Đề xuất kéo dài giải ngân nguồn vốn đầu tư đối với Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Diệp Anh ghi 25/10/2023 22:34

Thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, nhiều thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tán thành về những khó khăn, thách thức, hạn chế đã được Chính phủ nhận diện. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động; cho phép kéo dài giải ngân nguồn vốn đầu tư cho cả giai đoạn trung hạn đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, hỗ trợ cho các địa phương khó khăn trong dự toán thu NSNN năm 2024.

ĐBQH THÁI VĂN THÀNH: Tránh tình trạng lương chưa tăng hoặc chưa nhận được nhưng giá cả đã tăng

Thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu cho rằng, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả. 

Về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt Nghị quyết số 88 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển vùng đồng bào DTTS miền núi, đại biểu Thái Văn Thành cho rằng, cách làm và cơ chế cần khác so với miền xuôi. Nếu tách bạch ra, đầu tư tản mạn, không có tính hệ thống. Đơn cử, khi nói giảm nghèo bền vững hay xây dựng NTM, để đầu tư cho thiết chế văn hóa, các trường lớp ở miền núi khang trang, đồng bộ hiện đại thì chưa đáp ứng được... Hay như NTM, đường sá đi lại thuận tiện song đời sống của bà con dân tộc thay đổi không đáng kể; gần như các chính sách của bà con, học sinh được hưởng đều bị cắt nên gây khó khăn trong quá trình an sinh xã hội và ngành giáo dục thực hiện các nhiệm vụ chung chung… Do đó, nên chăng có lộ trình, trong vòng bao nhiêu năm, từng bước giảm đi sự đầu tư của Nhà nước cho học sinh đồng bào dân tộc, như vậy sẽ bảo đảm an sinh xã hội tốt hơn

Về cải cách tiền lương, đồng thuận cao với việc Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã xây dựng Đề án cải cách tiền lương. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn nhất là cách tiếp cận, phương pháp xác định đúng, chính xác vị trí việc làm… Do đó, quá trình xây dựng vị trí việc làm cần có tiêu chí bảo đảm khoa học, chặt chẽ để tránh vênh nhau giữa các ngành, bất cập, khó khăn khi thực hiện trong thực tiễn; làm sao để thông qua cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức toàn tâm, toàn ý cống hiến cho nghề… “Ví dụ trong ngành giáo dục, nói lương giáo viên cao, có phụ cấp, thâm niên. Song, nếu thử tính tổng thu nhập của giáo viên so ngành khác, trung bình 20 năm công tác thì chỉ 8-9 triệu đồng/tháng, rất ít người 11-12 triệu đồng/ tháng, nhưng các ngành khác có thể lương đến 20-30 triệu đồng/ tháng… Bên cạnh đó, hiện ở TP lớn, giáo viên bỏ nghề hoặc giáo viên bán hàng online, làm thêm…”, đại biểu dẫn chứng.

Tham gia ý kiến tại tổ, đại biểu Thái Văn Thành cũng chuyển tải mong muốn cũng là hiến kế của cử tri về việc thực hiện Đề án, lộ trình tăng lương do Quốc hội quyết định, Chính phủ thực hiện nhưng mốc thời gian không nên công bố sớm; một khi đã công bố là thực hiện ngay để tránh tình trạng lương chưa tăng hoặc chưa nhận được lương nhưng giá cả đã tăng.

ĐBQH VI VĂN SƠN: Cho phép kéo dài giải ngân nguồn vốn đầu tư cho cả giai đoạn trung hạn

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 có 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp… Đây là chính sách mới, tích hợp nhiều chính sách trước đây cộng lại. Do đó, việc thực hiện sẽ có những khó khăn, vướng mắc đã được dự báo trước.

Đây là chương trình mục tiêu quốc gia mới lần đầu triển khai nên khó thực hiện, do đó đại biểu đề nghị cho phép kéo dài giải ngân nguồn vốn đầu tư cho cả giai đoạn trung hạn… “Sang năm không phải nhắc lại vấn đề này vì dự đoán chương trình khó có thể giải ngân hết, đặc biệt vốn sự nghiệp; một số nguồn đầu tư giao vốn xong thực hiện nhưng toàn các công trình khởi công mới; một số công trình khó khăn về kỹ thuật…”, đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Vi Văn Sơn đề nghị nghiên cứu để có chính sách khen thưởng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn nhằm tạo động lực cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi diện này... Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu thay đổi hình thức giao vốn của chương trình theo hướng giao cho các địa phương chủ động phân bổ cho các nội dung, không giao cho từng dự án, tiểu dự án như hiện nay, để tạo sự linh hoạt cho địa phương... “Riêng nguồn vốn sự nghiệp hiện đang giao theo năm nên điều chỉnh theo hướng giao theo trung hạn; đồng thời cần tiếp tục rà soát, sửa đổi Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ và một số thông tư khi ban hành còn vướng mắc”, đại biểu nhấn mạnh đề xuất.

ĐBQH VÕ THỊ MINH SINH: Rà soát để bảo đảm chất lượng các văn bản QPPL

Đồng tình cao với kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội… Tuy nhiên, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cần bổ sung đưa vào rà soát theo Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở năm 2022; đồng thời, tiến hành rà soát Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015.

Theo đại biểu Võ Thị Minh Sinh, mấu chốt của việc rà soát là thực hiện theo Văn kiện Đại hội XIII Đảng, theo phương châm: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ… Do đó, cần đưa vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để cụ thể hóa vào Luật này.

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận về kinh tế- xã hội, ngân sách Nhà nước: Hỗ trợ các địa phương khó khăn trong dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024 -0
ĐBQH Võ Thị Minh Sinh phát biểu. Ảnh: Phan Hậu

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị tiến hành rà soát Luật Tổ chức Toà án Nhân dân, Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi năm 2020)… Theo đại biểu, Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi năm 2020), tại khoản 2 (Điều 1) có sửa đổi Điều 6 Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 là về tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản QPPL.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2020 đã bổ sung nội dung quan trọng và thiết thực là thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản QPPL… Nhưng theo đại biểu, phản biện xã hội thời gian qua gần như chưa được quan tâm. Đặc biệt, quy trình thực hiện phản biện xã hội chưa được quy định trong tất cả các văn bản.

Về lấy ý kiến của người dân về các dự thảo văn bản, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng: Qua theo dõi, dự thảo văn bản trên cổng thông tin của Chính phủ, và các Bộ, ngành, địa phương được phản hồi rất ít, gần như Nhân dân ít tham gia…

Đại biểu đánh giá cao trang Fanpage thông tin Chính phủ thực hiện tốt, các comment góp ý khá nhiều…, trong khi đó, hầu như các trang thông tin điện tử của các Bộ ngành, Chính phủ gần như chưa phát huy hết tác dụng… Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát nội dung này để bảo đảm chất lượng văn bản QPPL; đồng thời, nên thay đổi cách thức lấy ý kiến cũng như công tác tuyên truyền; bởi, việc lấy ý kiến Nhân dân còn hạn chế, khiêm tốn…

ĐBQH TRẦN ĐỨC THUẬN: Có giải pháp khởi động, lành mạnh hóa thị trường bất động sản

Đồng tình và thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ đã nêu cũng như báo cáo của Ủy ban Kinh tế về phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua cũng như phương hướng trong năm tới… Tuy nhiên, đại biểu Trần Đức Thuận bày tỏ lo lắng trước tình trạng thị trường bất động sản đóng băng thời gian qua, ảnh hưởng đến nguồn thu và nhiều lĩnh vực kinh tế khác, cũng như lao động việc làm…

Theo đại biểu, thị trường bất động sản nóng hay lạnh cũng đều không tốt. Hiện nay, tâm lý rất nhiều người dân trông chờ vào Luật Đất đai và Luật Nhà ở tới đây sẽ thông qua; nguồn vốn đầu tư cho bất động sản hiện đang bị thắt chặt… Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu để có những giải pháp để khởi động thị trường bất động sản, nhằm lành mạnh hóa thị trường bất động sản”, đại biểu nhấn mạnh thêm.

Về tình trạng thất nghiệp, theo đại biểu, trong 9 tháng đầu năm 2023, có gần nửa triệu người mất việc làm do một số doanh nghiệp phá sản, một số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất… Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp giải quyết tốt việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động. Theo đó, cần có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hoặc doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm ngư nghiệp... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tăng cường các biện pháp tăng các nguồn thu để bảo đảm NSNN, đại biểu đề nghị. 

ĐBQH NGUYỄN VÂN CHI: Có biện pháp tích cực hơn để tác động vào thu NSNN

Đại biểu đánh giá cao các kết quả đến nay đã đạt được: Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát được kiểm soát, kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; kinh tế tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu… Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 là 5%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đưa ra, nhưng so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới thì đây vẫn là một mức tăng trưởng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân ước tăng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 4,5%.

Đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu giải quyết một số vấn đề: Tình trạng nền kinh tế khát vốn, doanh nghiệp thiếu dòng tiền nhưng tăng trưởng tín dụng không cao; các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đã chậm lại… Về vấn đề này, tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng: Cả ba động lực về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu của nền kinh tế đều gặp khó khăn. Trong báo cáo Ủy ban Kinh tế cũng đưa ra số liệu: Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm sâu, các thị trường xuất khẩu lớn giảm hoặc tăng rất thấp. Tiêu dùng phục hồi chưa vững chắc, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý (Quý I tăng 13,9% đến Quý III chỉ còn tăng 7,3%)… Đây là những khó khăn hiện hữu, cần có giải pháp khắc phục kịp thời.

Qua xem xét báo cáo về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm, đại biểu quan tâm đến tỷ lệ huy động vào NSNN tính trên GDP năm 2021 ở mức 18,7% GDP, trong khi năm 2022 là 17,2% GDP và năm 2023 số ước thực hiện chỉ còn 15,7% GDP, năm 2024 dự kiến chỉ còn 15,3% GDP... Như vậy, nếu so sánh với chỉ tiêu trong Nghị quyết 23 về kế hoạch tài chính 5 năm đặt ra (16% GDP), thì số ước thực hiện đến nay đã thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra.

Cũng theo đại biểu, một chỉ tiêu quan trọng trong thu ngân sách là số thu từ thuế và phí đang giảm. Ví dụ, năm 2021 tỷ lệ thu từ thuế và phí là 15,1%/GDP, năm 2022 còn 13,9% GDP, năm 2023 chưa có số liệu, năm 2024 dự kiến còn 12,2% GDP... Trong khi Nghị quyết số 23 đặt chỉ tiêu thu từ thuế, phí là từ 13 - 14% GDP. Đại biểu lo ngại tỷ lệ huy động vào NSNN, đặc biệt từ thuế và phí thấp dần, có nguy cơ không hoàn thành mục tiêu đặt ra trong kế hoạch tài chính 5 năm.

Liên quan đến nợ công, đại biểu cho rằng: Nợ công đang trong mức trần cho phép, thấp hơn mức cảnh báo, nhưng khi tỷ lệ huy động cho NSNN thấp dần thì sẽ buộc phải vay để đáp ứng cho đầu tư phát triển, chi ngân sách. Trần nợ công trong ngưỡng cho phép nhưng khả năng trả nợ là một vấn đề cần được quan tâm đánh giá. Khả năng thể hiện thông qua chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trên thu ngân sách. Qua theo dõi xu hướng trong 3 năm qua, đại biểu nhận thấy: Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2023 chiếm 20 - 21% trong tổng NSNN, năm 2024 dự kiến là 24 - 25% tổng thu ngân sách, đã chạm trần cho phép… “Xu thế này đáng lưu ý để bảo đảm khả năng trả nợ, nghĩa vụ trả nợ cần phải giữ trong giới hạn được Nghị quyết 23 đưa ra. Ngoài ra, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng thể hiện khả năng trả nợ. Chúng ta hiện đã tăng dần huy động trong nước thay cho vay nước ngoài nên chỉ tiêu này đang giảm dần”, đại biểu phân tích.

Theo đại biểu, Nghị quyết 81 xác định công tác xây dựng pháp luật toàn khóa, nhưng các luật sửa đổi, bổ sung về thuế chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, bao gồm năm 2022, 2023, 2024… Đến nay chưa có luật về thuế, phí được sửa đổi bài bản, chủ yếu sửa đổi rất nhỏ trong các nghị quyết hoặc một luật sửa đổi nhiều luật và đều đưa theo cách sát nút bổ sung vào chương trình… Đây là một nguyên nhân khiến chúng ta chưa có biện pháp tích cực hơn để tác động vào thu NSNN, đại biểu nhấn mạnh. 

ĐBQH THÁI THỊ AN CHUNG: Kịp thời xử lý các văn bản chồng chéo, vướng mắc, bất cập

Đại biểu cho rằng, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là việc làm thường xuyên, phải được tiến hành ngay khi có căn cứ rà soát văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL. Qua rà soát phát hiện ra những khó khăn, bất cập cũng như mâu thuẫn, chồng chéo.

Tán thành báo cáo rà soát của Chính phủ, song đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị cần phân định rõ danh mục hoặc phụ lục văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo khác với văn bản có vướng mắc, bất cập. Bởi văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo đã có nguyên tắc xử lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Còn văn bản có vướng mắc, bất cập bản chất là triển khai trong thực tế nhưng không phù hợp… Do đó, đề nghị cần có phụ lục riêng và chúng ta đặt ra kế hoạch để xử lý những vướng mắc, bất cập đó, như vậy mới sớm triển khai trong thực tiễn.

Cơ bản đồng tình với kết quả rà soát, song đại biểu cho rằng: Liên quan lĩnh vực quy hoạch (quy định chi tiết phụ lục 203), kết quả rà soát không chỉ ra mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong lĩnh vực này. “Qua rà soát của tỉnh Nghệ An, chúng tôi cũng có báo cáo gửi Chính phủ và Ủy ban Pháp luật, trong lĩnh vực quy hoạch có vướng mắc, đó là liên quan thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh…”, đại biểu dẫn chứng.

Bên cạnh đó, việc bố trí vốn thực hiện kế hoạch quy hoạch, tại Điều 9 Luật Quy hoạch có quy định chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt công bố điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công, nhưng Luật Đầu tư công thường bố trí từ đầu kỳ… Do đó, nếu chỉ quy định vốn đầu tư công thì sẽ rất vướng mắc. Đơn cử liên quan dự án Hồ Bản Mồng (tỉnh Nghệ Am), được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư tại văn bản số 154 của năm 2006, sau đó Bộ NN và PTNT đã phê duyệt dự án đầu tư vào năm 2009, thực tế triển khai 2010… Nhưng do thời gian triển khai dài và nhiều bất cập và liên quan đến một số hạng mục phải điều chỉnh, dẫn đến kinh phí tăng… Do đó, cần có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Do Luật Đầu tư công không có điều khoản chuyển tiếp, dẫn đến tỉnh Nghệ An cũng như các Bộ, ngành đã có phối hợp để giải quyết các vướng mắc… Đến nay, hồ sơ này đã được thống nhất trình lên Thủ tướng Chính phủ. Song, đến nay vẫn chưa có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư công. Và thực tế, nếu không có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư công thì dự án sẽ không thể triển khai được… “Dự án này cũng đưa vào trong Nghị quyết của Quốc hội, qua giám sát thực hành chống lãng phí là dự án chậm tiến độ kéo dài nhưng nếu không rốt ráo giải quyết thì sẽ lãng phí trong vấn đề đầu tư…”, đại biểu nhấn mạnh.

Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu đề nghị hàng năm các Bộ, ngành nên có kế hoạch rà soát để kịp thời xử lý các văn bản có mâu thuẫn chồng chéo, vướng mắc, bất cập; đồng thời, khi có kết quả rà soát thì cần có kế hoạch cụ thể giao trách nhiệm cho từng Bộ, ngành trong việc sớm tham mưu văn bản để sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập, vướng mắc.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh THÁI THANH QUÝ: Hỗ trợ tăng thu 2% để bù vào ngân sách địa phương giảm thu so với dự toán

Bên cạnh đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Thái Thanh Quý đề xuất thêm 2 ý kiến góp ý:

Thứ nhất, đề nghị điều chỉnh nội dung về trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN và điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm quy định tại Luật Đầu tư công 2019 nhằm bảo đảm liền mạch trong phân bổ vốn đầu tư công giữa hai nhiệm kỳ.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ là hỗ trợ cho các địa phương khó khăn trong dự toán thu NSNN năm 2024 (bởi, sẽ giảm rất nhiều so với năm 2023; và nếu không có khoản bù này sẽ không chi theo đúng quy định, phải vay 2025 để chi năm 2024)… Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ tăng thu 2% cho các địa phương để bù vào ngân sách địa phương giảm thu so với dự toán năm 2023.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề xuất kéo dài giải ngân nguồn vốn đầu tư đối với Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO