Đêm đầy sao của Van Gogh

Trang Thanh Hiền 21/07/2014 08:31

Trong hàng loạt tác phẩm được biết đến của Van Gogh, Đêm đầy sao (Starry Night) tâm trạng nhất. Tuy nhiên, nó đem đến cảm xúc lãng mạn nhiều hơn là cảm giác đau ốm của danh họa giai đoạn ông sống ở nhà thương điên trong tu viện Saint Rémy vùng Arles, miền Nam nước Pháp.

Khung cảnh bên ngoài cửa sổ phòng bệnh của ông ở nhà thương điên Saint-Paul-de-Mausole như hiện ra huyền ảo. Cây hoàng đàn vút lên như hình ngọn lửa xanh thẫm đâm toạc nền trời. Trên ngọn cây, ánh sáng của những vì sao treo trên đó như vần vũ. Vầng trăng phía bên góc phải của tranh như tạo nên chủ thể của vũ điệu xoáy vặn theo các chiều khác nhau đó. Màu lam và vàng như rực lên hòa quyện lại chiếu rọi xuống những mái nhà san sát vùng nông thôn.

Đêm đầy sao, sơn dầu của Van Gogh, vẽ năm 1889, kích thước 74 x 92cm, đang lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York
 Đêm đầy sao, sơn dầu của Van Gogh, vẽ năm 1889, kích thước 74 x 92cm, đang lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York
Được vẽ năm 1889, giai đoạn đỉnh cao trong các sáng tạo của Van Gogh vẽ giữa những lần lên cơn, Đêm đầy sao có thể xem là một trong những tác phẩm chứa đựng nhiều nhất cảm hứng và sự nung nấu với hội họa. Trong thư gửi Emile Bernard năm 1888, ông đã bộc lộ ý định muốn vẽ một bầu trời về đêm và hỏi rằng liệu có thể vẽ được điều đó như các họa sỹ trường phái Ấn tượng hay không. Sau đó ông vẽ Đêm đầy sao trên sông Rhone nhưng hầu như chưa thỏa mãn nguyện ý, nên một năm sau ông vẽ Đêm đầy sao. Không còn mặt nước để mô tả hỗ trợ cho sự lung linh của các vì sao, vậy nên những tinh tú trở thành chủ thể trung tâm. Và điều thú vị là chính ý muốn của Van Gogh mô tả các vì sao đó theo lối của các họa sỹ Ấn tượng sao cho chúng hòa sắc với nhau trên nền trời, nên vô hình trung các hào quang diễn tả “vụng về” đó đã trở thành điểm nhấn cuồng dại cho vũ điệu bầu trời. Chúng đồng thời thể hiện tâm trạng và hy vọng.

Việc diễn tả các vì sao vào những năm cuối đời đẹp một cách rực rỡ như vậy được nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật cho là sự dự báo. Nó phản ánh niềm tin tôn giáo trong ông, khi bệnh tật mỗi ngày thêm nặng, hủy hoại tinh thần. Điều mà ông từng nói đến trong nhiều bức thư với em trai mình, Theodore. Trong sách Sáng thế ký có nói về các tinh tú: Thông qua mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, chúng ta cũng có thể xác nhận được sự tồn tại của Đức Chúa Trời Mẹ. Rồi trong giấc mơ của thánh Joseph: Này mặt trời, mặt trăng, và mười một ngôi sao đều sấp mình xuống trước mặt tôi. Đến tranh Van Gogh, mười một vì tinh tú đó như thể hiện ra. Giấc mơ về sự nâng đỡ linh hồn ông, mà Đức Chúa Trời Mẹ chính là vầng trăng vàng rực bên phía phải của tranh.

Điểm đặc biệt cuối cùng của Đêm đầy sao chính là cây hoàng đàn. Không ít người cho rằng cây này là sự hư cấu của Van Gogh thêm vào bức tranh chứ trên thực tế phong cảnh ngoài phòng bệnh ở Saint Paul không có. Vậy nó ăn nhập gì với bầu trời vần vũ các vì sao như câu chuyện Sáng thế đã hiện bày? Xét về mặt bố cục, chính cây hoàng đàn đã tạo nên sự cân bằng đẹp mắt giữa cái sáng rực rỡ của bầu trời và nét trầm buồn của những đường nét đơn điệu ở các mái nhà. Nó tạo nên kết cấu dọc cho một bức tranh ngang ăn nhịp với sự vút lên của nóc nhà thờ phía xa. Nhưng quan trọng hơn hết, người ta đã ví cái cây này với linh hồn của họa sỹ. Trong thế vươn mạnh mẽ u uất với màu lục sẫm, ngọn cây đã chạm đến các vì sao để đón lấy ánh sáng của hy vọng, dẫu mong manh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đêm đầy sao của Van Gogh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO