Đến Noỏng Ổn thăm khu di tích Bác Hồ

Kỳ Duyên 11/02/2010 00:00

Trong chuyến công tác tại thủ đô Vientiane, Lào cuối năm 2009, qua giới thiệu của cô Lan, một Việt Kiều sống tại trung tâm TP Udonthani, chúng tôi bắt ôtô sang tỉnh biên giới Thái Lan giáp Lào để thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi ghi dấu thời gian Bác từ châu Âu về hoạt động tại Đông Dương theo Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản.

Từ con đường chính dẫn vào khu di tích Bác Hồ chỉ khoảng 500m nhưng ngay khi rẽ vào, mọi ồn ã biến mất, thay vào đó là một không gian bình yên, giống như bất kỳ vùng quê nào của Việt Nam. Hai bên đường tre xanh trồng um tùm như muốn che cái nắng trưa oi ả của vùng quê Noỏng Ổn.

Theo lời giới thiệu của cô Lan, cách đây gần một thế kỷ, ông cô sang Thái Lan định cư, đến đời con cô đã trải qua bốn đời nhưng gia đình cô vẫn giữ truyền thống là ai cũng học và nói tiếng Việt. Cô Lan tâm sự, tiếng Việt nó như hồn phách, ngấm vào máu thịt, không thể nào quên được. “Hàng năm người Việt sinh sống ở Udonthani còn có truyền thống đến dâng hương và thăm di tích Bác tại Noỏng Ổn. Đó là cách để chúng tôi dạy dỗ con cháu luôn biết và nhớ về cội nguồn”.

Không chỉ những người ở lâu năm như gia đình cô Lan mà những người mới sang lập nghiệp, sinh sống bên đất Thái vài chục năm nay cũng có nếp chung như vậy. Chị Lâm Thị Bích, tiểu thương bán hàng tại khu chợ người Việt ở thành phố Udonthani có thói quen mỗi khi có người Việt Nam sang chơi dù bận bịu đến mấy cũng cho cậu con trai lái ôtô chở mọi người đến thăm khu di tích Noỏng Ổn. “Nó như một cách để cho con cháu tôi luôn nhớ về quê hương, và tự hào về đất nước Việt Nam có một lãnh tụ vĩ đại, cũng là có dịp để gia đình chúng tôi có cơ hội để nghe những người Việt kể về đất nước mình phát triển thế nào...”.

Hai gian nhà tranh đơn sơ, những dụng cụ nhà nông, đặc biệt, tấm ảnh Bác đang vẫy chào và cười hiền từ ở giữa gian chính khiến mọi người xúc động trước vị cha già dân tộc vĩ đại nhưng cốt cách bình dị. Phía sau ngôi nhà, khu vườn tăng gia, chuồng chăn nuôi và gốc xoài, cây bàng vẫn hiển hiện như trước đây Bác đã chăm sóc, vun trồng cách đây gần một thế kỷ.

Theo tư liệu lịch sử và qua lời kể của Việt kiều ở Udonthani, giữa năm 1928, nhận được Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản điều động về nhận công tác ở Đông Dương, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã từ giã nước Đức vào tháng 6 và đến Thái Lan vào tháng 7 với thẻ nhập cảnh mang tên Nguyễn Lai. Ở Thái Lan, Bác mang các tên Thầu Chín, ông Thọ, Nam Sơn. Sau một thời gian ngắn ở Phi Chịt, miền Trung Thái Lan, Bác đã chọn Udonthani, cách Bangkok khoảng 600km, làm nơi hoạt động, bởi lúc đó thị xã Udonthani rất nhỏ, dân cư thưa thớt, rừng rậm chiếm phần lớn với bạt ngàn gỗ quý vây bọc. Tại đây, Bác liên lạc với Việt kiều ở các tỉnh Nongkhai, Sakol, Nakhon-phanoom..., tập hợp họ lại để trò chuyện, kể cho họ nghe về tình hình phong trào cách mạng đang diễn ra trong nước và trên thế giới, phác họa tương lai cách mạng Việt Nam. Bác còn chủ trương viết tờ báo Thân ái cho anh em đọc. Rồi Bác chọn một số người có khả năng tiếp thu, dạy họ học tiếng Anh, sau đó điều đi xây dựng phong trào nơi khác, nhân rộng cách làm việc, nền nếp mà Bác đặt ra.

Cũng chính thời gian hoạt động tại Udonthani, với tấm lòng của một nhà cách mạng vô sản quốc tế, Bác còn tham gia gánh gạch xây chùa Vắt Phô, một ngôi chùa to đẹp và có danh tiếng nhất của tỉnh Udonthani. Theo các nhà nghiên cứu Thái Lan, “cụ trụ trì chùa còn mời ông Nguyễn tham gia chỉ đạo xây dựng chính điện ngôi chùa”...

Mặc dù thời gian hoạt động của Bác ở Udonthani không dài, nhưng hình ảnh của Người mãi khắc sâu trong tâm khảm các thế hệ người Việt ở Thái Lan. Với tình cảm yêu kính vị Cha già dân tộc, năm 2003, bà con Việt kiều đã đóng góp tiền của, dựng lại Khu di tích Bác Hồ tại Noỏng Ổn. Trên nền nhà cũ của Trại Cưa, ngôi nhà chính, nhà chứa thóc, cùng những đồ dùng mộc mạc (giường ngủ, bàn ghế, chum vại đựng nước...), chuồng trại chăn nuôi gia cầm... được dựng lại bằng gỗ, tre, nứa giống như thời gian Bác hoạt động tại đây.

Quần thể khu di tích Bác Hồ giờ đây ngoài sự bình dị của những căn nhà tranh, trang nghiêm hơn vì bên cạnh đó có hẳn một khu trưng bày tưởng niệm về Bác. Điều đó thể hiện sự thành kính của Việt kiều tại Thái Lan, sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh của chính quyền và người dân Thái Lan ở Noỏng Ổn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đến Noỏng Ổn thăm khu di tích Bác Hồ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO