Đề xuất tách biệt trách nhiệm của chủ quản nền tảng công nghệ số trung gian trong giao dịch dịch vụ vận tải

Văn Anh 02/12/2023 07:18

Góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho rằng, một số nội dung được quy định đồng thời trong dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ như việc vận chuyển hành khách bằng xe ô tô, vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển hành khách áp dụng trong cả 2 luật dẫn đến khó theo dõi và khó thực hiện. 

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương, tại kỳ họp tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hai Luật này, đặc biệt là Luật Giao dịch điện tử, đã đưa ra quy định về nền tảng số trung gian. Đây là một loại nền tảng số mà chủ quản nền tảng số độc lập với các bên thực hiện giao dịch. Quy định này cho thấy sự tách biệt rõ rệt giữa các chủ thể khác nhau trong một giao dịch thương mại điện tử diễn ra trên môi trường mạng: chủ quản nền tảng số trung gian, người cung cấp hàng hóa/dịch vụ và khách hàng.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 71 Dự thảo Luật đường bộ về quản lý dịch vụ vận tải hành khách, hàng hoá bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự thông qua phần mềm/ nền tảng số kết nối với hành khách đang có sự nhầm lẫn giữa các chủ thể trong giao dịch dịch vụ vận tải. Việc cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe hai, ba bánh qua phần mềm trung gian kết nối có ba chủ thể khác nhau: doanh nghiệp cung cấp ứng dụng công nghệ số kết nối, tài xế xe 2, 3 bánh (xe ôm) và hành khách. Tài xế xe 2, 3 bánh trực tiếp vận chuyển hành khách, còn doanh nghiệp cung cấp ứng dụng công nghệ số kết nối chỉ chuyển yêu cầu vận chuyển của hành khách tới tài xế. “Vai trò của từng chủ thể trong giao dịch, cũng như nghĩa vụ tương ứng, hoàn toàn khác biệt”, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cũng cho rằng, trong khi chủ thể chịu sự điều chỉnh bởi quy định tại khoản 2 Điều 71 là “Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự thông qua phần mềm kết nối với hành khách”, nghĩa là các tài xế xe ôm, những yêu cầu nêu ra tại điểm a - h khoản 2 lại chỉ có thể được áp dụng với chủ quản nền tảng số trung gian.

Ví dụ, các tài xế xe ôm không thể nào ghi nhận yêu cầu vận tải của khách hàng và chuyển yêu cầu vận tải đến người lái xe. Chỉ có nền tảng công nghệ số, với bản chất trung gian của mình, mới có thể ghi nhận yêu cầu của một chủ thể trong giao dịch là hành khách và chuyển yêu cầu đó tới một chủ thể khác.

Điều này cũng giống như với nền tảng công nghệ số kết nối giữa tài xế xe 4 bánh (taxi công nghệ) với khách hàng quy định tại khoản 6 Điều 61, khi dự thảo Luật đang sử dụng hai tiêu chí “điều hành phương tiện, lái xe” và “quyết định giá cước vận tải” để xác định doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Theo quy định này, tất cả mọi doanh nghiệp cung cấp phần mềm, ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải như Grab, Bee, Gojek… sẽ bị coi là doanh nghiệp vận tải và sẽ phải đáp ứng những điều kiện kinh doanh đối với kinh doanh vận tải.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh Điều 71 để đảm bảo rằng những nghĩa vụ được nêu tại điều này là phù hợp với đối tượng chịu sự điều chỉnh. “Điều 71 chỉ nên quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các đối tượng trực tiếp thực hiện vận chuyển hành khách. Còn trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ quản nền tảng công nghệ số trung gian có thể được đưa vào một điều khác phù hợp hơn trong dự thảo Luật”, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương kiến nghị.

Cơ bản đồng tình với việc ban hành dự thảo Luật Đường bộ (sửa đổi) trên cơ sở có sự kế thừa của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, song ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) còn băn khoăn về kinh doanh vận tải bằng ô tô từ khoản 5 đến khoản 14 Điều 61 của dự thảo Luật.

Dự thảo nêu rõ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải, trực tiếp điều hành phương tiện lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trong nước, quốc tế. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe bus, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Tương ứng với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách, dự thảo mô tả cụ thể từng hoạt động kinh doanh, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Như vậy, đại biểu Thạch Phước Bình nhận thấy, dự thảo Luật vẫn chưa đề cập rõ ràng đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ. Đây được xem là loại hình kinh doanh mang tính chất đặc thù ngoài các loại hình kinh doanh đã được quy định như trong dự thảo Luật, để tạo cơ sở pháp lý trong luật nhằm điều chỉnh loại hình kinh doanh vận tải này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề xuất tách biệt trách nhiệm của chủ quản nền tảng công nghệ số trung gian trong giao dịch dịch vụ vận tải
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO