Đề xuất Trung tâm y tế huyện nên trực thuộc Sở Y tế
Mô hình trung tâm y tế huyện đang được tổ chức thiếu thống nhất trên cả nước. Có nơi, trung tâm y tế huyện trực thuộc Sở Y tế, có nơi lại trực thuộc UBND huyện. Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đề xuất, trung tâm y tế huyện nên trực thuộc Sở Y tế để giải quyết bài toán chỉ đạo chuyên môn theo ngành dọc, tiết kiệm nguồn nhân lực và đầu tư, đồng thời bảo đảm khi có dịch bệnh xảy ra, việc điều tiết nguồn lực rất thuận lợi.
Huy động nguồn lực phòng, chống dịch theo hướng tiết kiệm, hiệu quả
Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, Yên Bái tự hào là địa phương duy nhất giữ được "vùng xanh" đến ngày 27.11.2021, tức là sau khi có Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, ngày 11.10.2021, ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tỉnh mới có ca lây nhiễm đầu tiên.

Với một tỉnh có 80km đường cao tốc, nhiều đường ngang, lối mở, nhưng mọi người dân đến và đi khỏi địa bàn, Yên Bái đều kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp không phải đóng cửa, ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Học sinh không phải học trực tuyến. Trong khi cả nước phải thực hiện khai giảng theo hình thức trực tuyến, thì Yên Bái vẫn tổ chức khai giảng theo hình thức trực tiếp. Chính vì làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nên việc huy động nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch của tỉnh khá khiêm tốn, tiết kiệm và hiệu quả.
Trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh, ông Đỗ Đức Duy cũng cho biết, tỉnh đã huy động hơn 400 tỷ đồng dành cho công tác phòng, chống dịch; trong đó hỗ trợ 40% cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như người nghèo, người có công. Chi trực tiếp cho điều trị là 22,56 tỷ đồng, chiếm 5,19%; chi mua thuốc vật tư hóa chất, kit test là 117 tỷ đồng, chiếm 27%; chi cho cán bộ tham gia phòng, chống dịch khoảng 60 tỷ đồng, chiếm 13,74%.
Yên Bái cũng không phải nhận sự hỗ trợ nhân lực của Trung ương trong phòng, chống dịch, thậm chí, tỉnh còn cử được 8 - 9 Đoàn công tác đi hỗ trợ các địa phương khó khăn trong phòng, chống dịch, như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Đoàn giám sát băn khoăn về nguồn lực huy động xã hội hóa của Yên Bái cho phòng, chống dịch rất ít, chủ yếu từ ngân sách nhà nước? Trả lời câu hỏi này, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nêu rõ, bởi Yên Bái không có dịch bệnh trong bối cảnh cao điểm, nên các doanh nghiệp ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương khác.
Liên quan đến ý kiến tại sao hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn Yên Bái thấp, thì câu trả lời là vì doanh nghiệp trên địa bàn vẫn hoạt động bình thường, không bị "đóng băng" sản xuất, kinh doanh, nên gần như doanh nghiệp và người lao động đều không cần hỗ trợ.
Vướng mắc của Yên Bái trong huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch, đó là, theo quy định của Chính phủ, quỹ vaccine của MTTQ các cấp có nghĩa vụ đóng góp về Trung ương theo nguồn lực huy động được. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn Yên Bái lại muốn ủng hộ, hỗ trợ riêng cho địa phương, chứ không muốn chuyển về Trung ương. Quỹ vaccine ở Trung ương, các doanh nghiệp này đã có hỗ trợ riêng theo kênh huy động khác. Hiện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có văn bản ủng hộ các địa phương như Yên Bái kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước, không chuyển số vaccine này về Trung ương, vì không đúng với mong muốn của doanh nghiệp hỗ trợ.
Tổ chức mô hình y tế cơ sở phù hợp với điều kiện của các địa phương
Đối với thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, vướng mắc hiện nay theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, là mô hình tổ chức của y tế cơ sở chưa thống nhất trên toàn quốc. Đơn cử như thực hiện mô hình trung tâm y tế đa chức năng, hay đơn chức năng? Trung tâm y tế huyện nên thuộc UBND huyện hay Sở Y tế? Riêng Yên Bái đang thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực thuộc Sở Y tế, trạm y tế xã trực thuộc trung tâm y tế huyện.
Bên cạnh đó, Yên Bái cũng gặp khó khăn chung như các địa phương khác là, chính sách dành cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn nhiều bất cập. Ví dụ, giá ban hành từ năm 2014 đến nay không còn phù hợp; hay chính sách dành cho cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa thỏa đáng; nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn thấp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861 phê duyệt danh mục các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 612 phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Các Quyết định này đã "đột ngột" cắt bảo hiểm y tế của các xã nghèo, cận nghèo khi xã về đích nông thôn mới. Đây là “cú sốc” về mặt chính sách. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, và Yên Bái buộc phải linh hoạt dùng chính sách của địa phương để hỗ trợ kịp thời cho bà con.
Mặt khác, qua giám sát cũng cho thấy, những vấn đề liên quan đến định mức, khung giá, giá trần của y tế cơ sở, y tế dự phòng đều đang chờ hướng dẫn của Trung ương.
Vì thế, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái kiến nghị, Nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế. Bộ Y tế cần sớm phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, đánh giá và hướng dẫn thống nhất về mô hình tổ chức của y tế cơ sở, y tế dự phòng phù hợp với điều kiện của các địa phương, các vùng, miền.
Nêu dẫn chứng tại Yên Bái, mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng, có "cánh tay" nối dài là trạm y tế xã đang rất phù hợp, và mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng cũng đang thực hiện cơ chế tự chủ, song Yên Bái mong muốn, chỉ thực hiện tự chủ đối với chi thường xuyên và quản lý tài chính; thực hiện áp dụng cơ chế đặt hàng, có thể là Nhà nước đặt hàng hoặc xã hội đặt hàng thông qua người bệnh chi trả, để huy động thêm nguồn lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đồng thời, tổ chức mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng còn cho phép áp dụng cơ chế chi tiêu nội bộ, tức là điều tiết giảm doanh thu của khu vực điều trị để bổ sung cho y tế dự phòng. Nếu tách điều trị riêng và dự phòng riêng thì không thể điều tiết được doanh thu.
Với câu hỏi Đoàn giám sát nêu về việc Trung tâm y tế huyện nên trực thuộc Sở Y tế hay UBND cấp huyện, từ thực tiễn ở địa phương, theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, trung tâm y tế huyện cũng nên trực thuộc Sở Y tế, vì y tế là ngành có yêu cầu chỉ đạo chuyên môn sâu theo ngành dọc. Trung tâm y tế huyện trực thuộc UBND cấp huyện, thì đầu tư nguồn lực và con người đều tốn kém, khó khăn. Đơn cử như trong phòng, chống dịch Covid-19, trung tâm y tế huyện trực thuộc Sở Y tế, khi mua vật tư, hóa chất dự phòng, thì chỉ cần dự phòng một phần (vì ngành y tế đã dự phòng chung cho toàn tỉnh). Nếu trực thuộc UBND cấp huyện, trung tâm y tế huyện nào cũng phải dự phòng, có nơi dự phòng không dùng đến, có nơi thiếu và việc điều tiết giữa các đơn vị cũng gặp khó vì thuộc địa bàn khác nhau. Trung tâm y tế huyện trực thuộc Sở Y tế sẽ giải quyết bài toán chỉ đạo chuyên môn theo ngành dọc, tiết kiệm nguồn nhân lực và đầu tư, bảo đảm khi có dịch bệnh xảy ra, việc điều tiết nguồn lực rất thuận lợi.