Đa số ĐBQH Tổ 14 tán thành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan. Đồng thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế công tác cán bộ của Đảng và Quân đội.
Một số ý kiến cho rằng, về cơ bản, dự thảo Luật sau khi được sửa đổi, bổ sung đã góp phần giúp cho lực lượng quân đội bảo đảm giữ vững sự ổn định, tăng cường sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; phối hợp với Công an nhân dân giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Về khoản 2, Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 13 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 1999 về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan), nhiều đại biểu tán thành sửa đổi theo hướng nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan QĐND Việt Nam các mức khác nhau, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm với cấp úy là 50 tuổi; thiếu tá là 52 tuổi; trung tá là 54 tuổi; thượng tá là 56 tuổi; đại tá là 58 tuổi; cấp Tướng là 60 tuổi.
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho rằng, cần giải thích cụ thể, rõ ràng hơn về việc quyết định tăng này, bởi mức tăng là không đồng đều. Bên cạnh đó, thời gian qua một số sĩ quan không có vị trí công việc, không có trần quân hàm đã xin nghỉ chế độ sớm trong khi vẫn có thể đóng góp nhiều cho lực lượng quân đội.
Qua rà soát, đại biểu Nguyễn Hải Anh chỉ rõ, dự thảo Luật không thực hiện điều chỉnh đối với quân nhân chuyên nghiệp. Trong khi đó, theo Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức Quốc phòng, hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm đối với cấp uý quân nhân chuyên nghiệp thì nam 52 là tuổi, nữ là 52 tuổi; thiếu tá, trung tá quân nhân chuyên nghiệp đối với nam là 54 tuổi, nữ là 54 tuổi; và thượng tá quân nhân chuyên nghiệp với nam 56 là tuổi, nữ là 55 tuổi. Do đó, đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung điều chỉnh hoặc có lộ trình để điều chỉnh độ tuổi phục vụ trong quân nhân chuyên nghiệp cho thống nhất.
Đại biểu cũng đề nghị xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của sĩ quan nữ cấp bậc quân hàm Đại tá để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, đảm bảo bình đẳng giới và tận dụng nguồn nhân lực nữ có trình độ, kinh nghiệm trong quân đội.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn khi khoản 2, Điều 13 quy định: Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều này không quá 5 năm; sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần quy định khung cụ thể đối với trường hợp đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt nhằm tránh tạo cơ chế xin cho, có trường hợp được ở lại và có những trường hợp tương tự không được ở lại.