Cần phân tích dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá cả thị trường
Theo số liệu vừa được công bố, tình hình kinh tế vĩ mô đang ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả; 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, CPI bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%.
Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Quốc hội nêu rõ 12 chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tốc độ tăng chỉ số tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4%, năm 2022 là dưới 4%.
Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, người dân và doanh nghiệp rất lo lắng khi giá một số ngành hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là xăng dầu kéo theo giá nguyên vật liệu đầu vào, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giá lương thực, thực phẩm tăng cao đã tác động lớn đến đời sống người dân và doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 chưa qua.
Trước bối cảnh xung đột Nga – Ucraina, chính sách zero Covid và chỉ số CPI của nhiều nước đang có xu hướng tăng cao, đề nghị Chính phủ cần phân tích dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá cả thị trường để có cơ sở và giải pháp phù hợp, kiềm chế giá cả tăng cao đối với các mặt hàng này.
Xây dựng chương trình quảng bá du lịch chuyên nghiệp
Về phát triển du lịch, tháng 1.2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch. Đây là nghị quyết có ý nghĩa quan trọng cho du lịch Việt Nam, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế (năm 2015: 6,3%, 2016: 6,9%, 2017: 7,9%, 2018: 8,3%, 2019: 9,2%) với 18 triệu khách quốc tế. Khách du lịch chiếm 80% lượng khách quốc tế đến và đi Việt Nam bằng đường hàng không.
Ngành du lịch và hàng không là 2 ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Mọi hoạt động của 2 ngành này gần như đóng băng từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đến chuỗi cung ứng các dịch vụ… Sau thời gian tạm dừng do Covid-19, có tới 2,5 triệu lao động trong đó có 800.000 lao động trực tiếp của 2 ngành này bị mất việc làm.
Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế năm 2022. Tuy nhiên, hết 4 tháng đầu năm, chúng ta mới đón được 102 nghìn khách, con số rất khiêm tốn so với 5 triệu. Để ngành du lịch gắn với hàng không có thể tận dụng được cơ hội vàng, phục hồi và bứt phá sau đại dịch, đóng góp nhiều hơn vào GDP năm 2022, đại biểu đề xuất một số giải pháp.
Một là, nhóm giải pháp liên quan đến miễn thị thực. Xu hướng hiện nay của khách du lịch là chọn những điểm đến có độ mở cao về visa. Quốc gia nào đáp ứng được vấn đề này sẽ có cơ hội thu hút khách quốc tế nhiều nhất.Hiện tại, Việt Nam mới miễn thị thực cho 13 nước ngoài khu vực ASEAN, trong khi Thái Lan miễn cho 65 nước, miễn tới 60 ngày cho nhiều lần nhập cảnh. Indonesia miễn 30 ngày và có thể gia hạn thêm trước khi hết hạn.
Khảo sát nhỏ tại 1 công ty lữ hành tại Bắc Ninh cho thấy, người nước ngoài muốn đến Việt Nam, khi xin thị thực điện tử e - visa, bắt buộc phải mua chương trình tour thông qua các công ty du lịch trong danh sách chỉ định. Khi công ty phát hành giấy bảo lãnh thì du khách mới xin được visa. Nhiều khi khách phải chờ visa điện tử rất lâu nhưng chưa chắc đã nhận được nên phải hủy vé. Với những bất cập như thế, du khách sẽ không chọn đến Việt Nam mà thay vào đó họ sẽ chọn đến các quốc gia thông thoáng hơn về visa.
Chính vì vậy, Việt Nam cần tăng cường mở cửa thông qua chính sách miễn thị thực. Nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 đến 30 ngày. Áp dụng thị thực xuất nhập cảnh nhiều lần. Giảm giấy tờ, thủ tục với doanh nghiệp lữ hành và du khách, đơn giản hóa trong cấp thị thực điện tử evisa và thị thực tại cửa khẩu.
Hai là, cần xây dựng chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài. Thời gian qua, một số địa chỉ du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm sinh thái cũng nổi lên nhờ các tính năng của facebook, zalo, youtube... Ví dụ: clip có thời lượng 60 giây quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số YouTube với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực” ra mắt đúng ngày 30 Tết vừa qua, chỉ trong hai tuần (từ ngày 11.2 đến 25.2), đã gần chạm mốc 1,1 triệu lượt xem.
Với giải pháp này, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Tổng cục du lịch đang triển khai. Ngày 11.5 vừa qua, Tổng cục Du lịch đã làm việc với đại diện TikTok Việt Nam triển khai kế hoạch hợp tác truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trong đó đề xuất phát triển các tài khoản TikTok của du lịch Việt Nam, triển khai chiến dịch HelloVietnam, khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung ngắn về cảnh sắc, văn hoá, ẩm thực và con người Việt Nam để chia sẻ trên nền tảng TikTok.
Theo ĐBQH Trần Thị Vân, đây là một hướng đi đúng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần xây dựng một chương trình quảng bá chuyên nghiệp, bằng việc áp dụng công nghệ và tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam. Ở bất kỳ đâu trên thế giới, chỉ cần gõ bàn phím là địa điểm, danh lam thắng cảnh Việt Nam thì liên hệ với công ty nào, thủ tục ra sao một cách thuận tiện và nhanh nhất, ĐBQH Trần Thị Vân nêu ý kiến.