Quảng Nam

Đề xuất cơ chế hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng ngành nông nghiệp

- Thứ Bảy, 09/01/2021, 07:18 - Chia sẻ
Giai đoạn 2021-2025, Sở NN - PTNT tỉnh Quảng Nam đề xuất tiếp tục ban hành cơ chế hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi đất màu và thủy lợi nhỏ trên cơ sở khắc phục các hạn chế giai đoạn trước và bổ sung nội dung hỗ trợ đầu tư tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Dự kiến, đề án sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp chuyên đề dự kiến tổ chức vào đầu quý I.2021.

Hiệu quả từ một chủ trương lớn

Cơ chế đầu tư kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi đất màu và thủy lợi nhỏ đã được HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành và áp dụng từ năm 2006 với sự ra đời của Nghị quyết 54/2006/NQ-HĐND ngày 4.5.2006. Sau hơn 15 năm thực hiện cơ chế hỗ trợ theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đã góp phần hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất ngành nông nghiệp, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Riêng trong giai đoạn 2016-2020, với việc thực hiện chương trình theo Nghị quyết số 205/2016/NQ-HĐND ngày 26.4.2016, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, toàn tỉnh đã nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới 306 công trình thủy lợi nhỏ, bảo đảm phục vụ tưới ổn định cho 3.583,39ha; thuỷ lợi đất màu 123 công trình, phục vụ tưới cho 1.756ha; kiên cố hóa kênh mương loại III trên 827,71km. Cả 3 chỉ tiêu đều vượt cao so với mục tiêu đã đề ra, riêng chỉ tiêu về thủy lợi nhỏ đạt trên 600%. Theo thống kê, tổng kinh phí thực hiện giai đoạn này trên 1.300 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vốn ngân sách tỉnh (451 tỷ đồng) và vốn ngân sách Trung ương thuộc chương trình nông thôn mới (425 tỷ đồng). Phần vốn từ ngân sách cấp huyện, cấp xã, HTX, Nhân dân đóng góp và các nguồn vốn ODA chiếm trên 33% với 437 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Quế Sơn, Quảng Nam đã kiên cố hóa thêm gần 102km kênh mương các loại với số vốn đầu tư hơn 125 tỷ đồng - Ảnh: Văn Sự
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Quế Sơn, Quảng Nam đã kiên cố hóa thêm gần 102km kênh mương các loại với số vốn đầu tư hơn 125 tỷ đồng 
Ảnh: Văn Sự

Thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020 đã nâng tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa lên 67%, hạn chế hư hỏng do mưa lũ, giảm tổn thất nước trên kênh, đất sản xuất nông nghiệp được bảo đảm tưới ổn định. Riêng đối với các công trình thủy lợi hóa đất màu đã tạo ra những cánh đồng rau, màu đem lại giá trị kinh tế lớn, phục vụ nước tưới chủ động cho những cánh đồng đất bãi bồi, vùng đất cát vốn trước đây chủ yếu phụ thuộc nước trời, điển hình tại các địa phương như: Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, góp phần hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới của các xã đến năm 2020.

Cần tiếp tục có cơ chế hỗ trợ

Thành công lớn nhất trong suốt 15 năm thực hiện cơ chế hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương là đã góp phần đáng kể ổn định và mở rộng diện tích sản xuất được tưới chủ động, tiết kiệm nguồn nước kết hợp giao thông nội đồng, tạo cảnh quan môi trường, hình thành nên những cánh đồng sản xuất lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân nông thôn trong tỉnh.

Khối lượng công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn tương đối nhiều, cụ thể: Khoảng 1.233km kênh mương, hàng trăm công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu có nhu cầu được đầu tư. Công tác dồn điền, đổi thửa, xây dựng các cánh đồng mẫu, vùng sản xuất chuyên canh… đang được các địa phương triển khai cũng đòi hỏi cần có kế hoạch đầu tư dài hạn và xuyên suốt để hiện thực hóa chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 77/2018/NĐ-CP về thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Do vậy, để tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình hạ tầng nông thôn gắn với việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở NN-PTNT tỉnh đề xuất tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và bổ sung chính sách hỗ trợ công trình tưới tiên tiến tiết kiệm nước giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu cụ thể đề án hướng đến là đầu tư kiên cố hóa ít nhất 200km kênh mương, nâng tỷ lệ kênh mương được kiên cố đạt trên 70% vào năm 2025; đầu tư xây dựng 25 công trình thuỷ lợi nhỏ; xây dựng 50 công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Khác với các giai đoạn trước, thay vì phân chia các địa phương thành 2 khu vực để có cơ chế hỗ trợ, Sở cũng đề xuất phân chia thành 3 khu vực và hỗ trợ 100% kinh phí đối với các dự án do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý. Riêng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng do địa phương và Nhân dân đóng góp thực hiện. Đối với hỗ trợ đầu tư công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, dự kiến mức hỗ trợ từ 40 - 80 triệu đồng/1ha tùy khu vực. Ngoài ra, ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 50% chi phí san phẳng đồng ruộng đối với các khu vực, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/1ha. Nhu cầu nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 khoảng 325 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh khoảng 250 tỷ đồng.

Dự kiến, đề án sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp chuyên đề dự kiến tổ chức vào đầu quý I.2021.

DƯƠNG THỊ THANH HIỀN