Phát huy vai trò của trí thức trong hoàn thiện thể chế
Sáng 17.9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Một số ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam gửi tới Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV”.
Theo TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, việc lấy ý kiến, phản ánh, kiến nghị của nhân dân trước mỗi kỳ họp Quốc hội là một nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó VUSTA là thành viên, đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ với số lượng lên đến 2,2 triệu trí thức, chiếm tới 32,5% đội ngũ trí thức của cả nước.
Ngày 26.8.2024, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Công văn số 8830/MTTW-BTT về việc báo cáo phản ánh, kiến nghị của nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, gửi VUSTA. Trên cơ sở đó, VUSTA tổ chức lấy ý kiến các trí thức khoa học và công nghệ để chuẩn bị cho kỳ họp tới.
“Đây là một trong những kênh quan trọng để đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia đóng góp thêm cơ sở, luận cứ, góp phần hoàn thiện thể chế, giám sát, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật, để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước”, TSKH. Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Thực tế thời gian qua cho thấy, thông qua VUSTA và các tổ chức trực thuộc, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đã có nhiều ý kiến tư vấn, phản biện chính sách, đóng góp vào việc hoàn thiện thể chế chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy vậy, theo Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam Phạm Văn Sơn, vẫn có tình trạng ý kiến góp ý, phản biện gửi đi song lại rơi vào im lặng, không được phản hồi. Do đó, ông Sơn mong muốn, cần có quy trình để bảo đảm khi đã có phản biện thì phải có tiếp thu, giải trình từ phía cơ quan quản lý nhà nước, để ý kiến của các nhà khoa học không bị loại bỏ trong quá trình góp ý vào các bản dự thảo, đặc biệt là dự thảo luật trình lên Quốc hội.
Đồng tình, ông Nguyễn Quốc Dũng dẫn thực tế, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam đã từng góp ý vào các dự thảo cấp nghị định và thông tư. Mặc dù thời gian lấy ý kiến vẫn còn theo công văn mời đóng góp ý kiến song lại nhận được phản hồi là văn bản đó đã được Bộ Tư pháp thông qua. Nhìn rộng ra với cả các dự thảo luật, ông cho rằng, cần bảo đảm thực thi đúng trách nhiệm giải trình với các ý kiến tư vấn phản biện, trong đó có ý kiến của các trí thức khoa học công nghệ.
Cần đánh giá về tác động của bão số 3
Cũng tại hội thảo, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đề xuất là Quốc hội cần có đánh giá tổng thể về tác động của cơn bão số 3 (bão Yagi) đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội cũng như bài học kinh nghiệm cần rút ra.
TS. Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA lưu ý, bão số 3 gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh phía Bắc. Dù chưa có thống kê đầy đủ song chắc chắn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng không chỉ trong năm nay. Do đó, tại kỳ họp tới, Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ phải có thống kê thiệt hại cụ thể, rõ ràng; có đánh giá tổng thể, khách quan, đưa ra dự báo về sức ảnh hưởng của cơn bão tới sự phát triển đất nước trong năm 2024 - 2025, trên cơ sở đó xây dựng định hướng và mục tiêu phù hợp.
GS. Nguyễn Quốc Dũng bổ sung, nhìn từ việc ứng phó với bão số 3, Quốc hội cần xem xét để sớm xây dựng luật về tình trạng khẩn cấp; thậm chí là thành lập Bộ Tình trạng khẩn cấp, để có cơ chế ứng phó kịp thời, hiệu quả với những diễn biến bất thường, khẩn cấp trong thời gian tới. Hiện, nhiều nước như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… đều đã thành lập cơ quan này.
Cùng với đó, ông Dũng cho rằng, từ thực tế mưa lũ vừa qua, Quốc hội cần có đề án rà soát lại sông Hồng để có đánh giá toàn diện cho công tác phòng chống lũ lụt, đề xuất được giải pháp trong thời gian tới; đã đến lúc chúng ta không thể chủ quan với sông Hồng!
Chia sẻ với ý kiến trên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng Phạm Hữu Thư cho biết, thống kê sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thiệt hại do bão số 3 gây ra lên tới 40.000 tỷ đồng, khiến GDP cả năm nay có thể giảm 0,15%. Đây vẫn chưa phải là con số thống kê cuối cùng. Do vậy, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội cần làm rõ con số thiệt hại này, đồng thời cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong thời gian tới.
Đặc biệt, theo ông Thư, việc lập ra một cơ quan như Bộ Tình trạng khẩn cấp là điều cần được xem xét, để chúng ta có thể chủ động ứng phó từ sớm, từ xa, tính toán được thiệt hại do thiên tai, tình trạng khẩn cấp gây ra.