Đề xuất tăng gấp đôi mức phạt trong lĩnh vực thực phẩm
Nhằm quản lý thực phẩm giả, kém chất lượng, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết đang nghiên cứu tăng mức xử phạt gấp hai lần với vi phạm quy định về tự công bố, đăng ký bản công bố hay sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
Trong bối cảnh an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề nhức nhối, thực phẩm chức năng kém chất lượng, sữa giả được bán trên các nền tảng mạng xã hội.
Thậm chí một số thực phẩm không có nhãn mác, xuất xứ được bày bán tràn lan trước các cổng trường học gây ảnh hưởng đến sức khỏe đối với người dân, trẻ nhỏ.
Cử tri thành phố Huế đã gửi kiến nghị về công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm với những chồng chéo, vướng mắc khiến tình trạng vẫn kéo dài dai dẳng. Do đó, cử tri đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu có giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý.
Trả lời kiến nghị trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết Bộ đang tham mưu và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018 để giải quyết các vấn đề cấp bách.
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 115/2018 và Nghị định số 124/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP).
Trong đó, Bộ Y tế đề xuất tăng mức chế tài xử phạt từ 1,2 đến 2 lần với các hành vi vi phạm quy định về tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất cấm, hóa chất ngoài danh mục cho phép; vi phạm điều kiện đảm bảo ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống và vi phạm quy định về quảng cáo.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang nghiên cứu, đề xuất tăng mức tiền phạt, buộc tạm ngừng hoạt động quảng cáo có thời hạn đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng và công bố rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo, răn đe.
Bộ cũng yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới chặn gỡ nội dung, khóa tài khoản vi phạm và triển khai giải pháp công nghệ để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đồng phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để xử lý vi phạm hành chính về quảng cáo thực phẩm, sữa đối với nhiều cá nhân nổi tiếng.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được Bộ Công an đề xuất nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh liên quan đến ATTP để tăng tính răn đe.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin thêm tới cử tri, từ năm 2020 đến tháng 5/2025, ngành y tế đã kiểm tra hơn 1,9 triệu cơ sở và xử lý trên 50.000 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 247 tỷ đồng.
Tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP và sửa đổi bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố mà không thực hiện, hoặc tự công bố, đăng ký công bố không đúng quy định.
Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ: Phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đối với cá nhân hoặc từ 60 triệu đến 80 triệu đối với tổ chức; hoặc có thể bị phạt từ 1 đến 2 lần giá trị sản phẩm vi phạm trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.