Đến với thơ: Những ngôi sao hình quang gánh

- Thứ Hai, 08/11/2010, 00:00 - Chia sẻ
Lâu nay người ta quá quen với các loại sao dành cho người nổi trội ở một lĩnh vực nào đó. Thời vua Lê Thánh Tông gọi 28 vị văn tài trong Hội Tao Đàn là 28 vì tinh tú. Thời chống Mỹ những anh hùng dũng sĩ đánh giặc cũng được gọi là những ngôi sao của mặt trận. Thời nay thì loạn sao, sao ca nhạc, sao bóng đá... Vậy mà nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai lại phát hiện ra một loại sao mới, hình quang gánh.

Những ngôi sao hình quang gánh

Họ gánh về cho tôi mùa ổi mùa xoài mùa mận
Mùa sen mùa cốm trên vai
Cả nắng ban mai cả hoàng hôn tím
Ngày đi rưng rưng đôi dép lê

Tôi mua được mùa ổi mùa sen bằng đồng bạc lẻ
Đồng bạc lặng lẽ
Thấm đẫm sương đêm thấm đẫm mồ hôi

Sau lưng họ đồng làng mồ côi hun hút gió
Vòng tay ngỏ
Lời ru con căng sữa

Họ gánh về cổng tôi bao mùa trinh nguyên, những mùa
tôi sẽ quên nếu thiếu họ
Hương nhãn Hưng Yên vừa vào mùa, sen Tây Hồ vừa nở,
cốm làng Vòng vừa trăn trở những hạt xanh
Họ gánh tặng tôi ngọn gió mát lành đồng quê
Nơi mẹ và con  và chồng họ đứng chờ
Nơi cơn mơ
Vùng vằng khát

Tôi văng vẳng nghe họ hát
“Khó thời đòn gánh đè vai 
Lần hồi nuôi mẹ mặc ai chê cười”

Những ngôi sao của tôi
Gánh trên vai mình hẩm hiu số phận
Vô danh giữa đời thường
Dẫu đôi lúc đặt vào mắt tôi bao tia nhìn mang hình dấu hỏi.

Trong cuộc sống thường nhật, những người làm nghề bán hàng rong suốt ngày kẽo kẹt gánh hàng trên vai đi rạc chân qua ngõ ngách xóm làng phố phường luôn là hình ảnh lam lũ hơn so với những người làm công ăn lương lên xe xuống ngựa. Nhất là ở thành phố. Mùa nào thức ấy. Hoa tươi quả chín. Người bán hàng rong gánh hoa quả ấy đúng là gánh cả mùa hoa mùa quả đến cho mọi người trong câu thơ tài hoa của nhà thơ: Họ gánh về cho tôi mùa ổi mùa xoài mùa mận/ Mùa sen mùa cốm trên vai. Nhưng người bán hàng rong phải đi sớm về khuya nên nhà thơ còn thấy họ gánh cả nắng ban mai cả hoàng hôn tím. Nhà thơ không thi vị hóa cái lam lũ đâu. Bởi ngay sau những câu thơ tài hoa tưởng là thi vị hóa ấy là những câu chữ mang sự đối lập. Người mua mua được cả mùa hoa tươi mùa quả ngọt chỉ bằng những đồng bạc lẻ không đáng kể. Người mua còn phải xót xa cho sự rẻ rúng ấy. Xót xa hơn nữa là những đồng bạc lẻ không đáng kể của người mua khi vào tay người bán thì lại rất đáng kể vì nó thấm đẫm sương đêm thấm đẫm mồ hôi bao ngày để làm nên mùa hoa mùa quả đem bán. Sự đối lập làm nổi bật cái tình của người mua biết ơn người bán - khi họ gánh hoa gánh quả đi bán là gánh hết cả sản phẩm đồng quê đi khiến cho đồng làng mồ côi hun hút gió. Còn con nhỏ của họ chịu cảnh khát thèm làm ra mà thiếu ăn khiến cho lời ru con căng sữa.

Người mua lại thấy hàm ơn người làm ra sản phẩm nuôi sống người. Tứ thơ có cơ hội để tiếp tục triển khai nhấn nhá đậm nét hơn. Người bán rong không chỉ gánh đến cho người mua những mùa hoa mùa quả mùa nắng mùa mưa mà cả những mùa ký ức quê kiểng, mùa hồn cốt dân tộc kết tinh thành văn hóa riêng của người Việt: Họ gánh về cổng tôi bao mùa trinh nguyên, những mùa tôi sẽ quên nếu thiếu họHọ gánh tặng tôi ngọn gió mát lành đồng quê. Với nhà thơ, người bán hàng rong bán thành quả lao động nhưng tặng những giá trị văn hóa thuần chất. Một lần nữa nhà thơ lại dùng thủ pháp đối lập để làm nổi bật cái thân phận người đi bán đi tặng những thứ tốt đẹp kia: Nơi cơn mơ/ Vùng vằng khát. Họ Gánh trên vai mình hẩm hiu số phận/ Vô danh giữa đời thường. Nhà thơ luôn in trong tâm khảm mình lời ca cuộc đời người bán hàng rong. Họ đúng là những ngôi sao của mọi người, ngôi sao hình quang gánh.

__________________

Nguyễn Phan Quế Mai là một trong tám gương mặt thơ trẻ đã in chung tập Thơ trẻ 360 độ. Trong số họ đã có người có thành tựu: Nguyễn Anh Vũ và Thụy Anh đoạt giải cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2008 - 2009. Năm 2010 Nguyễn Phan Quế Mai được Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội với tập thơ Cởi gió, rồi lại nhận giải nhất cuộc thi Thơ về Hà Nội 2008 - 2010, trong đó có bài thơ Những ngôi sao hình quang gánh này.

Phạm Thuận Thành