Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Trong đó, đối với Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vào diện sẽ bị hoãn xuất cảnh nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Hiện nay, theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thủ trưởng các cơ quan Thuế, Hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Bộ Tài chính cho rằng việc cấm xuất cảnh mới áp dụng với cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp, chưa phù hợp với thực tiễn. Theo đánh giá, việc tạm dừng xuất cảnh nên được thực hiện với cả cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện pháp luật của tổ chức nộp thuế. Việc này nhằm nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế, tăng tính linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.
Cả nước hiện có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế); hơn 31.700 hợp tác xã 158 liên hiệp hợp tác xã.
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế đã ban hành hơn 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tiền nợ thuế 24.100 tỷ đồng. Toàn ngành thu hồi gần 920 tỷ đồng của 1.482 người nợ qua hình thức này.