Giáo dục

Đề xuất có chính sách giảm tâm lý phân biệt và nâng cao giá trị của giáo dục nghề nghiệp

Nguyễn Liên 17/05/2025 07:19

Tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên năm 2025 ngày 16/5, đại biểu đề nghị Bộ GD-ĐT có chính sách nhằm giảm tâm lý phân biệt và nâng cao nhận thức xã hội về giá trị thực tiễn của giáo dục nghề nghiệp.

Vẫn còn khó khăn trong nhận thức

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong thời gian gần đây, hệ thống Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh vẫn còn những khó khăn trong nhận thức của xã hội về Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên; công tác tuyển sinh còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ.

z6606523502128f3e723bb9b4d6c150edf9fb616e9af3c.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị triển khai công tác tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên năm 2025

Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên năm 2025, Thứ trưởng đề nghị cần xây dựng hệ thống thông tin tuyển sinh tích hợp, cho phép người học dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và đăng ký xét tuyển vào các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ phương thức truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó lấy người học làm trung tâm. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản trị, tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyển sinh năm 2025 tại địa phương. Thực hiện tốt công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT. Tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối giữa học sinh phổ thông với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.

Cả nước có 1.886 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp

Theo Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT) Phạm Vũ Quốc Bình, tính đến tháng 12/2024, cả nước có 1.886 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, gồm 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp.

Kết quả công tác tuyển sinh của các trường trung cấp, cao đẳng trên cả nước là 2.430.000 người, đạt 100% kế hoạch đề ra.

z6606523268851f4d0132083bd0075a186156d3f436112.jpg
Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT) Phạm Vũ Quốc Bình

Công tác giao chỉ tiêu tuyển sinh chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT được thực hiện trên cơ sở tổng hợp nhu cầu, điều kiện tổ chức thực hiện và kiểm tra thực tế tại các đơn vị có đề xuất tổ chức lớp Giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Theo ông Bình, nhìn chung, công tác tuyển sinh các trình độ trong Giáo dục nghề nghiệp nói chung, tuyển sinh trung cấp, cao đẳng nói riêng có những chuyển biến tích cực và hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Công tác phân luồng, thu hút học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học các trình độ Giáo dục nghề nghiệp ngày càng hiệu quả hơn.

Đề nghị có chính sách giảm tâm lý phân biệt, nâng cao nhận thức xã hội với giáo dục nghề nghiệp

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết, công tác tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên ở TP. Hồ Chí Minh được chú trọng thực hiện theo 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố và các ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN.

Định kỳ hàng năm, Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh triển khai công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học đến tất cả các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

z660652341013343a38eaa753005216035ed654ba57f71 (1)
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam

Bà Phan Thị Lệ Thu, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Viễn Đông, TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt lớn khi hệ thống các trường nghề được chuyển về Bộ GD-ĐT quản lý. Đặc biệt, việc được tham gia hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT là thuận lợi lớn cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp.

Bà Thu đề nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành quy định về phạm vi đào tạo của các trường cao đẳng. Đồng thời, có chính sách nhằm giảm tâm lý phân biệt và nâng cao nhận thức xã hội về giá trị thực tiễn của giáo dục nghề nghiệp.

afde1184672541aaccd05830a4d7c1d4a78dfb814c4f0bd76881dacaf2e2ac44a2f372d2-_z6491363345595-1754c2c8ff9bf855caacd4a69e00f41c.jpg
Sinh viên một trường cao đẳng tại Hà Nội

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh đề xuất cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong đào tạo.

Ông cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT trình Chính phủ bổ sung các trường cao đẳng nghề có năng lực vào danh sách ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn theo Quyết định số 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới tư duy và phương pháp triển khai, xác định rõ sứ mệnh đào tạo và phát triển con người, đáp ứng nhu cầu nhân lực, đặt lợi ích người học làm trung tâm. Bên cạnh đó, cần minh bạch thông tin, đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển sinh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề xuất có chính sách giảm tâm lý phân biệt và nâng cao giá trị của giáo dục nghề nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO