạo. Người ta thi vị hóa gọi hạt thóc là hạt ngọc kia mà. Nhưng Tân Quảng lại thấy hạt thóc là “hạt mồ hôi”: Gánh gồng gom nhặt mồ hôi/ Tiếc từng hạt rụng hạt rơi trên đồng. Với người nông dân, tiếc là không bỏ phí, tức là dù mệt bã bời nhưng vẫn còn cố quét nhặt từng hạt rơi vãi kia. Ngày nay dù gạo xuất khẩu thứ nhì thế giới nhưng ở những cánh đồng làng vẫn không thiếu người mót lúa sót, người mót thóc rơi bằng cái chổi nan, cái khau hót và cái mẹt nhỏ. Bởi tuy không bị đói dạ dày nữa nhưng người nông dân vẫn bị đói tiêu đói sắm, cái đói trong tâm thức vẫn cứ thường trực, dằn vặt là thế. Cái đói ấy qua câu chữ Tân Quảng kết thúc bài thơ ám ảnh: Cả đời những ước cùng mong/ Chở thuyền vỏ trấu qua sông đói nghèo. Nghĩa là cái đói thực vẫn chưa hết, cái no ấm đủ đầy vẫn mong manh, vẫn xa vời đối với người nông dân hôm nay. Đói nghèo hình tượng hóa là con sông lớn, mà phương tiện vượt sông ấy chỉ là con thuyền “vỏ trấu” bé tẻo teo, mỏng manh, gió thổi khẽ cũng đã xô giạt đắm chìm, thử hỏi biết bao giờ mới qua nổi dòng sông kia.

Bài thơ nhỏ của Tân Quảng đã thành con thuyền lớn chở đằm thân phận người nông dân.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đến với thơ: Chuyện cắn trắt và nỗi lo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO