Tham gia ý kiến thảo luận tại Tổ 3, đại biểu Thái Thị An Chung cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật PCCC và CNCH nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về PCCC và CNCH; luật hóa những quy định hiện hành và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động cứu nạn, cứu hộ… Đồng thời, việc ban hành luật nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập đang tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, quan tâm đến phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ cháy, nhất là liên quan đến nhà ở kết hợp kinh doanh và để lại thiệt hại lớn… “Nhiều công trình nhà ở kết hợp với dịch vụ khi chuyển đổi công năng đã không bảo đảm yêu cầu PCCC. Vấn đề khắc phục được an toàn PCCC còn nhiều khó khăn, thậm chí nhiều khách sạn, quán karaoke phải dừng hoạt động trong một thời gian dài vì liên quan đến vấn đề khắc phục phòng cháy chữa cháy …”, đại biểu trăn trở.
Đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, việc luật hóa trong dự thảo luật chưa đủ mạnh để PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh khi chỉ đề xuất quy định điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy như với nhà ở và bổ sung thêm yêu cầu “phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh”.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu xây dựng một điều riêng quy định điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với kinh doanh; trong đó cần quy định rõ khu dân cư, loại nhà ở được kết hợp kinh doanh; dịch vụ nào được phép kết hợp kinh doanh trong nhà ở…
Đồng thời, đề nghị nên cân nhắc quy định “cháy tại thôn, tổ dân phố thì trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là người chỉ huy chữa cháy… “Vì tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn cơ bản là người lớn tuổi, hoạt động không chuyên trách; thôn, tổ dân phố cũng không phải cấp chính quyền. Do vậy, đặt trách nhiệm cho trưởng thôn, tổ dân phố sẽ không bảo đảm và chưa hợp lý”, đại biểu lý giải.
Đối với quy định “hộ gia đình trong phạm vi khả năng, điều kiện tự trang bị phương tiện PCCC và CNCH”, đại biểu đề nghị cần luật hóa cụ thể để tối thiểu mỗi gia đình có một thiết bị căn bản về PCCC, qua đó mỗi người dân và gia đình có ý thức hơn trong công tác phòng cháy.