Đề xuất hoàn thiện pháp lý, gỡ "điểm nghẽn" cho dự án điện hạt nhân
Góp ý vào dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) tại Tổ 3, các ĐBQH tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cần có cơ chế đặc thù, bổ sung pháp lý, phân quyền địa phương để đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân.
Chiều 6/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Theo đó, tham gia thảo luận tại Tổ 3 về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều ý kiến tâm huyết, tập trung vào nội dung hoàn thiện pháp lý để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận – dự án có ý nghĩa chiến lược cả về an ninh năng lượng lẫn phát triển kinh tế địa phương.
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Quốc Nam cho biết, mặc dù dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp từ Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, song tiến độ thực hiện vẫn đang chậm so với yêu cầu.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, cả hai nhà máy trong dự án cần hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2031. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy còn nhiều vướng mắc về cơ chế, pháp lý và tổ chức thực hiện, dẫn tới nguy cơ không bảo đảm đúng lộ trình, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển năng lượng quốc gia cũng như hiệu quả đầu tư công.

Để tháo gỡ những nút thắt, đại biểu Trần Quốc Nam đã đề xuất một loạt các giải pháp mang tính căn cơ như sớm bổ sung các quy định vào Điều 34 của dự án luật để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho toàn bộ quá trình triển khai. Điều này không chỉ giúp các cơ quan, đơn vị yên tâm thực hiện nhiệm vụ mà còn giảm thiểu rủi ro pháp lý trong quá trình thanh tra, kiểm tra sau này. Đồng thời, việc cập nhật kịp thời các chỉ đạo mới nhất của Trung ương vào nội dung luật cũng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và tránh bỏ sót những quy định quan trọng.
Một điểm đáng chú ý khác trong ý kiến của đại biểu Trần Quốc Nam là đề xuất phân tách rõ ràng giữa các nội dung về an toàn, an ninh hạt nhân với các nội dung kỹ thuật. Sự phân định rành mạch này sẽ giúp hệ thống pháp luật trở nên dễ tiếp cận, dễ áp dụng hơn, tránh tình trạng chồng chéo giữa các điều khoản, đặc biệt là giữa Điều 29 và Điều 34.
Về vấn đề giải phóng mặt bằng và tái định cư - một trong những thách thức lớn nhất hiện nay, đại biểu đã kiến nghị giao thẩm quyền thực hiện cho tỉnh Ninh Thuận. Đây là một đề xuất hợp lý, xuất phát từ thực tiễn địa phương, nơi nắm rõ tình hình, có khả năng phối hợp chặt chẽ với người dân và các bên liên quan để xử lý linh hoạt, kịp thời các vấn đề phát sinh. Việc phân quyền sẽ tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong triển khai dự án.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của tỉnh, đại biểu Trần Quốc Nam cũng đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Ninh Thuận khi triển khai dự án. Bởi các quy định hiện hành đang bộc lộ sự thiếu linh hoạt, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đặc biệt trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển sinh kế cho người dân vùng dự án. Bên cạnh đó, việc sắp xếp nguồn vốn hợp lý, kết hợp giữa ngân sách nhà nước và hợp tác công - tư, cũng là một giải pháp cần được cân nhắc để tăng hiệu quả đầu tư.
Đồng tình với những ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà soát, bổ sung đầy đủ các quy định pháp lý trong dự thảo luật. Việc làm rõ cơ quan chủ trì, các đầu mối phối hợp và trách nhiệm của địa phương trong công tác chuẩn bị mặt bằng, tái định cư và hỗ trợ dân sinh là yếu tố then chốt để bảo đảm hiệu quả triển khai. Cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, cùng với các hướng dẫn chi tiết về quy trình, thủ tục và chính sách liên quan, là điều kiện tiên quyết để dự án đi đúng hướng.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy thì cho rằng, chính sách tái định cư cần vượt ra khỏi phạm vi bồi thường vật chất đơn thuần, phải đảm bảo sinh kế bền vững, ổn định cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tính sát thực tế, thiết thực của chính sách sẽ tạo được sự yên tâm, đồng thuận và đồng hành của người dân. Đại biểu cũng đề nghị tăng cường tính công khai, minh bạch trong toàn bộ quy trình, đồng thời quy định rõ quyền giám sát của cộng đồng và đại biểu dân cử tại địa phương.
Qua những ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của các ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho thấy, sự thống nhất cao trong việc nhận thức tầm quan trọng chiến lược của dự án điện hạt nhân. Để dự án được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ và bền vững, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành Trung ương, cùng với việc trao quyền, tạo điều kiện và lắng nghe tiếng nói từ cơ sở.