Đề xuất xây dựng luật về tiếng Việt

- Thứ Sáu, 15/10/2021, 13:06 - Chia sẻ
Sáng 15.10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ “Đề xuất chính sách xây dựng Luật về tiếng Việt – Lý luận và thực tiễn” đã tổ chức hội thảo "Thực trạng sử dụng tiếng Việt và những đề xuất chính sách đối với Luật về tiếng Việt”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Chủ nhiệm Đề tài Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Chủ nhiệm Đề tài Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì Hội thảo.

Trước thực trạng ngôn ngữ (cụ thể là tiếng Việt) đang có nhiều biểu hiện lộn xộn, lệch lạc, làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt, dư luận xã hội, báo chí đã có nhiều ý kiến đề nghị ban hành luật về tiếng Việt để có căn cứ định hướng, uốn nắn và giám sát các hoạt động ngôn ngữ trong các hoạt động giao tiếp (nói và viết), khẳng định vị trí và vai trò của tiếng Việt (trong cả lĩnh vực đối nội và đối ngoại). Tại hội thảo, nhiều chuyên gia thống nhất đề xuất này vì Hiến pháp năm 2013 đã công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia nên cần có luật về tiếng Việt để làm cho tiếng Việt chuẩn mực và hiện đại, đáp ứng vai trò của ngôn ngữ quốc gia. 

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng lưu ý, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ, (54 dân tộc/ngôn ngữ khác nhau, trong đó, dân tộc Kinh/tiếng Việt là dân tộc/ngôn ngữ đa số, 53 dân tộc/ngôn ngữ còn lại là các dân tộc/ngôn ngữ thiểu số). Đối với các quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ, ở cấp độ quản lý nhà nước, mối quan hệ giữa các dân tộc nói chung và mối quan hệ giữa các ngôn ngữ nói riêng luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Thực tiễn cho thấy, các ứng xử của nhà nước đối với các mối quan hệ này cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, hầu hết các quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ, ở mức độ khác nhau, khi xử lý mối quan hệ giữa các dân tộc, các ngôn ngữ đều cố gắng xây dựng những chính sách riêng về dân tộc và ngôn ngữ. Các ý kiến này cũng nêu thực tế ở nước ta những năm gần đây, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số do nhiều nguyên nhân đang có xu hướng bị thu hẹp, thậm chí, chỉ còn được sử dụng trong phạm vi gia đình, cộng đồng nhỏ. Do đó, các chuyên gia kiến nghị, trước khi ban hành luật về tiếng Việt thì cần ban hành luật về ngôn ngữ. Đây sẽ là bộ luật chung cho mọi ngôn ngữ đang có tại Việt Nam. Nội dung luật về ngôn ngữ sẽ rộng, đa dạng và phức tạp hơn nhiều so với luật về tiếng Việt bởi liên quan đến chính sách ngôn ngữ và quyền cơ bản liên quan tới ngôn ngữ nói chung. 

Đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Các ý kiến đề xuất xây dựng luật về ngôn ngữ nói chung cũng lưu ý rằng, ở các quốc gia khác nhau, chính sách dân tộc nói chung, chính sách ngôn ngữ nói riêng không giống nhau, thậm chí, ngay trong cùng một quốc gia thì mỗi giai đoạn khác nhau, chính sách dân tộc, chính sách ngôn ngữ cũng có thể khác nhau. Vì vậy, nếu xây dựng một đạo luật về ngôn ngữ nói chung của nước ta thì cần quan tâm một số vấn đề chủ yếu như: phải thể hiện sự tôn trọng và quyền bình đẳng đối với mọi ngôn ngữ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Nhà nước có trách nhiệm bảo tồn, phát triển sự đa dạng ngôn ngữ các dân tộc; luật hóa vai trò ngôn ngữ quốc gia của tiếng Việt được sử dụng chính thức trong giao tiếp và trong mọi văn bản hành chính nhà nước, trong hệ thống giáo dục, trong sách, báo chí, truyền thông, quảng cáo, văn học nghệ thuật...; chế định rõ trách nhiệm và quyền lợi của mọi công dân trong việc thực thi luật về ngôn ngữ... 

Các ý kiến tại hội thảo sẽ được Ban tổ chức và Ban chủ nhiệm đề tài tổng hợp, tiếp thu trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện đề tài.

Hồ Long